Bà Rịa - Vũng Tàu muốn xây dựng khu thương mại tự do Cái Mép Hạ

Chia sẻ Facebook
26/11/2022 14:17:50

Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Thọ, việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mình.

Tại hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ sáng 26/11, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhấn mạnh về chủ trương hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ cũng như phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.


Sẵn sàng nâng cấp cảng biển địa phương

Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị nêu rõ, Bà Rịa - Vũng Tàu có cơ hội lớn, có cơ sở để trở thành một cực tăng trưởng quan trọng cho vùng kinh tế phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt trong tương lai đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm biển quốc gia.

Với lợi thế có bờ biển dài trên 300 km, cảng nước sâu, đặc biệt cảng Cái Mép - Thị Vải là 1 trong 20 cảng biển siêu lớn trên thế giới, mỗi năm liên tục đón số lượng lớn tàu "khủng" cập cảng.

Theo ông Thọ, tại Việt Nam hiện có 18 khu kinh tế ven biển, tuy nhiên tại các khu kinh tế này chỉ phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ với một số chính sách ưu đãi về thuế, mà chưa có khu thương mại tự do như mô hình phát triển ở nhiều nước trên thế giới.

Nghị quyết 24 quyết định "Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ" là một chủ trương mới, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ, đóng vai trò làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của cả vùng và cả nước.

Cảng Cái Mép - Thị Vải (Ảnh: Phạm Tùng).

Với vị trí nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 80.000-250.000 tấn (6.000-24.000 TEU) hoặc lớn hơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giữ vai trò cửa ngõ hướng ra biển của vùng Đông Nam Bộ.

Song song đó, giai đoạn này địa phương đã và đang có các dự án giao thông lớn như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 4 Tp.HCM; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu;

Hệ thống giao thông liên cảng, sẽ hình thành hệ thống giao thông đa phương thức, giúp kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng Thị Vải, Cái Mép - trung tâm logistics Cái Mép Hạ - Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.HCM - Các trung tâm dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đô thị trong vùng Đông Nam bộ.

Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách Nhà nước, vùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

"Các yếu tố này chính là nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng và bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Và đây cũng là lý do Bộ Chính trị thống nhất chủ trương chọn Cái Mép Hạ để thiết lập mô hình khu thương mại tự do để tạo động lực mới phát triển vùng Đông Nam bộ", ông Thọ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: VGP).

Theo đó, nhằm sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, trong thời gian qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Địa phương tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistic Cái Mép Hạ với diện tích hơn 1.686 ha, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng, kết nối hệ thống cảng Thị Vải – Cái Mép với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trung tâm tài chính quốc tế Tp.HCM, các trung tâm công nghiệp, đô thị trong vùng.


Trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế

Nghị quyết 24 cũng xác định tương lai Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Để "về đích" với tiêu chí này, Bà Rịa - Vũng Tàu đang cố gắng tận dụng, phát huy các ưu thế sẵn có của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói rằng, việc triển khai nghị quyết này Bà Rịa - Vũng Tàu càng có nhiều cơ hội để phát triển du lịch, kích cầu du lịch trong tương lai, tạo cơ hội phát triển kinh tế địa phương và các vùng phụ cận.

Ông Thọ cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương duy nhất có bờ biển dài với bãi cát thoải, sạch, nước trong đủ điều kiện phát triển du lịch chất lượng cao. Trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều khu vực có cảnh quan hấp dẫn, môi trường trong lành, ngoài ra còn có các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc.

Quần đảo Côn Đảo - khu du lịch nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đặc biệt quần đảo Côn Đảo, vừa là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên rừng, biển được thế giới công nhận và đánh giá cao. Đặc biệt Bà Rịa – Vũng Tàu là điểm cuối của dải ven biển từ miền Trung trở vào có thế mạnh phát triển du lịch biển.

Theo ông Thọ, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang hình thành các khu du lịch chất lượng cao, tầm vóc quốc tế, với các thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước như: The The Grand -Ho Tram strip, Six senses Côn Đảo, The Imperial, Pullman, Marina Bay resort, Malibu, Melia at the Hampton…

"Đặc biệt giai đoạn vừa qua tỉnh đã và đang tập trung xây dựng môi trường du lịch an toàn, chất lượng, Tp.Vũng Tàu đã 2 lần liên tiếp được vinh danh là thành phố du lịch sạch Asean", ông Thọ nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Văn Thọ, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng được nâng cao, đồng bộ cả về chất lượng và số lượng. Trong quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định du lịch là một trong 5 trụ cột kinh tế quan trọng.


Quy hoạch định hướng phát triển trục động lực kinh tế du lịch tại khu vực ven biển phía Đông Nam với chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo .

Chia sẻ Facebook