Ba thứ mất đi khiến nhân sinh không còn ý nghĩa
Khi một người hay rộng lớn hơn là một đất nước mà đánh mất đi đạo, tín ngưỡng và văn hóa truyền thống thì tâm linh sẽ ra sao?
Văn hóa truyền thống lấy tín ngưỡng làm gốc, đề cao các giá trị đạo đức và lý niệm “Thiên, địa, nhân”, con người sống trong tự nhiên, hài hòa và thuận theo tự nhiên. Từ lịch sử mà xét, hầu như tất cả các dân tộc thời xưa đều tín ngưỡng Thần, tin rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”. Con người dù làm gì cũng suy xét đến nhân quả, làm gì cũng “ngẩng đầu nhìn Trời”. Vậy nên, khi con người hay rộng lớn hơn là một đất nước mà mất đi đạo, tín ngưỡng và văn hóa truyền thống thì tâm linh sẽ ra sao?
Đạo là quy luật của vũ trụ, là cảnh giới cao nhất và là nơi quy túc chung nhất của các học phái, học thuyết. Vô luận là học thuyết, tôn giáo chính giáo, tín ngưỡng nào thì nội dung cốt lõi cũng là dạy con người hướng thiện, mục đích đều là dạy con người tuân theo các quy luật vũ trụ mà làm, đạt đến sự hài hòa giữa con người và vũ trụ. Nếu không làm được điều ấy thì đó không phải là chính giáo.
Cổ nhân cho rằng, vũ trụ là một thể sinh mệnh, Đạo là ngọn nguồn của vạn vật, là vĩnh hằng bất biến. Vạn vật, con người muốn tồn tại lâu dài thì đạo lý của con người phải phù hợp với đạo của Trời, lòng người phải hợp với ý Trời, tức là điều mà cổ nhân gọi là “Thiên Nhân hợp nhất” . Giống như cảm ngộ của Lão Tử về Đạo: “Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh, tịch hề liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kì danh, tự chi viết đạo” . (Tạm dịch: Có một vật sinh ra từ lúc hỗn nguyên, có từ trước khi Trời và Đất được sinh ra, yên lặng vô hình, độc lập mà không thay đổi, vận hành tuần hoàn mà không ngừng nghỉ. Nó có thể là mẹ của vạn vật trong vũ trụ. Ta không biết tên là gì, bèn viết là Đạo). Theo Lão Tử, vô vi và thanh tĩnh là trạng thái tốt nhất để vạn vật quy về Đạo.
Khổng Tử nói: “Duy thiên địa vạn vật chi mẫu, duy nhân vi vạn vật chi linh” (Tạm dịch: Chỉ có Trời Đất là mẹ của vạn vật, chỉ có con người là anh linh của vạn vật). Ông cho rằng Trời là nguồn gốc của các quan niệm và nguyên tắc đạo đức, được tạo ra để ban cho con người các đức tính “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”.
Phật gia giảng, Phật Pháp vô biên, từ bi phổ độ chúng sinh, giúp cho con người thông qua tu luyện Phật Pháp mà có thể trở về thế giới thiên quốc trang nghiêm thần thánh.
Tín ngưỡng
Các chính giáo xưa nay đều cho rằng, Thượng Thiên là chúa tể của hết thảy, con người phải tín ngưỡng thành kính. Con người không thể mất đi tín ngưỡng, nếu không con người sẽ không thể tìm thấy nơi quy túc của tâm linh nữa. Mất đi tín ngưỡng chính là mất đi giá trị và ý nghĩa nhân sinh. Tín ngưỡng là sự tôn trọng và tín phục cực độ đối với chân lý vũ trụ, cũng lấy chân lý đó làm chuẩn tắc của hành động. Dù ở trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào cũng có thể thủy chung bảo trì tín niệm kiên định.
Văn hóa truyền thống nhấn mạnh quá trình “ngộ” (nhận thức ra, hiểu ra). Con người sống trong xã hội nếu bị lợi ích vật chất mê hoặc, mất đi ngộ tính và sẽ lâm vào trạng thái mê. Họ chỉ tin tưởng vào sự hưởng thụ vật chất, không tin ở tương lai, không có sự tỉnh giác của riêng bản thân mình, không có tiêu chuẩn giá trị và đối tượng để kính sợ, không có sự ràng buộc của tâm linh, cho nên liền muốn làm gì thì làm, cuối cùng họ đánh mất chuẩn mực đạo đức. Đó là lý do mà văn hóa truyền thống giảng rằng cần phải “ngộ Đạo làm người”.
Pháp luật chỉ có thể ước chế được hành vi bên ngoài, không thể khiến con người có tín phục và kính sợ trong tâm. Ở vào thời điểm người khác không nhìn thấy, họ lại có thể làm những việc phạm pháp, vi phạm đạo đức. Còn đạo đức là tâm pháp để câu thúc con người, tất cả các chính giáo thông qua việc thức tỉnh lương tri của mọi người, giúp họ nhận thức chính xác được chân nghĩa của đời người, của sinh mệnh thậm chí ý nghĩa của toàn vũ trụ, đạt tới ý thức đạo đức tự giác một cách cao độ. Đạo đức giúp mọi người từ trong công danh, lợi lộc, tham dục siêu thoát ra ngoài, cố gắng hoàn thiện đạo đức, khiến sinh mệnh bản thân có được tương lai tốt đẹp, có được hạnh phúc chân chính.
Văn hóa
Văn hóa là tải thể (phương tiện truyền đạt) của tinh thần dân tộc. Tín ngưỡng và văn hóa là không thể tách rời. Cả Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo đều có một tư tưởng chung nhất là Thượng Thiên ban cho con người đức tính. Chính là điều mà Nho gia gọi là bản tính (lòng trắc ẩn hay lương tri) của con người, Đạo gia gọi là thần tính, còn Phật gia gọi là Phật tính. Con người có thể thông qua việc giáo hóa mà lương thiện, thông qua tu thân mà đạt được cảnh giới “thiên nhân hợp nhất”.
Nho gia đề cao nhân, lễ, khiêm tốn cung kính, chú trọng việc giữ gìn đạo đức, lễ nghi và trật tự trong xã hội. Con người có thể thông qua tu thân mà đạt được cảnh giới thánh hiền.
Đạo gia cũng đề cao việc con người phải tu chân dưỡng tính, phản bổn quy chân, thanh tâm quả dục, xem nhẹ danh lợi, mới có thể làm được “tĩnh tâm sinh trí tuệ” , cuối cùng tu thành chân nhân.
Phật gia cho rằng mỗi người đều có phật tính, bởi vì sống trong xã hội vật chất mà bị mê lạc mất phật tính, thông qua việc tu luyện, không ngừng đề cao tâm tính mà có thể tu thành bậc giác giả, đạt được thiện quả. Cả Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo đều khuyên bảo con người phải kính Trời tín Thần, tu đức hướng thiện, tin tưởng đạo lý “thiện ác có báo” để làm người.
Trong văn hóa truyền thống lưu lại rất nhiều những câu chuyện có thực về tu dưỡng tâm tính, đạo nghĩa làm người để giáo huấn con người. Thời thượng cổ, Ngũ Đế thuận lòng Trời mà trị vì thiên hạ, tu thân chứng đạo, khiến cho người đương thời đều tự giác tín ngưỡng đại đạo, khiến thiên hạ thanh bình và tường hòa. Các bậc thánh nhân trong tam giáo đều giáo hóa chúng sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chúng sinh đời sau.
Ngoài ra còn có rất nhiều nhà tiên tri, người sớm giác ngộ và các cao nhân có thể thông qua quan sát thiên tượng mà biết trước được sự tình sẽ xảy ra trong tương lai, như “Mã tiền khóa” của Gia Cát Lượng, “Mai hoa thi” của Thiệu Ung, “Thiêu bính ca” của Lưu Bá Ôn . Thời nhà Đường, Hoàng đế Đường Thái Tông biết kiềm chế bản thân, khiêm tốn, trọng hiền tài mà khai sáng một triều đại hưng thịnh. Các nhà thơ nhà văn như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Tô Thức đều là những người tu luyện, theo đuổi lý tưởng của mình. Hết thảy những điều này đều là văn hóa và những bài học lịch sử cho hậu nhân. Con người dựa vào đó mà phân biệt “thiện” và “ác” , “chính” và “tà” để có thái độ đúng đắn trong đường đời của mình.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
3 cảnh giới cao của đời người: Nhìn xa, nhìn thấu và xem nhẹ
Mời xem video :