Bà Nguyễn Phương Hằng và các công ty thành viên Đại Nam dùng hơn 2.000 lô đất thế chấp cho OCB

Chia sẻ Facebook
17/10/2022 19:49:52

Một trong những doanh nghiệp có tên trong danh sách vay nợ là công ty cổ phần Glove Đại Nam – nhà máy sản xuất găng tay đúng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng lên ở Việt Nam, từng được tiết lộ có vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD.

Vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng thế chấp hơn 2.000 lô đất để vay tiền tại OCB. (Ảnh: nghean24h.vn)

Theo báo Tiền Phong, trong báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã tiết lộ việc OCB đang nhận tài sản đảm bảo là hơn 2.000 lô đất thuộc 2 Khu dân cư Đại Nam để thay thế nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân và các doanh nghiệp có liên quan đến vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng – ông Huỳnh Uy Dũng.

Cụ thể, Nghị quyết số 36/2022/NQ-HĐQT nhận tài sản đảm bảo là 963 lô đất thuộc Khu dân cư Đại Nam (ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng (TV&XD) Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng tại OCB Bình Dương nêu tại tờ trình số 281/2022/TT-TGĐ ngày 29/04/2022 của Tổng Giám đốc.

Nghị quyết số 37/2022/NQ-HĐQT của OCB nhận tài sản đảm bảo là 1.104 lô đất thuộc Khu dân cư Đại Nam (phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng công ty cổ phần Đại Nam, công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, công ty cổ phần Glove Đại Nam, công ty cổ phần Glove Hằng Hữu, công ty TNHH TV&XD Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng tại OCB Bình Dương nêu tại tờ trình số 282/2022/TT-TGĐ ngày 29/4/2022 của Tổng Giám đốc.

Tất cả các công ty này đều có người đại diện pháp luật là ông Huỳnh Uy Dũng. Trong đó nổi tiếng nhất là công ty cổ phần Glove Đại Nam được thành lập vào tháng 9/2020 – đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Công ty này tập trung sản xuất găng tay, với mức đầu tư được CEO Nguyễn Phương Hằng tiết lộ lên đến 1 tỷ đôla.


Khi đó, ông Huỳnh Uy Dũng mô tả sản phẩm găng tay do công ty này sản xuất là “khi đeo sẽ mang đến một cảm giác hoàn toàn khác” vì găng tay được sản xuất không sử dụng chất gây hại cho sức khỏe và da, giúp các y bác sĩ dễ chịu hơn trong quá trình khám chữa bệnh.

Tại thời điểm ngày 23/4, tổng dư nợ của OCB cho Tập đoàn Đại Nam vay là trên 1.000 tỷ đồng. (Ảnh: Tiền Phong)

Theo thông tin trên website của Glove Đại Nam, nhà máy có công suất đạt 36,8 triệu thùng/năm. Trong đó, chủ lực là găng tay Nitrile được làm từ cao su tổng hợp Acrylonitrile Butadiene.

Nhà máy của ông bà chủ Đại Nam có tên gọi Glove Đại Nam (trực thuộc 2 công ty là công ty cổ phần Glove Đại Nam và công ty cổ phần Glove Hằng Hữu) được xây dựng tại Khu Công nghiệp Sóng Thần 3 thuộc trung tâm Tỉnh Bình Dương. Hằng Hữu là tên con trai của 2 ông bà.

Về công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, có hoạt động chính là kinh doanh bất động sản. Còn công ty TNHH TV&XD Đại Nam hoạt động chính trong lĩnh vực thi công, xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, nhà xưởng.

Theo báo Nhịp sống thị trường, trước đó, Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng tại đại hội cổ đông thường niên sáng 23/04/2022 cho biết, tổng dư nợ OCB cho Đại Nam vay là trên 1.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, quyết định nhận tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ của OCB đối với các đơn vị trên diễn ra vào cuối tháng 4/2022 và sau đó gần nửa tháng, một công ty của ông Huỳnh Uy Dũng là công ty Tân Khai đã có bản ghi nhớ chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Đại Nam ở Bình Phước với giá hơn 2.400 tỷ đồng.


Cụ thể, ông Huỳnh Uy Dũng chia sẻ, vào ngày 12/5/2022, công ty Tân Khai ký ‘hợp đồng ghi nhớ’ với công ty cổ phần Vinasing Group (trụ sở chính tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội) về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với tổng giá trị hợp đồng dự kiến trên 2.434 tỷ đồng.

Đại diện công ty Tân Khai ký hợp đồng là ông Huỳnh Uy Dũng – chủ tịch công ty, đại diện công ty Vinasing Group là ông Lê Minh Thơ – chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo hợp đồng, Ngân hàng OCB chi nhánh Bình Dương là trung gian thanh toán.


Tuy nhiên, khoảng 9 ngày sau kể từ thời điểm ký ‘hợp đồng ghi nhớ’ , ngày 21/5/2022, ông Dũng ký văn bản gửi công ty Vinasing Group thông báo chấm dứt hợp đồng ghi nhớ đã ký vì bên mua không chuyển tiền cọc như cam kết. Do đó, hợp đồng ghi nhớ đã bị hủy. Ông Dũng không tiết lộ thêm có chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho đối tác khác hay không.


Xuân Hạ (t/h)

Chia sẻ Facebook