Ba “ông lớn” ngân hàng gia nhập cuộc đua tăng lãi suất
Argibank, Vietinbank và BIDV mới điều chỉnh tăng lãi suất từ ngày hôm nay (27/10), với mức tăng khoảng 0,7-1% so với trước khi điều chỉnh.
Sau khi hàng loạt ngân hàng thương mại tăng mạnh lãi suất theo điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước. Ba trong bốn ngân hàng nắm giữ khối tài sản lớn nhất tại Việt Nam là Agribank, VietinBank, BIDV cũng vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới từ ngày 27/10.
Theo đó, lãi suất tại các ngân hàng này tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn, và tăng tối đa thêm 1% theo trần Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Cụ thể, lãi suất lại 3 ngân hàng này có sự khác biệt với kỳ hạn từ 6 tháng, trong khi VietinBank và BIDV đều niêm yết 6%/năm ở kỳ hạn này, tăng 1,3-1,4% so với biểu lãi suất cũ, thì tại Agribank niêm yết 6,1%/năm.
Vời kỳ hạn 9 tháng, BIDV và Agribank đang trả lãi cao nhất, lên tới 6,1%/năm. Tiếp theo đó, kỳ hạn 12 tháng được 3 nhà băng đồng loạt niêm yết ở mức 7,4%/năm, tăng 1% so với mức cũ một tháng trước.
Đối với kỳ hạn ngắn 3 - 5 tháng, lãi suất tại 3 ngân hàng này đều tăng 1% lên là 5,4%/năm. Kỳ hạn 1 - 2 tháng cũng tăng 0,8% lên 4,9%/năm.
Với tiền gửi không kỳ hạn, VietinBank và BIDV tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất 0,1%/năm, trong khi Agribank tăng 0,3% lên 0,5%/năm.
Trong khi đó, nhà băng còn lại trong nhóm ngân hàng quốc doanh là Vietcombank vẫn chưa gia nhập cuộc đua tăng lãi suất. Lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn đang khoảng 4,4%/năm, còn cách khá xa mức trần 6% được phép và lãi kỳ hạn 12 tháng vẫn ở mức 6,4%/năm.
Hiện tại, lãi suất tại các ngân hàng thương mại đã tăng mạnh, dẫn đầu trong hệ thống ngân hàng hiện nay thuộc về SCB với lãi suất lên tới kỷ lục 9,3%/năm cho các kỳ hạn trên 15 tháng, với hình thức gửi online. Tại kỳ hạn từ 12 - 13 tháng, SCB cũng đang là quán quân khi niêm yết mức lãi suất là 9,15%.
Hiện tại, SCB, NamABank, Kienlongbank, BacABank, NCB, GPBank, SHB, VietCapitalBank, Techcombank và LienVietPostBank dẫn đầu lãi suất tiền gửi 1 và 3 tháng tại quầy khi trả kịch trần 6% một năm.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định lãi suất huy động sẽ tăng 1-1,5%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8% trong các tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi.
Mặt bằng lãi suất huy động tăng nhanh hấp dẫn người dân gửi tiết kiệm khiến lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng lên đột biến. Theo số liệu từ NHNN, chỉ tính riêng lượng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 8/2022 đạt hơn 11,39 triệu tỷ đồng. Đồng thời, huy động vốn từ tiền gửi của dân cư tăng 6,35% so với cuối năm 2021, nâng tổng tiền gửi lên hơn 5,6 triệu tỷ đồng .