Bác Hai Hùng trong lòng dân

Chia sẻ Facebook
11/06/2022 11:11:00

'Bác Hai Hùng' là cái tên thân thương mà người dân xứ Long Hồ (Vĩnh Long) thường nhắc nhớ cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Trong tâm trí họ, bác Hai luôn giản dị, gần dân.

Tuổi trẻ Vĩnh Long tìm hiểu tác phẩm Phạm Hùng - Người chiến sĩ dạ sắt gan đồng - Ảnh: C.HẠNH


Những ngày đầu tháng 6, ông Tám Thông (Phạm Văn Thông, 50 tuổi), cháu gọi cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng bằng bác Hai, đang tất bật công việc trong khu tưởng niệm ở Vĩnh Long để đón khách viếng nhân 110 năm ngày sinh ông Phạm Hùng.


Khóc vì bà con thiếu ăn

Ông Tám Thông kể hồi đó quanh khu này toàn là ruộng, căn nhà ông bà ở từng bị lính Pháp đốt, sau đó mới được cất lại bằng lá dừa nước.

"Chuyện kháng chiến của bác Hai tôi không nhắc nữa vì đã quá nhiều sách vở nói về bác rồi. Nhưng đối với tôi, có một số kỷ niệm không thể quên về bác. Chính bác đã dạy tôi nhiều bài học quý về tính cách bình dân, người ta sao thì mình vậy, không đèo bòng, và bác cũng dạy cả lễ nghĩa làm người" - ông Tám Thông xúc động tâm sự.

Theo ông Tám Thông, mấy lần ông Phạm Hùng về thăm nhà đều rất đơn giản, không hề rộn ràng, và thường chỉ có người nhà mới biết.


"Chỉ có vài anh cán bộ vào trước gác bảo vệ, họ nói đón chú Bảy Hồng chứ không bao giờ nói đón bác Hai Hùng đâu. Hồi tôi mười mấy tuổi, có lần bác về lội bộ từ trên cầu ông Me xuống thăm nhà. Cô Tư, cô Sáu gọi tôi nói bác Hai về kìa, tôi mặc quần cụt, ở trần chạy ra nắm tay bác. Bác cũng nắm chặt tay tôi xong mới cười dặn: Bắt tay người khác phải đưa tay phải, như vậy mới lịch sự, nhớ chưa con" - ông Tám Thông vui vẻ kể.

Trong ký ức ông Tám Thông, khoảng tháng 10-1982, ông Phạm Hùng về thăm nhà lần nữa. Thời bấy giờ, nông dân đều phải tham gia tập đoàn. Già trẻ đều tranh thủ vô tập đoàn, ra ruộng làm tính công vì công càng nhiều thì cuối tháng quy ra lúa mới nhiều, mới đủ cái ăn. Người dưới 15 tuổi làm việc năng suất thấp, nên làm hai ngày mới được tính một công.

"Hôm đó, chuẩn bị đất sạ vụ đông xuân, ông tập đoàn trưởng gõ niềng xe beng beng đầu giờ sáng, anh em tôi cùng cô Tư, cô Sáu... đóng cửa nhà, lật đật xách thau ra ruộng đo lãnh đất làm cỏ cho tập đoàn. Bác Hai Hùng về bất thình lình tôi đâu có hay, bác để xe bên cầu rồi cùng chú Tám Be, chú Vẹn lội bộ ra tận ruộng xem bà con làm đồng.

Thấy bà con kéo lại đông, bác Hai mới hỏi: "Bà con làm kinh tế thế nào, có đủ ăn không?". Nghe tâm tư quá khó khăn của bà con, bác Hai cố nén trong lòng rồi về nhà bật khóc. Bác mới hỏi tiếp cô Tư "nhà có đủ gạo ăn không?", dứt lời bác Hai bước vào trong xem lu gạo trống trơn.


Gần dân, lắng nghe dân

Có dịp được làm việc cùng ông Phạm Hùng, ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long - vẫn còn vẹn dấu ấn tình cảm đặc biệt. Vì theo ông Thắng, ông Hai Hùng luôn để ý từ những chuyện nhỏ cho đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

"Cách mà ông ấy nắm bắt thông tin, tình hình không qua những văn bản báo cáo hội nghị. Ông thích lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của cán bộ, người dân, từ đó mới đi sát với thực tế và bản chất của sự việc, vấn đề" - ông Thắng nhớ lại.

Ông Thắng kể có lần xuống nông thôn, lúc đang đào kinh 3-2, ông Hai Hùng nói với anh em rất rõ rằng quê hương mình có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống. Đặc biệt, cần lưu ý đến đồng bào Khmer; trong kháng chiến, đồng bào đã đoàn kết sát cánh thì trong hòa bình phải tiếp tục nêu cao sự đoàn kết, cái này quý lắm.

"Trong chuyến công tác này, ông Hai Hùng đã bất ngờ đi thăm một gia đình nghèo nhất ở xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Trà Vinh). Chủ nhà rất bất ngờ, mừng lắm. Cuộc thăm viếng này đã giúp ông lắng nghe được những tâm tình cởi mở từ tấm lòng người dân với lãnh đạo, với cách mạng" - ông Thắng nói và cho biết thêm mỗi lần đi như vậy ông Phạm Hùng muốn được gần dân để thăm hỏi, chứ không phải với vai trò lãnh đạo về làm việc với địa phương.

Trong cuốn sách Phạm Hùng - Người chiến sĩ dạ sắt gan đồng vừa được NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật tái xuất bản lần thứ hai, ông Nguyễn Chiến Thắng mô tả hình ảnh cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là một con người thường xuyên chia sẻ với anh em niềm vui lúc thắng lợi, động viên an ủi khi khó khăn, bệnh hoạn, đặc biệt là mối quan hệ gắn bó với quần chúng.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Phạm Hùng cũng rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Mỗi chuyến công tác, ông đều nêu bật những thành tựu phát triển đất nước, những vấn đề còn hạn chế, khái quát những phương hướng, nhiệm vụ phải làm trước mắt và lâu dài, động viên tinh thần học tập cho thế hệ trẻ.

"Biết bao đồng chí, đồng bào đã hy sinh để có ngày hôm nay độc lập - tự do, mọi người có điều kiện thuận lợi học tập để kiến tạo đất nước. Tuổi trẻ các đồng chí phải có hoài bão lớn, ý chí vươn lên xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Hơn bao giờ hết, tuổi trẻ phải có ý chí, nghị lực vươn lên. Thiếu ý chí nghị lực như cây thiếu nhựa, bốn mùa không có mùa xuân" - sách viết.

Ngày 10-6, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ban Tuyên giáo trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội thảo khoa học "Đồng chí Phạm Hùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam".

Hội thảo là hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11-6-1912 - 11-6-2022). Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục tri ân, tôn vinh những cống hiến to lớn của ông đối với cách mạng và quê hương Vĩnh Long.


Thế hệ trẻ tiếp bước

Người dân Vĩnh Long rất tự hào và quý trọng đức tính gần gũi với dân của ông Phạm Hùng

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11-6-1912 - 11-6-2022), Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức nhiều sự kiện nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang. Tỉnh đoàn Vĩnh Long cũng tổ chức cuộc thi cảm nhận quyển sách tôi yêu chủ đề "Phạm Hùng - Người chiến sĩ dạ sắt gan đồng".

Ban tổ chức đã nhận trên 640 bài dự thi của học sinh, sinh viên, công nhân viên chức và lực lượng vũ trang ở các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh. Ban tổ chức đã trao 17 giải cho các tập thể, cá nhân có tác phẩm thi xuất sắc.

Anh Phạm Bá Toàn - Đoàn thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Long - chia sẻ chính từ tinh hoa văn hóa, truyền thống quê hương, tinh thần yêu nước, những phẩm chất quý báu của vùng đất và con người Vĩnh Long là môi trường nuôi dưỡng, góp phần hun đúc nên một nhân cách lớn, một người con kiên trung của quê hương: nhà cách mạng Phạm Hùng.

Đồng thời chính tấm gương sáng ngời, sự nghiệp cách mạng cao cả của ông Phạm Hùng đã góp phần bồi đắp, tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương Vĩnh Long. Tất cả đều hiện lên con người ông Phạm Hùng, từ tinh thần cách mạng, sự gan dạ, kiên quyết chống giặc, đến tính cách giản dị, yêu thương gia đình, quê hương, đất nước...

Còn Nguyễn Thị Kim Ngân - chi đoàn 11V Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - thì chia sẻ: "Đọc những câu chuyện về cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, em như được hòa mình cùng thế hệ cha ông đi trước, học tập những đức tính sáng ngời và trái tim yêu Tổ quốc, nhân dân, lòng nhiệt thành cách mạng".

Chị Nguyễn Thụy Yến Phương - quyền bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long - cho biết chương trình này là dịp để thế hệ trẻ tìm hiểu thêm về cuộc đời và những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - người chiến sĩ kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Qua đó, góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Ngày 10-6, tại Vĩnh Long, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Phạm Hùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng VN".

Chia sẻ Facebook