Bạc Liêu: Lúa được mùa, được giá, nông dân phấn khởi thu hoạch
Hiện nay, nông dân Bạc Liêu đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông xuân. Theo ghi nhận, đa số người trồng lúa đều trúng mùa, trúng giá, thu về lợi nhuận cao.
Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng đang tăng lên trong những ngày gần đây.
Ghi nhận của báo điện tử Vietnam+ tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, những ngày gần đây, nhờ nắng nóng kéo dài, việc thu hoạch đang được nông dân trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ. Các máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch của người dân trên địa bàn để tranh thủ thời điểm lúa đang được giá cao.
Theo ông Tô Thanh Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lợi, vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống được hơn 17.000ha.
Tính đến thời điểm hiện tại, bà con nông dân vùng chuyên canh lúa Tài nguyên chủ yếu tập trung ở thị trấn Châu Hưng và xã Châu Hưng A đã thu hoạch dứt điểm tổng số 3.310ha diện tích, năng suất lúa bình quân ước đạt từ 6,5 đến 7 tấn/ha, thậm chí có hộ sản lượng lúa đạt gần 1 tấn/công (1.000m2), ngang bằng so với vụ mùa Tài nguyên năm rồi.
Hiện, thương lái vào tận ruộng thu mua lúa của nông dân với mức giá từ 7.500 đến 8.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Hiền, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi cho biết, chưa vụ nào trúng như vụ này, chưa năm nào “khỏe” như năm nay. Lúa vừa trổ bông là thương lái đến đặt tiền cọc trước. Lúa gần chín, có máy gặt đập liên hợp đến lãnh cắt, vận chuyển. Người dân chỉ việc đến ghi sản lượng lúa và cầm tiền đem về. Đặc biệt là giá lúa được thương lái thu mua tăng hơn so với vụ trước, khiến nông dân rất vui mừng, phấn khởi.
“Hiện trung bình năng suất lúa vào khoảng 45 - 50 giạ/công, cá biệt có hộ đạt 55 giạ/công. Hiện giá lúa Tài nguyên dao động từ 7.500 - 8.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 35 - 40 triệu đồng/ha”, ông Hiền phấn khởi nói.
Ông Trần Văn Hồng ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) cũng canh tác hơn 1ha diện tích giống lúa Tài nguyên nổi tiếng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.
Nhiều năm nay, ông Hồng chọn giống lúa này để canh tác bởi lẽ nó rất dễ làm, cho sản lượng cao, lúa hàng hóa sau khi thu hoạch thường bán với giá cao hơn so với một số giống lúa ngắn ngày khác.
Hiện tại, gia đình ông Hồng đã thu hoạch 100% diện tích lúa Tài nguyên, năng suất ước đạt hơn 5,6 tấn/ha. Sau khi thu hoạch xong, gia đình ông cũng bán lúa tươi cho thương lái với giá 7.500 đồng/kg. Theo chia sẻ của ông Hồng, khi trừ đi tất cả các khoản chi phí canh tác, vật tư nông nghiệp, gia đình ông còn lại 35 triệu đồng/ha.
Chung niềm vui trúng mùa, trúng giá lúa Đông Xuân, anh Trần Văn Hoàng ở ấp Tường Tư, xã Hưng Phú, huyện Phước Long. Năm nay, gia đình anh Hoàng xuống giống 3ha lúa Đài Thơm, năng suất đạt trên 8 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 25 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Tuy chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất có cao hơn so với vụ lúa Đông Xuân các năm trước nhưng nhờ lúa bán được giá cao nên lợi nhuận tương đối khá.
“Giá lúa cao như hiện nay bà con nông dân có lãi, chỉ mong giá lúa giữ được cao như vậy, đời sống người trồng lúa mới khá hơn”, anh Hoàng chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết .
Ông Trần Văn Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Long cho biết, toàn huyện có diện tích canh tác lúa Đông Xuân trên 13.600 ha, hiện đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, năng suất trung bình đạt từ 8 tấn/ha.
Ông Liêm nhận định, lúa Đông Xuân vụ mùa 2022-2023 trà lúa phát triển khá tốt, điều kiện thời tiết thuận lợi, lượng nước ngọt đủ đảm bảo cho trà lúa phát triển, sâu bệnh không đáng kể, lúa đang cho thu hoạch năng suất lúa cao, giá bán cao, người dân rất phấn khởi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Qua ghi nhận thực tế cho thấy, do được ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo, nên vụ Đông Xuân này hầu hết nông dân đã chuyển đổi sang trồng các giống lúa thơm có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, những năm gần đây nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, áp dụng các tiến bộ khoa học, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung.
Ông Trần Văn Liêm cho biết, việc tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sẽ tạo được sản lượng lớn, vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện liên kết trong sản xuất với các công ty, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết. Toàn huyện Phước Long đã bao tiêu trên 11.400ha/13.637 ha.
“Trong thời gian tới chúng tôi chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân, nâng cao khả năng dự báo thị trường, từng bước tháo gỡ “nút thắt” trong sản xuất nông ngư nghiệp với quy mô hàng hoá nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá”, ông Liêm cho biết thêm .
Để tăng năng suất lúa, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã triển khai rất nhiều giải pháp. Theo ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, địa phương xây dựng và nhân rộng nhiều diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao.
“Vấn đề đặt ra hiện nay của ngành lúa gạo là không hướng đến sản lượng mà chất lượng là chính. Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để nâng cao giá trị của chất lượng sản phẩm mới có thể đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Mười thông tin.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng dù giá lúa của Đông Xuân hiện nay đang tăng nhưng nông dân không nên xuống giống Hè Thu sớm, phải thực hiện công tác chuẩn bị đất cho gieo sạ vụ Hè Thu thật tốt. Các địa phương cần tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng; không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen…
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển cây lúa cần phải gắn nông dân trong chuỗi giá trị. Phát triển của ĐBSCL từ cây lúa không có nghĩa chỉ có cây lúa, mà nó phải kết hợp với các loại cây, con khác. Cây lúa không thể đi một mình giữa những thách thức như hiện nay. Muốn nâng cao thu nhập cho nông dân, phải gắn nông dân vào chiến lược chung của chuỗi giá trị lúa gạo.
GS Võ Tòng Xuân rất trăn trở về việc thu nhập của người trồng lúa: “Thời gian qua nông dân vùng ĐBSCL mang rạng rỡ về cho đất nước nhưng họ vẫn nghèo. Người trồng lúa phải đầu tư rất nhiều, từ phân bón, thuốc trừ sâu...khiến chi phí sản xuất tăng. Vì vậy, điều cần làm lúc này là thực hiện các mô hình sản xuất hạ giá thành, từ đó sẽ góp phần tăng thu nhập cho nông dân”.
GS Võ Tòng Xuân cho biết, việc tổ chức sản xuất ở ĐBSCL nên phân chia theo 3 vùng nông nghiệp chính là vùng thượng nguồn (nước ngọt quanh năm không thiếu, nước mặn không đến); vùng giữa (vùng trũng nhất, ngập sâu trong mùa mưa, khô hạn trong mùa nắng, nước mặn có thể xâm nhập); vùng ven biển (nước ngọt trong mùa mưa, nước mặn - lợ trong mùa nắng) để từ đó có giải pháp, mô hình sản xuất tương ứng với đặc thù của mỗi vùng...
Minh Hoa (t/h)