Bắc Ninh: Đất ở ổn định bỗng dưng… thành lấn chiếm trái phép
Từ người có đất sử dụng ổn định bỗng thành người xây dựng lấn chiếm trái phép là điều cần được làm sáng tỏ tại dự án kéo dài hơn 20 năm tại Tp.Bắc Ninh.
Cùng vị trí đất, dự án trước được công nhận đền bù, nhưng dự án sau bị mất quyền lợi; từ người có đất sử dụng ổn định, không tranh chấp bỗng thành người xây dựng lấn chiếm trái phép…là những điều cần được làm sáng tỏ tại dự án có tuổi đời hơn 20 năm do UBND phường Đại Phúc, Tp.Bắc Ninh làm chủ đầu tư .
Nguy cơ mất trắng
Theo đó, 6 hộ dân hiện đang sinh sống ổn định gần 40 năm ở Khu 1, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh phản ánh về việc bỗng chốc lâm vào cảnh mất trắng cơ nghiệp vì một loạt những quyết định thu hồi đền bù đất để thực hiện Dự án khu dân cư dịch vụ Bãi Ấn (phường Đại Phúc, Tp.Bắc Ninh).
Cụ thể, ngày 19/07/2002, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định số 802/QĐ-CT để thu hồi khoảng 1ha đất giao cho UBND phường Đại Phúc thực hiện Dự án khu dân cư dịch vụ Bãi Ấn. Trong đó, có hơn 1000m2 hiện đang do 6 hộ dân quản lý sử dụng.
Các hộ dân khẳng định nguồn gốc đất họ tự khai hoang từ những năm 80 của thế kỷ trước, sinh sống ổn định, không có tranh chấp, thậm chí trước đó được UBND phường Đại Phúc xác nhận về nguồn gốc đất, đóng thuế trước thời điểm dự án được triển khai. Đặc biệt hơn, cùng vị trí đất đó, khi bị thu hồi ở dự án khác họ vẫn được công nhận bồi thường.
Nhưng không hiểu vì lý do nào, tại dự án này, UBND phường Đại Phúc lại khẳng định đất của 6 hộ dân: “Phần đất ở không hợp pháp mà các hộ dân tự lấn chiếm” nên không được nhận bồi thường đền bù.
Đơn cử, hộ gia đình bà Vũ Thị Ngát (85 tuổi, là vợ liệt sỹ) đang sử dụng diện tích đất khoảng gần 80m2 nằm trong diện bị thu hồi. Tại vị trí này, hộ bà Ngát dù chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng được xác nhận của chính quyền đại phương về nguồn gốc đất, đã kê khai, nộp thuế vào năm 1994-1996.
Dẫn chứng, trước đó vào năm 1999, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Đấu Mã (Tp.Bắc Ninh), thửa đất của bà Ngát, thời điểm ấy do em trai là ông Vũ Văn Chanh sử dụng, bị thu hồi và được đền bù 220m2, trên tổng 370m2. Biên bản xác định nguồn gốc đất còn thể hiện gia đình đã ở từ năm 1987, làm nhà năm 1990, có xác nhận của UBND phường Đại Phúc.
Diện tích còn lại, ông Chanh bán lại cho bà Ngát năm 2001 để di cư vào miền Nam, bà Ngát sử dụng ổn định từ đó đến nay, sau đó còn chia lại một phần cho con gái. Tuy nhiên, khi thực hiện Dự án khu dân cư dịch vụ Bãi Ấn, UBND phường Đại Phúc cho rằng đất này ông Chanh đã nhận bồi thường đền bù và bàn giao mặt bằng, bà Ngát thuộc diện lấn chiếm xây dựng trái phép.
Tương tự trường hợp ông Nguyễn Văn Thanh, tại Tờ khai sử dụng đất trong khu vực thu hồi để xây dựng đường Đấu Mã có xác nhận của UBND xã Đại Phúc ngày 21/11/1999 thể hiện, ông đang sử dụng là 280m2, bị thu hồi 170 m2, còn 109m2 và đã làm nhà năm 1990.
Tại bảng kê phụ lục hỗ trợ và Biên bản trả tiền kèm theo thì gia đình ông Thanh chỉ bị thu hồi, hỗ trợ về công trình phụ và cây cối; không bị thu hồi diện tích nhà ở.
Nhưng khi lập dự án, UBND phường Đại Phúc lại xác định diện tích đất còn lại ông Thanh đang sử dụng là diện tích đất khai hoang của hộ khác, họ đã nhận bồi thường đền bù và bàn giao mặt bằng. Vì thế, ông từ người có đất trở thành lấn chiếm trên đất dự án nên không được hưởng quyền lợi.
Chưa công khai minh bạch chứng cứ?
Về việc này, 6 hộ dân đã làm đơn khởi kiện UBND Tp.Bắc Ninh tới TAND tỉnh Bắc Ninh để yêu cầu bồi thường khi thu hồi đất. TAND tỉnh Bắc Ninh đã thụ lý, tách thành 6 vụ án và được đưa ra xét xử vào giữa 5/2023. Tuy nhiên, do có tính chất tương tự nên trong các phiên toà, các vấn đề chỉ tập trung việc làm rõ nguồn gốc sử dụng đất.
Đại diện UBND phường Đại Phúc công nhận tính hợp pháp của những xác nhận về nguồn gốc đất của các hộ dân nhưng vẫn giữ quan điểm các hộ dân đang sử dụng là phần lấn chiếm xây dựng trái phép, hoặc đã nhận tiền đền bù. Căn cứ, tiên quyết được UBND phường căn cứ là Biên bản kiểm tra xây dựng ngày 10/10/2001 (6 hộ dân đều được kiểm tra cùng ngày) thể hiện công trình của các hộ dân là xây dựng lấn chiếm trên đất dự án đã thu hồi.
Về việc này, các hộ dân đều khẳng định, biên bản kiểm tra xây dựng năm 2001, không ai trong số 6 hộ dân được biết, thậm chí có nhiều dấu hiệu bị làm giả và nguỵ tạo (khi người có mặt và người ký không trùng khớp) nên không thể coi là căn cứ để bác bỏ các tài liệu có tính xác thực khác.
Đặc biệt, mấu chốt của vụ án nằm ở việc công khai tài liệu chứng cứ là bản đồ giải thửa năm 1992-1993, bản đồ địa chính năm 1996, triệu tập nhân chứng và những người liên quan được cho là chồng lấn, đã nhận tiền đền bù trên diện tích của các hộ dân đang sử dụng để đối chất nhưng không được thực hiện và công khai tại toà.
Theo Luật sư Lê Giang Nam - Văn phòng Luật sư An Việt, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho biết, UBND phường Đại Phúc từng xác nhận nguồn gốc đất, xong lại từ chối quyền sử dụng của công dân là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng, khách quan.
Luật sư Nam cho rằng, nguyên nhân có thể do UBND phường Đại Phúc không căn cứ vào hồ sơ xác minh tại thời điểm trình phê duyệt dự án và không tiến hành đối chiếu với bản đồ giải thừa kèm sổ giao chia ruộng đất năm 1992-1993 (có hiệu lực tại thời điểm phê duyệt dự án năm 2001), bản đồ địa chính năm 1996, để xác định ranh giới, nguồn gốc và chủ sở hữu các thửa đất dẫn tới làm mất quyền lợi của người dân.
Ngoài ra, căn cứ vào Bản trích đo bản đồ địa chính khu vực xin giao đất làm đất ở cho nhân dân thuộc xóm 1, xã Đại Phúc (cũ) do Trung tâm Kỹ thuật địa chính Bắc Ninh thực hiện đo đạc vào tháng 4/2001, diện tích đất của 6 hộ dân thể hiện ký hiệu đất thổ cư. Bản đồ này được UBND xã Đại Phúc ký xác nhận ngày 24/04/2001 và được Sở Địa chính phê duyệt ngày 26/04/2001.
Vì thế, câu hỏi đặt ra là vì sao một thửa đất không thể 2 chủ, người sử dụng ổn định bỗng nhiên lại trở thành người xây dựng lấn chiếm trái phép? Trong cùng 1 vị trí, dự án trước được công nhận đền bù, dự án sau lại không? .
Khánh Linh