Bắc Kạn: Nỗ lực làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

Chia sẻ Facebook
20/09/2022 10:59:55

Những năm qua, bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, Bắc Kajn luôn luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân, chăm sóc người có công, động viên người có công vươn lên trong cuộc sống qua đó bồi đắp và thắp sáng truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.


Toàn tỉnh hiện có gần 23.800 người có công với cách mạng và thân nhân người có công. Việc thực hiện chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi hằng tháng, trợ cấp một lần và điều chỉnh các mức hưởng được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định của Nhà nước trong từng giai đoạn. Chế độ trợ cấp ưu đãi được chuyển trực tiếp đến đối tượng với kinh phí chi trả mỗi năm hơn 100 tỷ đồng. Trong năm 2021, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 , tỉnh đã hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng cho 2.420 đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng, góp phần giảm bớt khó khăn trong đại dịch.


Để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng, tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của các cấp các ngành và nhân dân đối với các thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng; Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm duy trì, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng.

Từ năm 2017 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp đã vận động được hơn 6 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 110 ngôi nhà cho người có công khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí trên 3,3 tỷ đồng; trao tặng 200 sổ tiết kiệm cho người có công và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 400 triệu đồng; hỗ trợ cho 17 gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống với tổng kinh phí 51 triệu đồng. Đặc biệt trong hai năm 2021 - 2022, tỉnh đã vận động Tập đoàn VINGROUP tặng quà cho các thương, bệnh binh nặng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn với số tiền 185 triệu đồng.

Nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà người có công và thân nhân, trong đó mỗi năm thực hiện chuyển quà của Chủ tịch nước cho hơn 7.000 lượt đối tượng, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; quà của chính quyền các cấp, các cá nhân, tổ chức khác cho hơn 500 đối tượng, kinh phí gần 1 tỷ đồng. Bằng nguồn ngân sách tỉnh, từ năm 2021, tỉnh đã tặng quà cho gần 4.000 lượt đối tượng với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Các đại biểu người có công tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn năm 2022

Bên với đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa và xây mới được 463 nhà, với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng.

Các chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo, y tế cơ bản được giải quyết đầy đủ. Thân nhân người có công đang theo học ở các cơ sở giáo dục trên cả nước được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi theo từng năm học; 100% người có công và thân nhân thuộc đối tượng quản lý được cấp thẻ bảo hiểm y tế.


Cùng với các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh đã quan tâm bố trí ngân sách đầu tư nâng cấp Trung tâm Điều dưỡng người có công, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ các đối tượng đến điều dưỡng tập trung hằng năm. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho 6.500 lượt đối tượng người có công với kinh phí 11,5 tỷ đồng. Việc trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng được cấp đúng niên hạn.

Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, gia đình chính sách, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh còn quan tâm, tri ân những người đã khuất bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa như nâng cấp, cải tạo nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã xây dựng mới 1 đài tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong, 25 nhà bia ghi tên liệt sĩ; nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 4 nghĩa trang, 70 nhà bia ghi tên liệt sĩ và 3 đền tưởng niệm với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng. Các công trình ghi công liệt sĩ được giao cho tổ chức Đoàn Thanh niên các địa phương phối hợp với các trường học chăm sóc, vệ sinh thường xuyên đảm bảo được tính nghiêm trang của nơi tri ân tưởng nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ. Công tác quy tập, tiếp nhận hài cốt liệt sĩ được quan tâm thực hiện, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 5 hài cốt liệt sĩ di chuyển từ nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh.

Chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng từ lâu đã trở thành hoạt động chính trị, xã hội có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng của cộng đồng dành cho các mẹ. Toàn tỉnh có 100 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện có 4 Mẹ còn sống. Nhiều năm qua, ngoài hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định, các Mẹ được các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị... nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời; trong các ngày lễ, tết được động viên thăm hỏi, tặng quà... đây là nguồn động viên quý giá giúp các mẹ sống vui, sống khỏe bên con cháu.

Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công thể hiện vai trò, trách nhiệm và những truyền thống đạo lý tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là việc làm thời gian qua các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt chú trọng và quan tâm thực hiện. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để thế hệ trẻ hiểu về truyền thống đấu tranh của anh hùng liệt sĩ, những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”./.


Hà Anh

Chia sẻ Facebook