Bắc Giang: Tăng cường xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp
Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Thủ đô Hà Nội có hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng đang được tập trung xây dựng đồng bộ và hiện đại. Trong vùng, Bắc Giang được xem là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận-trung chuyển hàng hóa của Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Sức cạnh tranh của Bắc Giang đang được củng cố đáng kể thông qua hệ thống đường giao thông kết nối với Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị. Ngoài ra, Bắc Giang cách không xa các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn của “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nơi tập trung tiềm lực khoa học kỹ thuật của cả nước, nơi tập trung đầu mối kinh tế đối ngoại, giao lưu kinh tế, khoa học, công nghệ với tốc độ đô thị hoá nhanh và là thị trường tiêu thụ lớn.
Thu hút đầu tư tăng cả dự án lẫn vốn
Thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh, Đến nay, trong các KCN của tỉnh có 483 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, có 115 dự án đầu tư trong nước (DDI) và 368 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 18.197 tỷ đồng và 8.863 triệu USD; vốn đầu tư thực hiện của các dự án DDI ước đạt 64,2%, của các dự án FDI ước đạt 78,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các dự án FDI trong các KCN của tỉnh đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc (166 dự án), Hàn Quốc (143 dự án), Singapore (21 dự án), Nhật Bản (19 dự án).
Toàn tỉnh hiện có 20 KCN được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 4.573,92ha, trong đó có 08 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 1.967,46ha; 06 KCN đã đi vào hoạt động tổng diện tích 1.485,16 ha. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp bình quân của các KCN đã đi vào hoạt động đến nay đạt 76,23% so với diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch.
Các KCN đã góp phần rất lớn trong quá trình phát triển KT-XH của địa phương. Quá trình hoạt động, các DN trong các KCN tạo việc làm cho 196.000 lao động.
Giai đoạn 2014-2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 3.183 nghìn tỷ đồng (gấp 15,8 lần so với giai đoạn 2003-2013), tổng thuế phát sinh phải nộp đạt 31.312 tỷ đồng (gấp 155,8 lần so với giai đoạn 2003-2013), giá trị xuất khẩu đạt 132.200 triệu USD (gấp 12,7 lần so với giai đoạn 2003-2013).
Trưởng BQL các KCN tỉnh - Lê Duy Cường cho biết: Với mục tiêu đề ra, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, Tỉnh ủy Bắc Giang đã sớm chỉ đạo UBND tỉnh tham mưu xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022. Theo đó, đến năm 2030 tỉnh Bắc Giang có 29 KCN, với diện tích đất khoảng 7.000 ha.
Với mục tiêu này, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và định hướng thu hút đầu tư, đặc biệt để thu hút DN đầu tư vào các KCN.
Tăng cường công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số
Theo ông Lê Duy Cường, những kết quả trong thu hút đầu tư vào các KCN, thời gian qua đã chứng minh cho định hướng phát triển đúng đắn, quyết liệt, sáng tạo của các cấp chính quyền tỉnh.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, BQL các KCN tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính, thông tin, tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong đó, tập trung giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại Ban Quản lý KCN đang là cơ chế quản lý phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo nâng cao vai trò và năng lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN, vừa đảm bảo yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết nhanh gọn các yêu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, BQL các KCN tỉnh cũng triển khai, thực hiện các chương trình xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tiếp nhận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN.
Trong đó, BQL là đầu mối kết nối hỗ trợ DN các vấn đề liên quan đến pháp luật về đầu tư, thuế, lao động, xuất, nhập khẩu, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc xây dựng hạ tầng KCN, khu tái định cư cho người dân nằm trong DA.
Để tiếp tục thu hút đầu tư, lấp đầy diện tích các KCN trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vốn cho tăng trưởng kinh tế đến năm 2030. Bắc Giang tập trung thu hút đầu thư theo cả chiều rộng và chiều sâu. Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất công nghệ cao; các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, các dự án có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường và có khả năng đóng góp cho ngân sách lớn như: điện, điện tử, thiết bị viễn thông, cơ khí chính xác, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Song song đó, tỉnh lựa chọn đối tác, nhà đầu tư, bảo đảm nguyên tắc đầu tư lâu dài tại địa phương; có chiến lược, định hướng mở rộng thị trường, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm tiêu dùng trong nước, thay thế hàng nhập khẩu; tạo nhiều việc làm; hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Ông Lê Duy Cường thông tin, những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo được tỉnh triển khai ứng dụng nhanh, rộng rãi, hiệu quả và bền vững. Qua đó, phục vụ đắc lực cho sự phát triển KT-XH của địa phương. BQL các KCN tỉnh đã thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, ứng dụng hệ thống quản lý văn bản cho tất cả văn bản đến và đi; Ban cũng rà soát các thủ tục hành chính đủ điều kiện bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ưu tiên giải quyết trước hạn các hồ sơ nộp trực tuyến.
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong tỉnh, tin rằng thời gian tới, với vị trí thuận lợi, nguồn đất công nghiệp dồi dào, chính sách ưu đãi, cải cách hành chính tốt, Bắc Giang tiếp tục là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh./.
Hà Anh