Bà nội nghèo ôm 2 cháu đi nhặt ve chai, tối xin cơm từ thiện
Sau khi con trai bị bắt giam, con dâu cũng bỏ đi theo tình mới để lại 2 đứa con nhỏ cho bà Liên chăm. Từ đó, sáng nào đi nhặt ve chai bà cũng ôm theo 2 đứa cháu đến tối lại đi xin cơm từ thiện. Ba bà cháu cứ thế đùm bọc, rau cháo nuôi nhau, gồng gánh trong suốt mùa dịch.
Bà cháu lang thang trên xe ba gác, kiếm cơm từng ngày
Ly hôn chồng, bà Liên đi hết hơn nửa đời cô quạnh nuôi con, giờ lại đèo bòng thêm 2 đứa cháu thơ dại, đang tuổi ăn tuổi lớn. Tài sản đáng giá trong nhà là chiếc xe 3 gác, bà Liên thường dùng để chở 2 cháu ngồi trên đó, vừa đi nhặt ve chai, vừa đi bán vé số kiếm cơm qua ngày.
Ở một góc đường Nguyễn Văn Linh (Quận 7, TP.HCM), bà ngồi cạnh chiếc xe ba gác, lau từng giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Đi suốt từ 5h sáng tới trưa nắng gắt, bà chỉ bán được vài tấm vé số. Đống ve chai, bìa cứng, rác rưởi chất đầy trên xe ba gác ngổn ngang.
Trên chiếc xe, một bé trai 20 tháng tuổi nằm ngủ ngon lành, gương mặt em lấm lem bụi bẩn sau một buổi hứng nắng gió ngoài đường cùng bà nội. Bé gái 3 tuổi còn lại, tay ôm chặt bà Liên không rời, khóc lả vì đã quá trưa vẫn không có gì bỏ bụng.
Bà Liên tâm sự, bà có 4 người con, 2 bé là cháu nội, máu mủ của đứa con trai út trong nhà. Do nghe lời bạn bè xấu rủ rê, con trai bà vướng phải vòng lao lý, đi tù từ tháng 3/2021.
Sau khi con trai đi tù được 3 tháng, con dâu sợ nghèo khó cũng bỏ đi theo nhân tình, để lại 2 đứa bé cho bà Liên nuôi.
Bà Liên quê ở Long An, trước đây lên TP.HCM đi bán hủ tiếu dạo nhưng giờ tuổi già sức yếu, hết vốn làm ăn, lại phải gồng gánh thêm 2 đứa cháu nhỏ nên bà đành từ bỏ công việc này.
Ba bà cháu hiện đang thuê một căn nhà bé ở Quận 7 với mức giá 1,2 triệu/tháng, ước chừng rộng 15m 2 . Có vài lần, người con dâu ghé qua nhà nhưng rồi cũng bỏ đi luôn. Chị giờ đã lấy chồng mới, có cuộc sống riêng.
Dù có nghèo đến mấy cũng không gửi 2 cháu vào trung tâm thiện nguyện
Từ ngày con dâu bỏ đi, sáng bà Liên đạp xe ba gác chở cháu đi bán vé số đến 11, 12h trưa rồi đưa 2 cháu về nhà nghỉ ngơi, ăn cơm, chiều lại tất tả nhặt ve chai. Đi đến đâu, người ta cho gì 3 bà cháu ăn nấy. Khi thì cơm bụi, cơm chay từ thiện, thỉnh thoảng dư dả lắm bà mới dành ra ít tiền, vào quán mua cho 2 cháu ăn bữa ‘thật sang’ .
Gọi là sang nhưng cũng chỉ là suất cơm gà, khi thì bát hủ tiếu. Bón cho cháu ăn xong, bà Liên húp tạm chỗ nước lèo còn thừa ở bát cho qua cơn đói.
Trong mấy tháng dịch bệnh Covid-19 vừa qua, bà Liên phải đi ở nhờ, nhiều người biết được hoàn cảnh, thương 3 bà cháu nên người thì cho thức ăn, người thì cho sữa.
“Người ta cho ở nhờ 4 tháng, cơm nước cũng lo cho cô, nhà nước cho sữa thì có tổ trưởng xin, trong xóm người này người kia cũng cho 2 bé bú giúp. Đợt rồi nhà nước hỗ trợ cho tiền, mà 2 đứa không có giấy khai sinh nên tui không đi lãnh được” , bà Liên tâm sự. Bà cũng kể rằng thỉnh thoảng, người con trai trong trại giam vẫn điện về, dặn dò bà ráng nuôi 2 đứa nhỏ giùm rồi “vài tháng nữa con về”.
Nghĩ về số phận cơ cực trước mắt, bà Liên đêm nào cũng nằm ôm cháu khóc. Bà kể nhiều hôm đi bán vé số, nhặt ve chai cực quá, về chỉ kịp nằm mà thở dốc. Hai đứa cháu nhớ hơi cha mẹ nên quấy suốt, bà ôm bé trai nằm một bên, bé gái nằm một bên, cố gắng ru mãi mới ngủ.
Thấy cuộc sống khó khăn của bà Liên và 2 cháu, có người trong hội thiện nguyện nhắn bà có thể gửi 2 bé vào trung tâm, họ sẽ lo nơi ăn chốn ở. Nhưng bà Liên đã khước từ lời đề nghị ấy.
Bà bộc bạch: “Ba bà cháu tuy nghèo nhưng cố gắng rau cháo nuôi nhau. Thằng nhỏ nó bám tôi, nửa đêm không ôm ngủ là khóc ngặt. Mà cứ khi nào khóc là nó sẽ ngất, tay chân tím tái. Tôi đang lo chắc bị bệnh tim, mà chưa có tiền đưa nó đi khám. Sợ vào trung tâm, không ai biết dỗ dành cháu nó sao, lại phiền đến họ.”
Dù gian nan, vất vả nhưng chỉ cần được thấy 2 đứa trẻ cười là mọi mệt nhọc trong bà đều tan biến. Đối với bà Liên việc được chứng kiến cháu mình lớn khôn, khỏe mạnh từng ngày chính là nguồn động lực giúp bà vượt qua những ngày tháng cơ cực trước mắt.
Theo báo Pháp luật & Bạn đọc