Bắc Giang tăng cường giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch truyền nhiễm

Chia sẻ Facebook
29/10/2022 12:21:26

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các bệnh truyền nhiễm như cúm A, tay chân miệng, sốt xuất huyết... đều có số ca mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 149 trường hợp tay chân miệng (tăng 144 trường hợp so với cùng kỳ); 6.924 trường hợp cúm (tăng 3.956 trường hợp so với cùng kỳ); 167 trường hợp sốt xuất huyết (tăng 160 trường hợp so với cùng kỳ), có 1 trường hợp tử vong.

Đặc biệt, từ đầu tháng 10 đến nay, Bắc Giang ghi nhận 10 trường hợp dương tính với virus Adeno. Chị Nguyễn Thị Yến, trú tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang cho biết, hai bé nhà chị sốt cao không cắt được sốt, khi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang xét nghiệm, kết quả bị viêm phế quản - phổi do virus Adeno. Chị không biết các cháu bị lây nhiễm virus này từ đâu. Hai cháu sốt cao liên tục trong 5 ngày, người mệt lả không ăn uống được. Mất hai tuần điều trị tại bệnh viện, đến nay, các cháu mới được xuất viện và dần bình phục trở lại.

Theo BSCKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, Adeno là bệnh lây nhiễm liên quan đến đường hô hấp do virus Adeno gây ra. Hiện nay, ngành Y tế chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh này mà chủ yếu điều trị triệu chứng bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt cao, bù nước điện giải, bổ sung dinh dưỡng, dùng kháng sinh khi có bội nhiễm. Để giảm thiểu lây nhiễm chéo, khoa đã bố trí riêng phòng điều trị bệnh nhân mắc virus Adeno.

Chăm sóc bệnh nhi nhiễm virus Adeno. Ảnh: TTXVN


Nhằm kịp thời khống chế không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế Bắc Giang đã tăng cường giám sát các trường hợp nghi mắc các bệnh truyền nhiễm như: COVID-19, cúm, sốt xuất huyết, viêm não virus, tay chân miệng, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, ho gà, đậu mùa khỉ, cúm A, Adeno… để phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Ngành Y tế chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.

Ngành tiếp tục củng cố và duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến; yêu cầu phối hợp tốt giữa đơn vị y tế dự phòng và đơn vị điều trị trên địa bàn trong công tác giám sát, phát hiện, ghi nhận và thông báo ca bệnh; kiện toàn đội, tổ đáp ứng nhanh phòng, chống dịch ở tất cả các tuyến với đầy đủ vật tư hóa chất, thuốc, phương tiện, trang thiết bị theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế.

Các địa phương khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, hay mắc bệnh truyền nhiễm, tiến hành điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, bảo quản theo quy định và gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để làm xét nghiệm miễn phí, không hạn chế về số lượng mẫu gửi xét nghiệm.

Cùng với đó, các cơ sở khám, chữa bệnh tập trung phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất các trường hợp diễn biến nặng, tử vong do dịch bệnh. Chú trọng các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống dịch bệnh, khai báo thông tin bệnh truyền nhiễm và tăng cường biện pháp giám sát chủ động phát hiện sớm ca bệnh truyền nhiễm từ tuyến cơ sở.

Chia sẻ Facebook