Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy thế mạnh kinh tế biển gắn với chủ quyền an ninh biên giới
Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tinh thần xuyên suốt là “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh”
Vượt qua nhiều khó khăn của những ngày đầu thành lập, bằng những quyết sách kịp thời, sự năng động sáng tạo, với tinh thần đổi mới, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm công nghiệp dầu khí hiện đại trong cả nước.
Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh
Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 305km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000km2 có nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước… 5/8 huyện, thành phố của Bà Rịa - Vũng Tàu giáp biển; đồng thời là địa phương có lợi thế về cảng nước sâu với nguồn tài và nguyên thiên nhiên phong phú và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ. Với tiềm năng đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển với các hoạt động như: khai thác dầu khí, du lịch và cảng biển...
Trong những năm qua, tỉnh luôn kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu. Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tinh thần xuyên suốt là "Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh".
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên biển để phát triển nền kinh tế biển mạnh và bền vững, Bà Rịa - Vũng Tàu đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng có hiệu quả những thế mạnh vượt trội của địa phương; đồng thời tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng biển với các quốc lộ, đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm cảng biển lớn của khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng được xếp vào nhóm địa phương có hạ tầng giao thông đường bộ khang trang, đồng bộ nhất nước, hoàn thành khung kết cấu giao thông. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 3 trục đường được bình chọn tuyến đường đẹp Việt Nam, có tuyến kết nối liên hoàn dải ven biển dài 78 km, góp phần tạo sức bật cho phát triển kinh tế biển.
Từ chỗ chỉ có một vài cảng chuyên dùng phục vụ cho ngành dầu khí và đánh bắt hải sản, đến nay, đã hình thành hệ thống cảng biển tổng hợp được quy hoạch là cảng loại đặc biệt cấp quốc gia. Riêng cảng Cái Mép - Thị Vải đã có 22 dự án đi vào hoạt động, với tổng chiều dài cầu bến khu vực Cái Mép - Thị Vải đạt 9.947m. Tính đến hết tháng 12/2020, Cái Mép-Thị Vải đã có 7 dự án cảng container đi vào hoạt động, công suất thiết kế đạt 6,8 triệu TEU/năm.
Tổng sản lượng hàng tàu biển thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 10%/năm. Với lượng hàng tăng trưởng liên tục, Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi Châu Âu, Châu Mỹ và có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á, đã vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới từ năm 2019.
Cùng với hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics cũng từng bước phát triển mạnh, ngoài hệ thống cảng bến thủy nội địa, đến nay đã có hơn 20 dự án kho bãi logistics đi vào hoạt động với tổng diện tích chiếm đất khoảng 224 ha. Công tác quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Trung tâm logistics Cái Mép Hạ đã hoàn thành sẽ là cơ sở pháp lý để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư xây dựng, kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để tận dụng hệ thống cảng biển, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp gắn với cảng biển. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 KCN, với tổng diện tích khoảng 8.510ha. Nhiều dự án đầu tư đang được triển khai gồm: Nhà máy Sản xuất PPP và kho ngầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Tổ hợp Hóa dầu miền Nam 5,4 tỷ USD; Trung tâm Điện lực Long Sơn 4,5 tỷ USD…
Bên cạnh đó, các ngành khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá đã góp phần đáng kể vào chuyển đổi mạnh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Du lịch biển hiện đang được coi là một trong những thế mạnh của tỉnh, mỗi năm đã thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế.
Phát huy thế mạnh sẵn có gắn với bảo vệ an ninh khu vực biên giới biển, đảo
Bên cạnh việc khai thác thế mạnh, phát triển kinh tế biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã dành sự quan tâm đến thực hiện bảo vệ an ninh khu vực biên giới biển, đảo. Tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai thực hiện quản lý, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu cảng biển và vùng nước cảng biển, điểm neo, điểm xuất dầu ngoài khơi, điểm neo luồng hàng hải.
Cùng với đó là tăng cường giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng, chủ động đối phó với các tình huống, duy trì nghiêm công tác sẵn sàng chiến đấu, phối hợp giữa các lực lượng bảo vệ địa bàn, vùng biển, đảo; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh nhấn mạnh: "Phát triển kinh tế biển phải trên cơ sở bền vững, bảo vệ hệ sinh thái biển, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát việc khai thác các tài nguyên biển một cách bền vững, nhất là việc ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái biển đang cạn kiệt, cùng với việc thúc đẩy đa dạng sinh học biển. Đồng thời cần phải tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; các địa phương thi đua giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.
Đặc biệt, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển các ngành kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo".