Bác sĩ sốc điện 30 lần cứu nữ bệnh nhân mắc "cơn bão điện học"
Bệnh viện Thống Nhất Tp.HCM vừa cứu sống ca bệnh hi hữu bị "cơn bão điện học" phải sốc điện đến hơn 30 lần.
Chiều 19/9, PGS.TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất (Tp.HCM) cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công một trường hợp bị “cơn bão điện học” trong nhồi máu cơ tim cấp.
Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị S. (59 tuổi, ở quận Bình Tân), được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu vào khoảng 11h trưa 18/9 trong tình trạng nguy kịch, đau ngực dữ dội. Được biết, bà đang điều trị đái tháo đường tuýp 2, có biểu hiện đau tức ngực 2 ngày trước đó nhưng không đến bệnh viện sớm.
Tại Bệnh viện Thống Nhất, qua thăm khám, đo điện tim, bác sĩ khoa Cấp cứu nhận định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp ở vị trí thành dưới thất phải và thành sau thất trái. Lúc này, huyết áp bệnh nhân có xu hướng tụt, mạch chậm dần.
Bác sĩ khoa Cấp cứu hội chẩn ngay ê-kíp can thiệp mạch vành, giải thích tình trạng nguy kịch của bệnh nhân cho gia đình . Trong vòng 30 phút, bệnh nhân được đưa vào phòng DSA để can thiệp mạch máu.
Trên đường chuyển từ khoa Cấp cứu lên phòng DSA, bệnh nhân xuất hiện rung thất và được sốc điện nhiều, hồi sinh tim phổi, dùng thuốc kiểm soát tình trạng nhanh thất, rung thất. Tuy nhiên, tình trạng rung thất vẫn lặp đi lặp lại, nếu chờ cho bệnh nhân ổn định mới can thiệp thì không còn cơ hội.
Với quyết tâm cứu người, ê-kíp liên chuyên khoa quyết định vừa sốc điện chuyển nhịp để xử lý khẩn cấp tình trạng rung thất, đồng thời vừa can thiệp đặt stent.
Sau hơn 5 phút nghẹt thở chạy đua với tử thần với hơn 30 lần sốc điện, ê-kíp đã can thiệp thành công mạch vành, đặt 1 stent tái thông vị trí mạch máu bị tắc tạm thời giúp người bệnh qua được nguy kịch.
Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục bị nhịp nhanh thất, rung thất. Các bác sĩ đã tiếp tục sốc điện, đồng thời sử dụng thuốc, bổ sung điện giải giúp bệnh nhân phục hồi dần và hiện đã hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống được.
Về tình trạng bệnh lý của nữ bệnh nhân trên, PGS.TS Nguyễn Văn Tân cho biết: "Đây là tình trạng "cơn bão điện học" trong nhồi máu cơ tim cấp - biến chứng không thường gặp (khoảng 5-10% trong nhóm bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp), xảy ra sau nhồi máu cơ tim cấp nhưng rất nặng nếu không chẩn đoán, xử trí kịp thời thì bệnh nhân có thể tử vong ngay".
PGS.TS Nguyễn Văn Tân giải thích thêm: "Khi bị nhồi máu cơ tim, nếu bệnh nhân xuất hiện trên 3 cơn nhanh thất, rung thất liên tục hoặc trong 5 phút thì được gọi là “cơn bão điện học” ".
Nguyên nhân của “cơn bão điện học” có thể do tình trạng thiếu máu cục bộ vùng cơ tim gây nhồi máu và dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, cũng có thể do một số yếu tố khác thúc đẩy như rối loạn điện giải, hạ kali, tăng đường huyết nặng, nhiễm trùng nặng sử dụng một số thuốc…
Nhồi máu cơ tim cấp do thiếu máu cục bộ thì việc tái tưới máu là rất quan trọng để ngăn ngừa “cơn bão điện học” và điều chỉnh các yếu tố thúc đẩy thì sẽ cứu được bệnh nhân. Việc thực hiện phải nhanh chóng, kịp thời, có sự kết hợp của nhiều ê-kíp trong lúc cấp cứu bệnh nhân.
Biến chứng sau nhồi máu cơ tim cấp hậu quả nặng nề, có thể tử vong ngay. Do đó, việc chẩn đoán “cơn bão điện học”, xử trí kịp thời, cùng sự phối hợp các ê-kíp can thiệp, gây mê, hồi sức sẽ mang lại quả tốt cho bệnh nhân.
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Người Lao Động)