Bắc Giang: Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP
Hết năm 2023, Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, vượt 60 sản phẩm so với kế hoạch. Trong đó, lần đầu tiên tỉnh có 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng 5 sao cấp quốc gia, 24 sản phẩm 4 sao, 263 sản phẩm 3 sao.
Nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng, điều kiện của từng vùng, Bắc Giang đã chỉ đạo, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo trên cơ sở tập trung vào thế mạnh của địa phương, trong đó chú trọng khai thác đẩy mạnh gắn kết phát triển các sản phẩm OCOP với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng nghề, nghề truyền thống nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển KT-XH.Hết năm 2023, Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, vượt 60 sản phẩm so với kế hoạch. Trong đó, lần đầu tiên tỉnh có 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng 5 sao cấp quốc gia, 24 sản phẩm 4 sao, 263 sản phẩm 3 sao. Đáng chú ý, có 03 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, gồm: Điểm Du lịch Làng Văn hóa Đông Bắc; Điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên của huyện Lục Ngạn và Điểm du lịch cộng đồng Bản Ven của huyện Yên Thế.
Bắc Giang hiện có 16 khu, điểm du lịch nên có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, với 3 loại hình du lịch chính gồm: Văn hóa tâm linh; lịch sử - văn hóa và sinh thái nghỉ dưỡng. Nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng, tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang,…
Đặc biệt, tỉnh có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Dân ca Quan họ; Ca trù; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Đây là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch nhằm khai thác tối đa giá trị sản phẩm OCOP địa phương.
Năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với UBND các huyện Tân Yên, Lục Ngạn, Sơn Động khảo sát thực hiện dự án thí điểm phát triển mô hình phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ, du lịch tâm linh sinh thái núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên; khảo sát, hướng dẫn phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch tại Điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên (HTX du lịch Đồng Dao), Điểm du lịch làng văn hóa Đông Bắc (HTX dịch vụ du lịch làng văn hóa Đông Bắc) trên địa bàn huyện Lục Ngạn
Phát huy những tiềm năng, lợi thế của mình, năm 2022 Yên Thế đăng ký sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven của HTX Thân Trường để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với bộ sản phẩm: “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Kết quả, sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao.
Hiện, khu du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven đã hình thành cụm nhà nghỉ cộng đồng (homestay) để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách; xây dựng nhà sàn; trồng các vườn hoa tại các khuôn viên nhà sàn... Đến đây, du khách được trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng, nghỉ tại nhà sàn, thăm các trang trại chăn nuôi gà đồi, chăn nuôi dê, câu cá, leo thác, leo núi, khám phá khu rừng nguyên sinh Xuân Lung - Thác Ngà, tìm hiểu bản sắc văn hóa và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí của bà con dân tộc thiểu số vùng cao.
Chị Lý Thị Hợi - Giám đốc Hợp tác xã Thân Trường cho biết: Bản Ven được hình thành khoảng 300 năm trước, bản Ven là bản cổ của đồng bào dân tộc Cao Lan ở xã Xuân Lương (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang). Bản nằm trên trục Quốc lộ 17, cách trung tâm thị trấn Phồn Xương (huyện Yên Thế) 14 km về phía Tây Bắc, cách trung tâm TP Bắc Giang khoảng 45 km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 85km.
Đến với bản Ven du khách sẽ được khám phá, tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên mát mẻ, trong lành giữa đại ngàn của núi rừng Yên Thế. Hòa mình, tĩnh lặng vào không gian nghe tiếng lá cây xào xạc trong gió, tiếng chim hót véo von, tiếng nước suối chảy thì thầm, róc rách, kèm âm thanh rì rào của thác đổ tạo nên bản nhạc hòa tấu nhạc rừng làm say lòng du khách.Tới bản Ven du lịch, du khách sẽ được trải nghiệm khám phá đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây như: Hái chè cùng bà con bản địa trên các nương, đồi chè xanh trải dài xa tít ngút tầm mắt; thưởng thức chè bản Ven mang hương vị thơm mát, uống xong vẫn có cảm giác vị ngòn ngọt nơi đầu lưỡi; nếm mật ong rừng tự nhiên; đặt cơm với các món như thịt lợn rừng, lợn mán, lợn quay lá mắc mật, gà đồi Yên Thế, xôi ngũ sắc, xôi trứng kiến, ốc khe, măng đắng, rau dớn, hoa chuối rừng...
Điều làm cho du khách thấy bất ngờ khi đến với Bản Ven đó chính là từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, người dân càng ngày càng tích cực xây dựng quê hương. Với phong cảnh làng quê yên bình, đường làng, ngõ xóm được phong quang, sạch sẽ, người dân đã nhận thức được việc phát triển sản xuất gắn với đón khách du lịch đến tham quan và bảo vệ môi trường…Du lịch cộng đồng ở bản Ven được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP còn mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở trong việc đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP; tạo sự tin tưởng cho du khách khi sử dụng dịch vụ. Người dân ở bản Ven cũng đã có sự chuyển biến tích cực, trong ý thức gìn giữ, phát huy giá trị sản phẩm của độc đáo của riêng mình.
Theo Lãnh đạo huyện Yên Thế: du lịch nông nghiệp phát triển giúp gia tăng sức tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời là công cụ xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bền vững, không những thế, một mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả có thể mang lại kiến thức cho du khách về nông nghiệp, truyền thống canh tác của vùng nông thôn, quá trình sản xuất và phân phối nông sản, nâng cao nhận thức về sử dụng thực phẩm lành mạnh và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc lồng ghép xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đã góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút khách tham quan, trải nghiệm. Ngược lại, du lịch giúp quảng bá, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP địa phương.
Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu, là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững. Thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản.
Trong thời gian tới Bắc Giang tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, đồng hành với phát triển du lịch nông thôn, nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường tại nông thôn. Du lịch nông nghiệp giúp quảng bá hình ảnh về đất nước, con người một cách gần gũi và chân thật nhất, tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, mở rộng kiến thức về các nền văn hóa khác nhau trong và ngoài nước. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP hướng đến giá trị xanh: Môi trường xanh, văn hóa xanh góp phần nâng cao năng lực cộng đồng tạo thêm các giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương./.
Hà Anh