Bác sỹ gợi ý cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho trẻ
Thường các năm, từ tháng 6 đến tháng 12 là mùa của bệnh sốt xuất huyết, nhưng năm nay từ cuối tháng 4, bệnh đã bắt đầu tăng nhanh.
Tuyệt đối không chủ quan
Ngày 4/6, thông tin từ Bs.CKI. Trường Quốc Chiến, Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe - Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Tp. Cần Thơ cho biết, cảnh báo gần đây bệnh nhi bị sốt xuất huyết nhập viện tăng cao so với đầu năm 2022 và diễn tiến nặng nhiều hơn.
Tại khoa Sốt xuất huyết, bệnh viện Nhi đồng Tp.Cần Thơ, hiện nay thực kê 52 giường, nhưng số ca nằm viện luôn trên 60 trẻ. Ðiểm đáng lo là số ca bệnh tăng và diễn tiến bệnh cũng nặng hơn.
Khi trẻ bị đau đầu, sốt cao và kéo dài 1-2 ngày phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để khám, xét nghiệm chẩn đoán chính xác. Phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan vì bệnh sốt xuất huyết thường diễn tiến nặng từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7.
Với trẻ thừa cân, béo phì, trẻ có bệnh lý nền có nguy cơ bị nặng hơn các trẻ khác, cần được quan tâm, theo dõi, điều trị tích cực hơn. Ở Bệnh viện Nhi đồng Tp.Cần Thơ, các trẻ có chẩn đoán sốt xuất huyết đều được bác sĩ chỉ định nhập viện để theo dõi, điều trị.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết tăng nhanh, các trạm y tế cần tham mưu với chính quyền địa phương, ra quân chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường xung quanh, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, ngủ mùng kể cả ban ngày, để chủ động phòng dịch hiệu quả.
Lời khuyên bác sĩ
Theo Bs.CKI. Trường Quốc Chiến, khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc. Không tự ý dùng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen (vì dễ gây xuất huyết nặng).
Ngoài ra, không cạo gió, vì làn da của trẻ mỏng manh sẽ làm trẻ đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ.
Sốt xuất huyết có khả năng làm chảy máu tiêu hóa, chảy máu chân răng, do đó không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như: Coca, Pepsi, xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn và khó nhận biết được tình trạng chảy máu tiêu hóa ở trẻ.
Khi có dấu hiệu bất thường, cần đưa bé tới cơ sở y tế để được khám và điều trị, không được đưa trẻ tới các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện để truyền dịch hoặc điều trị cho trẻ.
Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nên sẽ bị sốt, đau nhức mình mẩy, khó chịu... nên cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng. Cần cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: cháo, súp, sữa...
Nếu là trẻ còn bú mẹ cần tăng cường bú mẹ, đối với trẻ lớn hơn cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: nước điện giải Oresol, nước lọc, nước trái cây, nước cam, nước chanh… nhằm cung cấp thêm vitamin các nhóm A, B, C để tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể và tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.
Quang Lợi