Bà Rịa-Vũng Tàu: Tăng cường mở rộng diện tích trồng cây cacao
Trước nhu cầu tiêu thụ cacao ngày càng tăng, nhất là xuất khẩu đi các nước, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tăng cường mở rộng diện tích trồng loại cây này.
Mở rộng diện tích cây cacao đáp ứng xuất khẩu
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 614ha trồng cacao. Với diện tích này, hiện nay, nguồn cung không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường, nhất là xuất khẩu đi các nước. Vì vậy, tỉnh đang tăng cường mở rộng diện tích loại cây trồng này để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cây cacao đã bén rễ trên đất Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 20 năm nay. Cacao của tỉnh đã được nhiều thị trường khó tính của nước ngoài đánh giá rất tốt về chất lượng, có hương vị thơm ngon và được xếp trong top 100 loại cacao ngon nhất thế giới.
Theo Vietnam+ , hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cacao của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cao, tuy nhiên nguồn nguyên liệu đáp ứng chưa nhiều.
Huyện Châu Đức là địa phương có diện tích cây cacao lớn nhất của tỉnh với 360ha, đây cũng là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhất để trồng cây cacao, năng suất đạt từ 2,4-3 tấn hạt khô/ha/năm.
Dù được xác định là cây trồng chủ lực của huyện, thế nhưng sản lượng cacao hiện nay của huyện Châu Đức chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu của các cơ sở, doanh nghiệp, vẫn chưa được người nông dân quan tâm mở rộng diện tích, năng suất bình quân khá thấp. Người dân trồng cacao với quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn cho việc hướng dẫn kỹ thuật, khiến cây sinh trưởng kém, nhiều sâu bệnh.
Nhận thấy được tiềm năng của cây cacao và thực trạng ngành nông nghiệp của địa phương, nhằm nâng tổng diện tích cây cacao trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân huyện Châu Đức đã phân bổ chỉ tiêu trồng cây cacao năm 2023 cho các xã, thị trấn trên toàn huyện, vận động cả hệ thống chính trị của địa phương cùng chung tay tham gia vận động người nông dân mở rộng diện tích cây cacao, góp phần ổn định sản xuất, giảm thiểu rủi ro.
Để mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển cây cacao bền vững, Ủy ban Nhân dân huyện đã hỗ trợ kinh phí 2,7 tỷ đồng để đầu tư cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp thực hiện quy trình canh tác cây cacao theo mô hình VietGAP, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị… cho 80 hộ nông dân, với diện tích trồng 50ha.
Song song đó, địa phương cũng đã nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi nhiều doanh nghiệp hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao để phát triển cây cacao cho nông dân; tập trung triển khai thêm nhiều giải pháp nhằm phát triển cây cacao theo hướng bền vững, đạt mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng gắn với chất lượng; đồng thời hỗ trợ nhiều hơn cho người dân về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, phòng chống các đối tượng dịch hại tấn công cây cacao, gây thiệt hại cho nông dân.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp triển khai liên kết thu mua trái cacao tươi của bà con nông dân để sản xuất ra các sản phẩm như bột cacao, kẹo chocolate, rượu cacao, trà cacao, nước ép cacao… và xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và thị trường châu Âu. Cũng đã có một số doanh nghiệp phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc trải nghiệm thú vị từ việc trồng, chăm sóc và chế biến cacao.
Công ty Cổ phần Binon Cacao, xã Xà Bang, huyện Châu Đức đi vào hoạt động từ tháng 5/2019, công ty đã xây dựng một công viên cacao với khoảng 46ha. Đến đây, du khách không chỉ tham quan phong cảnh mà còn có dịp nếm thử vị của hạt cacao tươi và được hướng dẫn viên hướng dẫn xem quy trình sản xuất ra thành bột cacao và chocolate. Du khách cũng có thể khám phá và thử thách khả năng sáng tạo của bản thân, bằng việc tự tay làm ra những thanh chocolate.
Hiện nay, công ty đang sản xuất các sản phẩm chính bột cacao nguyên chất, rượu, ngũ cốc, trà, hạt lip và khoảng 30 loại kẹo chocolate. Bà Lý Tú Anh, Trưởng bộ phận Hành chính Nhân sự, Công ty Cổ phần Binon Cacao cho biết, để phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm xuất khẩu Nhật Bản, cùng với việc phục vụ du khách khi đến công viên cacao tham quan, trải nghiệm nhu cầu một tháng phía công ty cần thu mua 20 tấn trái cacao tươi. Thế nhưng, hiện nay, thị trường không đủ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Hoàn thiện quy trình trồng cacao hữu cơ
Chia sẻ với báo Bà Rịa-Vũng Tàu , ông Trần Như Phong, ngụ ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, cho biết đã gắn bó với cây cacao đến nay được 18 năm, hiện nay gia đình ông có 2ha trồng cacao xen với các loại cây điều, tiêu.
Ông Phong cho biết, giá cả thấp, đầu ra không ổn định nên năm 2019 ông từng có ý định chặt bỏ vườn ca cao. Tuy nhiên, khi tham gia tập huấn chuyển giao kỹ thuật, lại có sự hỗ trợ từ Công ty TNHH TM-DV-SX ca cao Thành Đạt về giống, vốn, bao tiêu sản phẩm, ông Phong yên tâm khôi phục lại vườn ca cao.
Ông cũng thay đổi phương pháp trồng truyền thống sang canh tác bằng phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Nếu như trước đây, mỗi kg trái cacao chỉ có giá 6.000 đồng, nay ông bán được với giá 8.000 đồng/kg và đầu ra rất ổn định được phía công ty thu mua hết. Trong số 2ha trồng ca cao xen với điều, tiêu có 1,2ha đang cho thu hoạch ổn định 15 tấn trái ca cao tươi/năm. Sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 100 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng ca cao theo phương pháp truyền thống.
Ông Trương Ngọc Lân (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) là một trong những nông dân đầu tiên áp dụng quy trình trồng ca cao hữu cơ cho biết, cây ca cao trồng theo hướng hữu cơ ra hoa đều, tỉ lệ đậu trái cao và đạt chất lượng tốt, trái đồng đều.
Trước nhu cầu tiêu thụ cacao ngày càng tăng, trong khi nguồn cung nguyên liệu đáp ứng chưa nhiều, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện quy trình trồng cacao hữu cơ, mở rộng, tăng diện tích trồng cacao tại huyện Châu Đức lên 650ha; trong đó xây dựng 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Lãnh đạo huyện Châu Đức cho biết, xác định ca cao là cây trồng chủ lực, UBND huyện đã phân bổ chỉ tiêu trồng 70ha cây ca cao trong năm 2023 cho các xã-thị trấn. Bên cạnh đó, huyện cũng nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi nhiều doanh nghiệp hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao để phát triển cây ca cao cho nông dân.
Trên phạm vi toàn tỉnh, ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để phát triển bền vững cây ca cao, tỉnh ổn định diện tích khoảng 600ha và đi theo hướng sản xuất chứng nhận và liên kết. Ngành nông nghiệp cũng tăng cường kết nối các doanh nghiệp thu mua, giúp nông dân an tâm sản xuất.
“Trong thời gian tới, chi cục cũng sẽ nỗ lực để là cầu nối đưa những sản phẩm nông nghiệp an toàn; trong đó có sản phẩm chế biến từ trái cacao của tỉnh có chỗ đứng và vươn xa ra thị trường không chỉ trong nước mà còn đi các nước trên thế giới,” ông Nguyễn Chí Đức nói.
Theo báo Công Thương, ca cao Việt Nam được người Pháp mang vào Việt Nam từ thế kỷ 19 nhưng không được quan tâm nhiều cho đến tận đầu năm 2000, khi được giới thiệu trở lại với nông dân Việt Nam qua chương trình ca cao do Đại học Nông Lâm phối hợp với Tổ chức Ca cao Quốc tế.
Ca cao Việt Nam đã nhận được sự công nhận của quốc tế sau khi giành được Giải thưởng Ca cao Quốc tế năm 2013, và được Tổ chức Ca cao Quốc tế xếp vào loại Ca cao Hảo hạng hoặc Có hương vị vào năm 2015 nhờ hương vị trái cây độc đáo.
Với những đặc điểm riêng biệt của ca cao Việt Nam (hương vị hảo hạng, chuỗi giá trị công bằng hơn), ca cao đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự ủng hộ của các nhà đầu tư trong nước và các tổ chức nước ngoài và được các doanh nghiệp trong ngành đặt niềm tin vào tiềm năng của ca cao Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có cơ hội vươn lên trở thành một quốc gia ca cao mới, có thể làm thay đổi hiện trạng của ngành ca cao.
Minh Hoa (t/h)