Bắc Giang: Nhiều nông dân đổi đời từ măng lục trúc

Chia sẻ Facebook
21/08/2023 15:54:43

Nhận thấy tiềm năng của măng lục trúc, nhiều người dân ở tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn đẩy mạnh mô hình trồng tre lấy măng lục trúc và mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Chia sẻ với Tiền Phong , anh Nguyễn Anh Tú (39 tuổi), ở xã Đại Hóa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang , cho biết, mấy năm nay, kinh tế gia đình anh phất lên từ măng lục trúc.

Trước anh làm thợ mộc, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ ngày càng giảm sút nên thu nhập từ nghề thợ mộc chẳng được bao nhiêu. Qua bạn bè, anh biết đến loại măng lục trúc ở xã Ngọc Châu (huyện Tân Yên) cho giá trị kinh tế cao. Anh tìm đến Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu để học hỏi cách làm. Anh được giám đốc hợp tác xã chỉ bảo tận tình cách trồng tre lục trúc và bao tiêu sản phẩm. Năm 2019, anh trồng tre lục trúc để lấy măng, với diện tích 3ha.

Một năm sau, tre lục trúc cho thu hoạch măng. “Với giá bán 120.000 đồng/kg, tôi có lãi khoảng 800 triệu đồng/ha từ măng lục trúc. Trừ mọi chi phí, với diện tích 3ha trồng tre lục trúc lấy măng, tôi lãi 2,4 tỷ đồng/năm. Hiện tôi đang mở rộng thêm 4ha trồng tre lục trúc”, anh Tú phấn khởi chia sẻ.

Sinh năm 1990, anh Dương Tùng Lâm, ở xã Ngọc Châu là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu. Thấy được tiềm năng phát triển kinh tế từ măng lục trúc, anh tham gia hợp tác xã. Anh mạnh dạn vay vốn thuê 10 ha đất ở huyện Tân Yên để trồng tre lục trúc lấy măng. Năm nay, anh bắt đầu có thu từ măng lục trúc, hứa hẹn mang về hàng tỷ đồng.


Chia sẻ với VOV , bà Dương Thị Luyện, Giám đốc Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên) chia sẻ, bắt đầu từ năm 1995, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn triển khai một dự án trồng thử nghiệm loại măng tre lục trúc giống Đài Loan tại địa bàn xã nhằm xóa đói, giảm nghèo và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, được thời gian thì dự án gần như bị chìm vào quên lãng.


“Từ năm 2017, gia đình tôi bắt đầu chăn nuôi lợn thì bị dịch bệnh, dẫn đến cảnh thua lỗ trắng tay nợ gần 4 tỷ đồng. Tưởng chừng như gục ngã trước số phận, phải chuyển nghề sang đi chợ buôn măng, rau để kiếm sống qua ngày thì nhận thấy thị trường tiềm năng của cây măng lục trúc nên bắt đầu tìm tòi nghiên cứu, trồng thử nghiệm thì mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định đầu tư ban đầu với hơn 200 gốc”, bà Luyện nói. Đến hiện tại, bà Luyện đã có gần hàng chục ha trồng lục trúc ở khắp các thôn trong xã Ngọc Châu.

Măng tre lục trúc hoàn toàn sạch và thơm, giòn, ngon, ngọt nhẹ, có nhiều cách chế biến như làm nộm, luộc, xào, thậm chí có thể ăn sống được nên thị trường cho loại sản phẩm này khá rộng. Trung bình mỗi gốc tre lục trúc cho từ 10 - 15 kg măng. Mùa thu hoạch măng tre lục trúc kéo dài hơn 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch).

Vào mùa thu hoạch, trung bình mỗi ngày bà Luyện thu được 5 - 7 tạ măng tre. Bà giao cho nhà hàng và thương lái buôn là 50.000 đồng/kg măng tươi chưa bóc, 70.000 - 80.000 đồng/kg măng tươi đã bóc với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/ngày.

Công nhân tại Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu sơ chế măng sau thu hoạch. Ảnh: VOV

Bà Dương Thị Luyện cho biết thêm, sản phẩm măng lục trúc của Hợp tác xã được chế biến ra 3 loại sản phẩm chính gồm: Măng tươi; măng khô; măng ngâm ớt. Hiện giá bán măng tươi thành phẩm 120 nghìn đồng/kg, măng khô 2,5 triệu đồng/kg, măng ngâm ớt 100 nghìn đồng/hộp 2kg.

Mỗi năm hợp tác xã tiêu thụ hàng trăm tấn măng tươi, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Riêng năm 2022, hợp tác xã thu hoạch hơn 800 tấn măng tươi, trị giá 28 tỷ đồng; xuất tại vườn 50 nghìn gốc tre giống, mang lại lợi nhuận khá.

Mong muốn quảng bá, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm măng tre lục trúc, năm 2018, được sự hỗ trợ các cơ quan chuyên môn, bà Dương Thị Luyện thành lập Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu có trụ sở tại thôn Khánh Ninh, xã Ngọc Châu với 8 thành viên ban đầu.

Từ khi đi vào hoạt động, hợp tác xã luôn quan tâm, nhân rộng mô hình trồng tre lục trúc lấy măng và bao tiêu cho bà con nông dân từ cây tre giống đến sản phẩm măng, cũng như việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc.

Hiện tại, hợp tác xã đã có hơn 28 thành viên tham gia với diện tích gần 100 ha trồng tre lục trúc, trong đó có 50 ha đang cho thu hoạch măng năm thứ 3, diện tích còn lại sẽ cho thu hoạch vào năm sau.


Để chủ động nguồn tre giống và cung ứng giống tre lục trúc ra thị trường, bà Luyện đang làm thủ tục để công nhận nguồn giống tre lục trúc do hợp tác xã tự sản xuất. Đồng thời từ năm 2019 đến nay, sản phẩm của Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh; được công nhận OCOP 4 sao …

“Việc trồng tre lục trúc để lấy măng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh đẹp cho làng quê. Sản phẩm măng lục trúc của hợp tác xã đạt OCOP 4 sao và được bán trong các siêu thị, nhà hàng Nhật Bản. Chúng tôi làm ra không đủ sản phẩm để cung cấp cho thị trường”, bà Luyện cho biết.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên cho biết, măng lục trúc được UBND huyện Tân Yên xác định là sản phẩm chủ lực của huyện trong những năm tới. Huyện cũng đã khảo sát đánh giá mở rộng quy mô diện tích lên tới gần 200ha.

“Với định hướng mở rộng phát triển mô hình tuần hoàn, xâu chuỗi liên kết sản phẩm trong 5 năm tới, huyện Tân Yên đã chủ động đào tạo, hướng dẫn bà con nhân dân, hợp tác xã chú trọng khai thác sản phẩm đảm bảo đúng quy trình sản xuất măng lục trúc thì mới có giá trị, có chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững ở địa phương”, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên thông tin.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook