Bắc Kạn đẩy mạnh phòng, chống bệnh cúm B tại huyện Chợ Đồn
Sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nguyên nhân gây sốt cho trẻ tại chuyện Chợ Đồn là cúm B, ngành Y tế Bắc Kạn yêu cầu các địa phương giám sát, phòng chống bệnh.
Như tin đã đưa về dịch sốt trên địa bàn huyện Chợ Đồn, ngày 25/10, ngay khi nhận được tin báo của Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn đã lấy 7 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp trong dịch sốt tại huyện Chợ Đồn kịp thời chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm khẳng định. Ngày 27/10, Viện Vệ sinh dịch tễ trả lời kết quả các mẫu xét nghiệm với 5/7 mẫu dương tính cúm B .
Nhận được kết quả xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đã gửi văn bản thông báo tới Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn và trung tâm y tế các huyện, thành phố trong tỉnh. Khẳng định nguyên nhân gây dịch sốt tại huyện Chợ Đồn là virus cúm B.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đề nghị các đơn vị tăng cường công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh về đường hô hấp trên đối tượng trẻ em, tăng cường phổ biến tuyên truyền các biệp pháp phòng, chống bệnh cúm B.
Theo báo cáo hoạt động phòng chống dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tinh Bắc Kạn, dịch sốt xuất hiện rải rác tại các xã trên địa bàn huyện Chợ Đồn từ đầu tháng 10/2022, tập trung chủ yếu là Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng. Trong ngày 27/10, tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện có 13 trẻ nhập viện điều trị. Hiện tại có 65 trẻ đang điều trị, tình hình sức khỏe các bệnh nhi ổn định, ra viện 5 trẻ.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh cúm mùa phát triển, trong đó có cúm B.
Cúm B được cho là chủng cúm phổ biến, các biểu hiện ban đầu của cúm B thường dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý cảm cúm thông thường nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Khi mắc cúm B, người bệnh sốt nóng hoặc rét run, thường sốt cao với nhiệt độ khoảng 39 - 41 độ C ở những ngày đầu phát bệnh. Tùy từng người bệnh sốt có thể kéo dài đến 5 ngày. Ngoài ra, người bệnh bị ho, đau mỏi cơ, đổ mồ hôi có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Người bệnh ho, mệt mỏi kéo dài đến 2 tuần hoặc lâu hơn, gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.
Các bác sĩ cũng cho biết, nếu phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm cúm sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm cho mọi người xung quanh, ngăn chặn virus phát triển nặng và có hướng điều trị kịp thời. Cũng giống như các loại cúm virus cúm B chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu, điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm ho... và kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo: Khi mắc cúm cần theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên, không tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng. Tại nhà cũng phải đeo khẩu trang, tăng cường rửa tay, vệ sinh đường hô hấp bằng cách xúc miệng, nhỏ mũi thường xuyên. Không ho khạc, nhổ bừa bãi. Chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khỏe, bổ sung các loại khoáng chất, vitamin giúp tăng đề kháng, tăng miễn dịch và ngăn ngừa biến chứng do virus.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.