‘Bà mối’ cho các thương vụ đầu tư tại Việt Nam: Startup với tôi giống như hơi thở rồi
‘Bà mối’ cho các thương vụ đầu tư tại Việt Nam: Startup với tôi giống như hơi thở rồi
Năm 2019, Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) lần đầu tiên được tổ chức, quy tụ hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng thế giới. Đây được đánh giá là một trong những sự kiện kết nối các quỹ đầu tư với giới startup Việt lớn nhất tính đến thời điểm đó.
Vietnam Venture Summit xuất phát từ ý tưởng của quỹ Golden Gate Ventures (Singapore) và Lê Huỳnh Kim Ngân – cô gái Việt được ca ngợi là “bà mối” của các thương vụ đầu tư khởi nghiệp. Bên cạnh vai trò là nhà sáng lập và điều hành Twenty, Lê Huỳnh Kim Ngân hiện còn là Partner (phụ trách mảng tăng trưởng và mở rộng quốc tế) của quỹ đầu tư ThinkZone.
- Năm 2015, trang thông tin về công nghệ và startup châu Á Tech in Asia đăng tải một bài viết trong đó đưa ra 10 nhân vật mà mọi người nên gặp nếu muốn tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Một trong số đó chính là Lê Huỳnh Kim Ngân. Chị nghĩ đâu là lý do Tech in Asia đưa mình vào danh sách này?
- Thời điểm đó tôi cũng có nhiều mối quan hệ trong nước. Mọi người thường truyền miệng nhau là gặp tôi thì có thể biết thêm về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Từ việc truyền miệng đó mà “network” ngày càng được mở rộng. Sau đó, nhiều người đồng tình với việc nếu các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam thì nên gặp tôi.
Tôi cũng là người khởi xướng Startup Tour thông qua nền tảng Triip.me. Khi ấy, đó là startup tour duy nhất mà mọi người có thể đến và tìm hiểu về hệ sinh thái tại Việt Nam.
Có thể vì một số yếu tố như vậy mà Tech in Asia đã liệt kê tôi là một trong những người mà các nhà đầu tư nên gặp.
- Sau bài báo đó hẳn có rất nhiều người đã tìm gặp chị?
- Từ trước đến giờ cũng có khá nhiều người tìm gặp tôi, còn cụ thể thông qua bài báo đó thì tôi không rõ. Thường thì trước khi gặp mọi người cũng đã tìm hiểu xem bạn đó có đáng gặp hay không. Trong quá trình “research”, họ có thể biết được tôi trước đây đã gặp những quỹ đầu tư nào từng đến Việt Nam và các thương vụ mà tôi tham gia kết nối.
- Được biết chị khởi nghiệp rất sớm, lần đầu tiên chị startup vào năm bao nhiêu tuổi?
- Đó là năm 18 tuổi. Khi đó tôi suy nghĩ rất đơn giản là đã 18 tuổi thì nên tự làm cái gì đó cho riêng mình, vì vậy quyết định thành lập công ty. Thời điểm đó tôi đang học đại học ở Singapore, nhìn mọi thứ màu hồng lắm. Tôi được nghỉ 2 tuần về Việt Nam và dành cả 2 tuần đó để lập công ty. Giờ nhìn lại mới thấy là lúc đó tuổi trẻ chưa trải sự đời ( cười ).
Công ty đầu tiên của tôi rất đơn giản, là một công ty outsourcing. Tôi làm chung với một anh, anh ấy có một công ty trong nước rồi. Công ty của tôi làm dịch vụ, giúp công ty kia có thể mở rộng, kiếm thêm khách hàng ở nước ngoài. Gọi là công ty nhưng chỉ có 2 người làm là tôi và một bạn ở Singapore.
Dù chỉ tồn tại được 2 năm, công ty này đã giúp tôi có thêm nhiều bài học, như lần đầu tiên làm việc với cơ quan thuế, giấy tờ…
- Cho đến nay chị đã khởi nghiệp bao nhiêu lần?
- Tổng cộng tôi đã lập 4 công ty, trong đó lâu nhất và hiện nay tôi vẫn còn điều hành là Twenty. Đây là công ty nghiên cứu thị trường, tư vấn cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ.
- Lê Huỳnh Kim Ngân được giới khởi nghiệp gọi là “bà mối” của các thương vụ đầu tư. Cụ thể, chị đã làm bà mối như thế nào?
- Tôi từng lập trang thông tin công nghệ và khởi nghiệp Action.vn và đồng sáng lập nhóm khởi nghiệp Launch, nhờ đó cũng có nhiều mối quan hệ với các nhà đầu tư. Chắc do may mắn nên tôi khá mát tay, đến nay đã kết nối được gần 20 thương vụ.
Thời điểm cách đây 8-10 năm, các startup muốn gọi vốn gặp rất nhiều khó khăn, chứ không đơn giản như bây giờ. Lúc đó mình biết được quỹ đầu tư nào quan tâm thì mình giới thiệu với các startup phù hợp. Tôi cũng không coi nó là công việc hay dịch vụ, chỉ nghĩ là giúp được ai thì giúp.
- Thương vụ nào khiến chị nhớ nhất?
- Đó là một thương vụ bé thôi nhưng tôi vẫn thấy vui khi nhớ lại. Trước khi có sản phẩm Foody, nhà sáng lập công ty này có một công ty bé hơn. Lúc anh làm sản phẩm đó, tôi có viết một bài giới thiệu trên Action. Một nhà đầu tư ở Singapore đọc được bài viết, thấy hứng thú nên đã chia sẻ. Một quỹ đầu tư khác của Singapore vô tình đọc được và đại diện quỹ liên hệ với tôi. Và sau đó thương vụ này đã thành công.
- Trong quá trình làm cầu nối, có bao giờ chị nhận được những phản hồi tiêu cực từ các quỹ đầu tư về startup Việt?
- Thật ra các quỹ đầu tư hay có sự so sánh giữa Founder người Việt và Founder người Indonesia. Người Việt Nam rất thân thiện, cởi mở nhưng đôi khi Founder khá bảo thủ về đường hướng kinh doanh. Họ có thể tin mình làm đúng nhưng các nhà đầu tư có những góc nhìn rộng và kinh nghiệm ở các thị trường khác. Tôi nghĩ đó có thể là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư hơi dè chừng một chút với các startup Việt Nam.
- Chị có cơ hội đi du lịch nhiều nơi trên thế giới và làm việc với các quỹ đầu tư nước ngoài. Điều đó cho chị những bài học gì trong quá trình làm việc với startup?
- Tôi nghĩ đây là câu hỏi khá lớn và khá rộng để trả lời. Tôi có cơ hội được đi nhiều nơi, nhưng không biết có gọi là đi du lịch không bởi vì mỗi lần đến một quốc gia, tôi thích tìm hiểu xem ở đó người ta khởi nghiệp ra sao, có gì mới không. Thói quen đó giống như “ăn vô máu” vậy.
Đi nhiều giúp việc quan sát của tôi ngày càng đi sâu vào chi tiết hơn. Tôi thấy mỗi nơi mỗi khác và nhận ra được đâu là thế mạnh của mình. Từ đó biết được nếu Việt Nam muốn thắng trong lĩnh vực này, thành công ở lĩnh vực khác thì cần phải tập trung vào điểm mạnh nào của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng hiểu ra rằng có những điểm yếu cần phải tìm cách khắc phục nhưng cũng có những điểm mình phải học cách chấp nhận.
Hiện tại khi tôi ngồi nói chuyện với các startup, góc nhìn của tôi đã khác so với trước kia. Trước đây tôi sẽ hay hỏi tại sao không làm thế này, thế kia. Nhưng giờ đây, khi đặt vào một bối cảnh cụ thể như đất nước, hành vi tiêu dùng, lịch sử, kinh tế… tôi sẽ không đặt câu hỏi mang tính so sánh nữa. Thay vào đó tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra một số gợi ý để các startup tự so sánh. Đó là sự khác biệt lớn nhất.
- Năm 2019 khi tham dự Vietnam Venture Summit, tôi đã rất ấn tượng với hình ảnh xông xáo của Lê Huỳnh Kim Ngân ở hậu trường. Cơ duyên nào đưa chị tham gia tổ chức sự kiện này?
- Chương trình này xuất phát từ ý tưởng của quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gates Ventures (GGV) và tôi. Khi đó chúng tôi trao đổi với nhau là lâu lắm rồi không thực hiện chương trình gì liên quan đến startup. Kế hoạch ban đầu là tổ chức “matching day”, trong đó GGV mang đến một số quỹ đầu tư, còn tôi giới thiệu một số startup.
Chúng tôi đi tìm nhà tài trợ và nói chuyện với nhiều bên khác nhau. Khi nói chuyện trực tiếp với Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bác Dũng rất ủng hộ ý tưởng này. Từ một sự kiện nhỏ nhưng sau đó có sự tham gia của nhà nước thì đã trở thành một sự kiện rất tầm cỡ. Ngày diễn ra sự kiện tôi cũng không tưởng tượng được nó lại lớn như vậy.
- Sự kiện đó đã đem lại những kết quả như thế nào?
- Có một điều tôi rất vui là đã mang được hình ảnh Việt Nam giới thiệu đến các nhà đầu tư quốc tế. Vietnam Venture Summit giống như một cái cổng, mà từ đó nhiều nhà đầu tư có thể tìm hiểu về Việt Nam. Họ thấy được sự hỗ trợ từ nhà nước và các startup chất lượng, từ đó cũng tự tin và hứng thú hơn khi tìm hiểu về thị trường.
Năm nay, Vietnam Venture Summit dự kiến diễn ra vào tháng 11. Chúng tôi dự định sẽ thống kê lại để xem từ sự kiện 2019 startup Việt đã có những bước chuyển biến như thế nào. Bước đầu chúng tôi thấy một số quỹ đã thực hiện đúng cam kết, có văn phòng tại Việt Nam hoặc có người phụ trách thị trường Việt Nam. Đó là một dấu hiệu tích cực.
- Gần đây chị chuyển sang làm Partner cho một quỹ đầu tư mạo hiểm. Từ đâu chị có quyết định như vậy?
- Tôi nghĩ tất cả mọi thứ như bạn làm gì, ở đâu, kết hôn với ai…đều là những mảnh ghép trong cuộc sống. Tương tự như vậy, việc tôi tham gia ThinkZone cũng giống như một mảnh ghép trong cuộc sống. Tôi nhìn câu chuyện 5-10 năm sắp tới, xem mình muốn đi về đâu, những gì còn thiếu và có thể đóng góp.
Trước đây, tôi cũng có một số đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhưng mọi thứ chưa quy củ, bài bản. Giờ đây khi làm ở quỹ, những công ty được ThinkZone đầu tư cũng sẽ hưởng lợi bởi những nguồn lực mà tôi có. Mọi thứ cũng mang tính quy củ, bài bản hơn.
Bên cạnh đó, về ThinkZone cũng liên quan đến câu chuyện cá nhân của tôi. Bản thân tôi là một người rất chủ nghĩa dân tộc. Là công dân toàn cầu nhưng tôi rất yêu mắm và thích các đồ ăn Việt Nam ( cười ). Vì vậy, tôi rất mong muốn được dùng nguồn lực nội địa để hỗ trợ cho các công ty trong nước. ThinkZone là một quỹ đầu tư nội và tôi thích câu chuyện mà các bạn đang làm. Tôi nghĩ mình cũng có thể đóng góp được nhiều điều cho các công ty mà quỹ này đầu tư.
- Công việc chính của chị tại quỹ đầu tư này là gì?
- Công việc của tôi là quản lý tất các các startup trong danh mục đầu tư. Thường một quỹ đầu tư chia thành hai giai đoạn: giai đoạn đầu là đi tìm startup để đầu tư, thẩm định, giải ngân. Còn tôi phụ trách giai đoạn sau giải ngân. Những công ty sau khi được ThinkZone đầu tư rồi sẽ bước vào giai đoạn phát triển và tăng trưởng. Nếu để các công ty tự phát triển, họ sẽ rất cô đơn.
Ngoài ra ở đây, tôi sẽ viết tiếp câu chuyện dùng nguồn lực nội hỗ trợ cho các công ty trong nước và phát triển ra thị trường toàn cầu, hoặc ít nhất là các công ty này sẽ có đẳng cấp toàn cầu tại Việt Nam.
- ThinkZone hiện tập trung vào các startup giai đoạn đầu. Trong khi startup giai đoạn này rất dễ thất bại. Với những startup không phải do chị lựa chọn nhưng phải chịu trách nhiệm với sự phát triển của các công ty đó, chị thấy đây có phải một vấn đề khó khăn?
- Mỗi một giai đoạn sẽ có những khó khăn riêng, nếu startup mà dễ dàng thì ai cũng khởi nghiệp hết. Tôi nghĩ cái khó của giai đoạn đầu nằm ở con người. Trước khi có thể thiết kế hệ thống để startup phát triển thì yếu tố ban đầu là con người – bao gồm cả người sáng lập và đội ngũ.
Làm việc với các startup giai đoạn đầu cũng không quá khó nhưng thường mất rất nhiều thời gian vì cần giúp họ định vị về chiến lược kinh doanh và giúp họ hiểu thêm về thị trường. Mỗi công ty là một câu chuyện khác nhau và dù cần nhiều thời gian thì mọi thứ vẫn rất xứng đáng nếu mình có thể đồng hành cùng sự phát triển của các startup.
- Hiện đang làm việc cho quỹ đầu tư nội, chị thấy quỹ nội có ưu thế gì so với quỹ ngoại?
- Tôi nghĩ là sẽ tùy vào từng mô hình mà quỹ nội hay quỹ ngoại có ưu thế hơn. Quỹ nội sẽ có những lợi thế như có mối quan hệ với các startup trong nước, hiểu biết về thị trường. Một số startup từng chia sẻ rằng họ muốn được ThinkZone đầu tư – dù số tiền nhỏ thôi – nhưng có thể tận dụng được nguồn lực của quỹ để đi nhanh hơn.
Với những mô hình gắn chặt với người tiêu dùng địa phương, các quỹ nội sẽ có ưu thế về mặt kiến thức, mối quan hệ và thông tin.
- Đã có 12 năm gắn bó với startup, chị đã thấy chán các công việc liên quan đến lĩnh vực này?
- Nếu như chán tôi đã lựa chọn một công việc khác rồi. Có nhiều bạn cùng thời điểm với tôi đã đổi nghề nhưng mọi người vẫn thấy tôi ở đây. Tôi không muốn gọi những việc mình đang làm là đi làm, nó đơn giản giống như ăn uống, hít thở mỗi ngày. Vì suy nghĩ như vậy, tôi không cảm thấy phải gồng mình mà để mọi thứ diễn ra tự nhiên.
Ngay cả đi chơi tôi cũng có thể nhìn ra những thứ liên quan tới những cơ hội startup ở một tỉnh thành nào đó. Đó giống như một phản xạ tự nhiên, startup với tôi nó giống như hơi thở rồi.
- Từ khi về ThinkZone, chị đã hỗ trợ bao nhiêu startup?
- ThinkZone đã đầu tư vào 16 công ty. Giờ lịch của tôi rất bận nhưng rất vui, tôi vừa có chuyến công tác ở Hà Nội và gặp các startup trong danh mục đầu tư. Khi gặp các Founder, họ nói rằng lần sau phải “book” Ngân thêm 4 tiếng dù trước đó chúng tôi đã ngồi với nhau 4 tiếng rồi. Điều đó khiến tôi rất cảm động vì thấy mình có giá trị.
Tôi mới làm việc tại đây vài tháng nên cần tìm hiểu kỹ hơn về các startup, sau đó sẽ có khung công việc cụ thể cũng như đội ngũ hỗ trợ. Thực tế trong danh mục đầu tư, có startup cần hỗ trợ nhưng cũng có startup muốn để họ tự làm mọi việc.
- Qua những cuộc trao đổi, chị thấy vấn đề lớn nhất của các startup là gì?
- Thường là vấn đề về nhân sự và các câu chuyện ở góc độ con người. “Làm sao để tuyển được người giỏi, làm sao để giữ chân nhân tài?” là các câu hỏi thường được đặt ra vì các startup khó có thể đưa ra những “offer” như các công ty lớn. Startup hay gặp vấn đề cơm áo, gạo tiền, có thể muốn làm nhiều thứ nhưng lại không có tiền.
- Một số startup bị đánh giá là “ngáo giá” hoặc quá mơ mộng. Theo chị, làm thế nào để họ xác định đúng định giá của mình và đánh giá được ý tưởng kinh doanh có khả thi hay không?
- Tôi nghĩ nhiều khi không phải các bạn "ngáo giá" đâu mà là các bạn chưa biết định giá như thế nào. Tôi nghĩ ai startup lần đầu tiên đều gặp phải những vấn đề khác nhau. Khi có kinh nghiệm rồi thì họ sẽ biết mình đang ở mức nào. Trước khi thành công, nhiều startup có thể đã trải qua rất nhiều thất bại.
- Theo chị lĩnh vực nào sẽ tạo ra những kỳ lân tiếp theo cho Việt Nam?
- Tôi nghĩ là fintech. Đây sẽ là lĩnh vực đột phá và hội tụ nhiều yếu tố để tạo ra kỳ lân như người dùng, độ lớn thị trường, khả năng mở rộng, thói quen sử dụng thường xuyên trong một thời gian dài... Bên cạnh đó tôi cũng cho rằng game là một lĩnh vực đầy tiềm năng của Việt Nam.
- Cảm ơn chị.