Ba trăm năm mươi ngàn tỷ là bao nhiêu?

Chia sẻ Facebook
13/09/2023 04:21:52

Tiền với văn hóa là rất cần, nhưng nó không thể là tất cả, và bản thân nó không phải là văn hóa.

Tôi không biết, nhiều bạn bè tôi cũng không biết khi lương của họ trên dưới mười triệu đồng một tháng. Mà học vấn của họ thuộc loại bậc trung trong xã hội, tức đã tốt nghiệp đại học, và thu nhập cũng thuộc loại khá, chứ người thu nhập bình thường, lao động bình thường, lương chỉ khoảng trên dưới năm triệu.

Nhắc con số khủng này là bởi mấy hôm nay cả báo chí và cộng đồng mạng đều... hân hoan tranh cãi.


Ấy là việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến đề xuất để thực thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 bằng số tiền như trên.

Hôm qua tôi dự một chương trình cồng chiêng cuối tuần ở thành phố Pleiku. Một nhóm anh chị em yêu văn hóa dân tộc ở Gia Lai bèn nghĩ ra cách vừa bảo tồn và giới thiệu nó bằng cách mỗi thứ 7 hàng tuần rước một tốp bà con dân tộc Jrai, Bahnar ở làng lên, biến một góc cái quảng trường có cây có cỏ thành không gian văn hóa làng, và bà con chơi chiêng, sinh hoạt cộng đồng ở đấy. Và tối qua, có 3 cháu trai rất nhỏ, nhỏ nhất khoảng 5 tuổi, các cháu chơi trong đội hình chiêng với tư cách brem bram, rất nhuyễn.

Các cháu nhỏ trong đội hình chiêng với nhân vật Brem Bram. Ảnh: Văn Công Hùng.

Trong các lễ hội của người Tây Nguyên hay có các nhân vật Brem Bram. Những người đàn ông bôi mình, dùng bùn trát lên người, lấy củ chuối đẽo mặt nạ, đeo lá lên người... biến thành một giống khác lạ, không phải người. Mục đích vừa là làm hề, tạo niềm vui, nhưng cũng có thể là quỷ, là ma để... xua đuổi chính ma quỷ...

3 cháu nhỏ biểu diễn gây ấn tượng mạnh với du khách. Ảnh: Văn Công Hùng.

3 cháu này hóa trang thành khỉ, ít nhất là động tác như khỉ. Không đi sâu nội dung các cháu thể hiện, mà tôi chú ý chi tiết này: Việc các cháu làm, nó như là từ trong máu, nó là sự trao truyền đời này sang đời khác, nó là sự tiếp nối hết sức tự nhiên, nhuần nhuyễn. Từ làng lên phố, các cháu không hề bỡ ngỡ, không hề lạ lẫm, say sưa thể hiện như ở chính làng mình, ở không gian văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những đứa trẻ cùng trang lứa ở phố, vừa xem vừa ăn cá viên chiên, hoặc được... mẹ dỗ đừng khóc.

Các cháu cũng cần là đối tượng để đầu tư. Ảnh: Văn Công Hùng.

Thế các cháu có cần tiền không?

Có, rất cần, để sống, để học.

Việc các cháu làm có phải là văn hóa không?

Rất phải, rất đúng, đấy chính là văn hóa, là cái đích mà những người làm văn hóa hướng tới.

Thế thì các cháu chính là mục tiêu để đầu tư. Đương nhiên là thế.


Đầu tư cho văn hóa chính là Đầu tư cho con người, nhất là những người trẻ, những thế hệ học sinh.

Tất nhiên là văn minh nào văn hóa nấy. Bây giờ không thể và cũng không nhiều chỗ cho các cháu chơi những trò xưa như thế hệ chúng tôi đã từng. Nhưng không phải là bỏ bẵng đi, là sống như robot.

Nên việc của văn hóa chính là cố níu giữ những giá trị tốt đẹp đã có, trân trọng những giá trị văn hóa mới mang tính nhân văn, tính thẩm mỹ cao.

Nhưng nó hoàn toàn không phải là hệ thống tượng đài đa phần là giống nhau từ Bắc tới Nam. Là những pano, khẩu hiệu, băng rôn dày đặc... dù nó cần nhưng không phải là tất cả, và chung nhau độ... xấu, độ rối mắt.

“Theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chương trình sẽ hướng tới nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có việc đảm bảo đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư viện. Cấp huyện và cấp xã có trung tâm văn hóa thể thao; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được thụ hưởng, tham gia các hoạt động văn hóa...”. Những đề xuất này mới tính tới phần vật chất, trong khi đó, những giá trị tinh thần thì không, chưa được nhắc đến.

Làm ra văn hóa thì rất khó mà phá nó thì dễ vô cùng. Văn hóa vì thế thường được gắn với sự mỏng manh, yếu đuối, kể cả khi nó được lặn vào tâm thức, vào bản lĩnh đám đông, tưởng như trường tồn nhưng vẫn mong manh dễ vỡ, và vì thế mới thấy cần phải ứng xử với văn hóa gượng nhẹ và cẩn trọng đến mức nào.

Ở Tây Nguyên chẳng hạn, đang có một hiện tượng là có một số tác giả và tác phẩm văn học, báo chí nhìn Tây Nguyên tương đối hời hợt và sai lệch. Họ khai thác Tây Nguyên ở khía cạnh lạ và lạc hậu. Họ không sống đời sống của Tây Nguyên mà cưỡi ngựa xem hoa và “nghe kể”. Và như thế, những đánh giá và nhận xét, những miêu tả và cảm xúc của họ là chưa tương thích với những gì đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên mảnh đất này.

Người ta hô hào nhiều về việc bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng thực sự bản sắc dân tộc là gì và bảo vệ giữ gìn nó như thế nào không phải ai cũng trả lời được một cách thấu đáo và có sức thuyết phục. Rồi cái gì bảo vệ, cái gì giữ gìn, cái gì phát huy, cái gì loại bỏ... hiện nay các ý kiến cũng rất vênh nhau. Sự can thiệp có khi máy móc, phản quy luật của một bộ phận nhiều khi làm cho nền văn hoá truyền thống biến dạng.

Vai trò ít ỏi còn lại của truyền thống, của tập tục, của các tác nhân tốt đẹp đã không đủ ngăn được sự mù quáng của hàng chục ngàn người tham gia vào các cuộc gây rối năm 2001, 2004, và mới nhất là ở Cư Kuin.


Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từng phê phán gay gắt lối làm nhà tái định cư cho bà con Tây Nguyên theo kiểu nhà hộp, vô cảm, vô hồn, vô bản sắc khi ông lên thăm khu tái định cư thuỷ điện Plei Krông ở Kon Tum nhiều năm trước. Truyền thống văn hoá buôn làng với tất cả tập tục tốt đẹp ngàn đời, nếu chúng ta biết bảo tồn và phát huy nó, sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giữ ổn định và khơi dậy tiềm năng to lớn của nhân dân.

Tóm lại, tiền với văn hóa là rất cần, nhưng nó không thể là tất cả, và bản thân nó không phải là văn hóa, bởi có rất nhiều người giàu nhưng chưa có văn hóa, từ những việc nhỏ nhất là khi ăn đừng để phát ra tiếng kêu, tới cái cách xỉa răng, cách bắt tay như vồ lấy đối tác, cách cầm cái ly sao cho sang, cách bước đi thế nào để không loẹt quẹt, cách ngồi, cách đứng, cách... không nhổ bậy, cách phân biệt chủ khách... tới lớn hơn là thấy cuốn sách hay thì vồ lấy chứ không dùng sách làm... thuốc ngủ, lật vài trang để dỗ giấc ngủ?

Mà những thứ ấy, không cứ đổ tiền, rất nhiều tiền, là có được.


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook