Bác sĩ gắp hạt tiêu nằm trên đỉnh phổi người đàn ông suốt 7 năm
Cách đây 7 năm, một người đàn ông 65 tuổi bị sặc và ho nhưng không đi thăm khám. Khi sức khỏe có vấn đề, ông mới đến bệnh viện và được chữa trị.
Bệnh nhân N.V.H. 65 tuổi, trú tại phường Tân Hiệp, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai vào viện trong tình trạng viêm phổi, ăn uống kém, khó thở, sốt, ho. Qua khám cận lâm sàng, chụp CT, chụp phim cho thấy toàn bộ thùy trên phổi phải bị đông đặc, các bác sĩ nghi ngờ lao phổi.
Tại viện ông H. được điều trị đúng phác đồ theo tình trạng của bệnh nhân nhưng không cải thiện, vẫn còn ho, khó thở và sốt nên các bác sĩ nghĩ ngay đến dị vật và cho bệnh nhân noi soi phế quản. Kết quả nội soi cho thấy, bệnh nhân có dị vật nằm trên đỉnh phổi.
Sau khi lấy dị vật ra, bệnh nhân hết sốt, không ho, ăn uống bình thường. Do bệnh nhân có bệnh viêm phổi nên phải điều trị cho bệnh ổn định rồi mới được xuất viện.
Bác sĩ Lê Quốc Khánh, Phó Trưởng Khoa Hô hấp cho biết: Đây là trường hợp hiếm đầu tiên các bác sĩ gặp, thông thường, dị vật thường mắc ở phổi hoặc phế quản, rồi đi vào phổi phải và rớt xuống thùy dưới hay thùy giữa, còn dị vật của bệnh nhân lại nằm ở thùy trên (đỉnh phổi). Nếu dị vật để lâu ngày không lấy ra sẽ dẫn đến hoại tử thùy trên, ảnh hưởng đến sức khỏe, kèm theo bệnh nhân bị viêm phổi liên tục sẽ dẫn đến kháng thuốc.
Để nội soi gắp dị vật ra cho bệnh nhân rất khó, thường nội soi ống mềm đi theo đường thẳng hoặc ngang, còn với bệnh nhân này ống nội soi phải uốn cong mới đi lên được đỉnh phổi để đưa các dụng cụ vào hút và gắp dị vật ra ngoài. Các bác sĩ phải luồn lách khéo léo và hơn 1 tiếng đồng hồ đã gắp được dị vật là hạt tiêu ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
Từ đây, các bác sĩ khuyến cáo đối với người lớn khi ăn mà bị sặc, thở rít, tím tái, khò khè thì nên đến bệnh viện kiểm tra để có hướng xử trí phù hợp. Trong khi ăn uống hạn chế cười lớn và đùa giỡn, nhằm tránh hóc các dị vật.
Dị vật đường thở thường gặp nhiều ở trẻ em, nhất là ở trẻ nhỏ tuổi và gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ những chất vô cơ hay hữu cơ lọt vào đường thở, gặp nhiều nhất là hạt đậu phộng, hạt dưa, bắp, vỏ tôm, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc, vỏ bọc của viên thuốc, thậm chí là đồng tiền xu...
Trúc Chi (t.h theo VTV News, Đồng Nai)