Bác sĩ bất lực với toa thuốc quá ẩu: Người viết nói tại đông bệnh nhân
Việc bác sĩ viết đơn thuốc không rõ ràng bị cho là sẽ ảnh hưởng không tốt đến bệnh nhân. Trường hợp đơn thuốc dưới đây, ngay cả bác sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng không thể đọc được vì chữ quá xấu.
Mới đây, trên trang cá nhân của một dược sĩ khá nổi tiếng ở Hà Nội đã chia sẻ hình ảnh đơn thuốc của bệnh nhân. Theo đó, đơn thuốc gồm 2 trang nhưng đáng nói là bệnh nhân không thể đọc nổi nội dung vì chữ người kê đơn quá xấu.
Nhìn vào đơn thuốc, người bệnh không biết được phải mua thuốc gì, sử dụng ra sao mà chỉ đọc được phần dặn dò của bác sĩ là khám lại sau 7 ngày nhưng cũng không dám chắc. Vị dược sĩ cho biết, bệnh nhân đã mang đơn thuốc đến hỏi ý kiến một bác sĩ chuyên khoa và giàu kinh nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai nhưng người này cũng chỉ đoán được “mang máng”, khó luận ra tên thuốc.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bác sĩ T. nhận là người có đơn thuốc đang lan truyền trên mạng nói trên. Ông cũng thừa nhận chữ viết trên đơn không được đẹp và sẽ rút kinh nghiệm lần sau.
“Bình thường nếu người bệnh không quá đông tôi vẫn viết đơn thuốc đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, hôm đó do lượng bệnh nhân khá đông nên đã viết nhanh hơn. Hầu hết đơn thuốc được mua tại khu vực phòng khám nên người bệnh cũng không phải hỏi lại.
Sau đó có thể là do người nhà bệnh nhân về đọc lại đơn thuốc nên bức xúc mới đăng tải lên mạng xã hội. Bản thân tôi cũng coi đây là bài học và rút kinh nghiệm về chữ viết của mình.” – bác sĩ T. nói.
Bác sĩ T. cũng cho rằng việc tự ghi đơn thuốc sẽ nhanh hơn là làm đơn thuốc điện tử do ông không có người hỗ trợ. Ông khẳng định trong suốt 15 năm hành nghề, đây là lần đầu tiên bản thân bị người bệnh phản ánh nên không tránh khỏi buồn bã.
Nói về vấn đề chữ viết của các bác sĩ, ông Nguyễn Hoài Nam – nguyên phó chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch Đại học Y dược TP.HCM nêu quan điểm rằng khoảng 70% bác sĩ viết xấu, trong đó có chữ xấu tự nhiên nhưng cũng có trường hợp cố tình viết xấu.
Bác sĩ Nam cho rằng, tất cả các đơn thuốc nên được in bằng máy và có hồ sơ lưu trữ để kiểm soát hoạt động của các bác sĩ. Việc này không tốn quá nhiều chi phí nên các bác sĩ có thể dễ dàng làm quen.
Mặt khác, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – trung tâm oxy cao áp Việt – Nga thuộc Bộ Quốc phòng cho rằng bác sĩ viết chữ xấu sẽ gây hệ lụy đến bệnh nhân. Trong trường hợp dược sĩ không dịch chuẩn xác, họ có thể đưa thuốc khác với kê đơn của bác sĩ, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dùng thuốc.
Trước đó, cũng từng có một bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã bị thanh tra Bộ Y tế phê bình vì viết chữ xấu “như gà bới”. Báo Lao Động có viết, đơn thuốc của vị bác sĩ này không chỉ viết ngoáy mà còn viết tắt, thiếu sót các thông tin cơ bản.
Lãnh đạo thanh tra Bộ Y tế đã đề nghị Bệnh viện Phụ sản Trung ương chấn chỉnh lại tình trạng này. Đồng thời, bệnh viện phải báo cáo Bộ Y tế về việc sửa đổi này trong thời hạn 30 ngày.
Có nhiều cách để khắc phục việc bệnh nhân phải nhận những đơn thuốc chữ xấu. Các bác sĩ nên cân nhắc việc sử dụng máy tính để giúp công việc được thuận lợi hơn.
Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !
Nghề bác sĩ đòi hỏi sự tỉ mỉ tuyệt đối ở tất cả các khâu vì bất kì giai đoạn điều trị nào cũng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. Đặc biệt trong việc viết đơn thuốc lại càng không thể qua loa vì mỗi loại thuốc có công dụng, liều lượng khác nhau, nếu dùng sai sẽ có thể mang đến hậu quả khó lường.
Vì vậy, ngay cả khi có đông bệnh nhân, các bác sĩ cũng nên viết cẩn thận với đơn thuốc. Nếu không thể viết rõ ràng, hãy nhờ cậy đến công nghệ hiện đại trợ giúp.
Xem thêm nhiều thông tin TẠI ĐÂY !