Bà Nguyễn Phương Hằng khai mục đích lên mạng xã hội livestream

Chia sẻ Facebook
12/09/2022 09:51:10

Bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Đại Nam, khai mục đích lên mạng livestream phát ngôn về 6 người (đã gửi đơn tố cáo bà) là do họ “xúc phạm vợ chồng mình trước”.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra công an TP.HCM. (Ảnh: Tiền Phong)

Theo báo Vnexpress, kết luận điều tra dài 17 trang của công an tỉnh Bình Dương nêu, bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, đang bị tạm giam trong vụ án ở TP.HCM) đã sử dụng Facebook Ha Lee, Nguyễn Phương Hằng; 5 tài khoản Youtube Trường Đua Đại Nam, LONG VLOG, Chistiana Nguyen, Tin nóng Nhất 24h, Luật sư Vlog để  tổ chức nhiều buổi livestream có nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều cá nhân.

Nhà chức trách đã liệt kê, trích dẫn ngôn từ bà Phương Hằng dùng trong các buổi livestream, xác định bị can có những phát ngôn xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự của nhà báo Đặng Thị Hàn Ni và Nguyễn Đức Hiển; bà Đinh Thị Lan; ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thuỷ Tiên và chồng Lê Công Vinh (chiếm đoạt tiền từ thiện, quyên góp hỗ trợ người dân…).

Theo báo Tiền Phong, tại bản kết luận điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Dương nêu, tại cơ quan điều tra, bà Hằng giải thích nguyên nhân dẫn đến những buổi bà livestream phát ngôn về những cá nhân trên là do họ có những từ ngữ, phát ngôn xúc phạm bà và chồng của bà là ông Huỳnh Uy Dũng, khiến bà vô cùng bức xúc.

Bà Nguyễn Phương Hằng đã khai mục đích lên mạng xã hội livestream. (Ảnh: Vnexpress)

Sự việc liên quan đến ông Hiển bắt đầu từ giữa năm 2021, khi ông trả lời phỏng vấn của báo VOV, cho rằng bà Phương Hằng đã có các phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Sau khi bài báo được đăng, bà Phương Hằng nhiều lần livestream bày tỏ bức xúc đối với ông Hiển.

Cơ quan điều tra đã xác minh tại Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bình Dương để xác định mức độ người xem, chia sẻ, bình luận các buổi phát trực tiếp của bà Phương Hằng về 6 bị hại. Kết quả là, các video, kênh của bà Phương Hằng đăng trên mạng có rất nhiều người vào xem; trong đó có video 926.000 lượt xem, 41.000 lượt thích và 32.000 lượt bình luận.

Tiếp đó, ngày 31/05, 05/08, 11/08, Sở TT&TT tỉnh Bình Dương có kết luận giám định, cho rằng trong 18 tập tin video phát ngôn của bà Hằng có chứa nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự 6 cá nhân trên. Hành vi này vi phạm điểm a khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018; điểm d khoản 1 Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng.


Từ những căn cứ trên, công an Bình Dương đề nghị VKS cùng cấp truy tố bà Phương Hằng về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’.

Cơ quan điều tra đang làm rõ vai trò của những người đã giúp sức cho bà Phương Hằng livestream. Riêng các cá nhân sử dụng Youtube để đưa, chia sẻ thông tin liên quan đến bà Hằng nhằm mục đích câu like để tăng thu nhập, cơ quan điều tra sẽ phối hợp với các đơn vị có thẩm quyền để xử lý.

Ngoài ra, với hành vi tương tự, bà Phương Hằng cũng bị công an TP.HCM đề nghị truy tố về cùng tội danh. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 09, VKSND TP.HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xem xét vai trò đồng phạm của một số người và nhập vụ án với Bình Dương…


Vũ Tuấn (t/h)

Chia sẻ Facebook