Bà Merkel nói bà không đủ quyền lực để gây ảnh hưởng lên ông Putin
Cựu thủ tướng Đức nói rằng bà không thể ngăn chặn các kế hoạch của Nga nhằm vào Ukraine vào năm 2021.
20 phút trước
Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Putin nói tiếng Đức với bà Merkel, cựu Thủ tướng Đức
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bao biện cho chính sách của mình đối với Nga trước cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng Hai, nói rằng bà đã cạn kiệt quyền lực để gây ảnh hưởng đến Vladimir Putin.
Bà cho biết đã cố gắng mở các cuộc đàm phán châu Âu với tổng thống Nga và tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào mùa hè năm 2021.
"Nhưng tôi không có quyền lực để đi làm điều tôi muốn," bà nói với Spiegel news.
"Thực sự thì mọi người đều biết: vào mùa thu, bà ấy sẽ ra đi," bà nói.
Sau bốn nhiệm kỳ thủ tướng, bà Merkel rời nhiệm sở vào tháng 12. Bà đã có chuyến thăm cuối cùng tới Moscow vào tháng 8/2021 và nói với tạp chí tin tức Đức rằng "cảm giác rất rõ ràng: 'Về mặt chính trị quyền lực, bạn đã hết thời."
Bà nói thêm rằng "đối với Putin, chỉ có quyền lực mới được tính".
Điều quan trọng là trong cuộc gặp cuối cùng của họ, ông Putin đã đưa Ngoại trưởng Sergei Lavrov đi cùng, bà nói. Bà Merkel lưu ý rằng, trước đây họ đã từng gặp mặt.
Cân nhắc về cuộc xâm lược của Tổng thống Putin - với việc trước đó nhiều tuần Nga tăng cường quân sự quy mô lớn ở biên giới Ukraine - nhiều người lập luận rằng bà Merkel và các nhà lãnh đạo EU khác nên áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Điện Kremlin.
Nghị sĩ Roderich Kiesewetter, một chuyên gia về chính sách đối ngoại trong đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà, nằm trong số những người nói rằng bà đã biết ông Putin đang cố gắng chia rẽ và làm suy yếu châu Âu, nhưng bà tin rằng "quyền lực mềm" là cách tiếp cận đúng đắn. Ông lập luận trước cuộc xâm lược rằng Đức quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với Spiegel, bà Merkel cho biết lập trường của bà về Ukraine trong cuộc đàm phán hòa bình Minsk đã giúp Kyiv có thời gian để tự vệ tốt hơn trước quân đội Nga.
Một thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được ở Minsk sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 và trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở khu vực Donbas. Nhưng những điểm chính, bao gồm giải trừ quân bị và giám sát quốc tế, đã không được thực hiện.
Bà Merkel cho biết bà không hối tiếc khi rời nhiệm sở vào tháng 12 vì bà cảm thấy chính phủ của mình thất bại trong việc tạo nên tiến triển không chỉ trong cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn trong các cuộc xung đột ở Moldova, Gruzia, Syria và Libya, tất cả đều có sự nhúng tay của Nga.
Bà và ông Putin đều có kinh nghiệm trực tiếp về cuộc sống ở cộng sản Đông Đức - bà lớn lên ở đó và ông Putin phục vụ ở đó với tư cách là sĩ quan KGB của Liên Xô, làm công việc tình báo bí mật. Ông Putin nói thông thạo tiếng Đức và bà Merkel nói một ít tiếng Nga.