Bà Merkel 'không có gì hối tiếc' về di sản chính sách với Nga

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 09:56:32

Ngày 7-6, cựu thủ tướng Đức Angela Merkel bảo vệ chính sách kéo dài nhiều năm của bà đối với Nga, nói rằng bà "không có gì phải hối tiếc" ngay cả khi cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay ảnh hưởng đến di sản của bà.

Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: REUTERS

Trong cuộc phỏng vấn lớn đầu tiên kể từ khi mãn nhiệm 6 tháng trước, bà Merkel khẳng định bà không hề ngây thơ trong quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Ngoại giao không sai chỉ vì nó không hiệu quả", nhà chính trị 67 tuổi nói trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh tin tức Phoenix.

Bà Merkel nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga sau vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014, và những nỗ lực của Đức - Pháp nhằm duy trì tiến trình hòa bình theo thỏa thuận Minsk cho Ukraine.

"Tôi không cần phải tự trách mình vì đã không cố gắng đủ. Tôi không thấy rằng tôi phải nói 'điều đó đã sai' và đó là lý do tại sao tôi không có gì phải hối tiếc", bà Merkel nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo kỳ cựu của Đức đã thường xuyên gặp gỡ Tổng thống Putin trong suốt 16 năm cầm quyền. Bà Merkel ủng hộ cách tiếp cận dựa vào thương mại đối với Matxcơva.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất, bà Merkel cho biết "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine đã đánh dấu một "bước ngoặt" lớn.

Dù phản đối cách làm của ông Putin, bà bác bỏ những lời chỉ trích rằng bà đã sai khi ngăn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 2008. Bà cho rằng Kiev lúc đó chưa sẵn sàng và bà muốn tránh "leo thang thêm" với ông Putin, người vốn chống lại việc NATO mở rộng về phía đông.

Theo Hãng tin AFP, bà Merkel cũng nhấn mạnh rằng các thỏa thuận Minsk 2014-2015 được coi là sự lựa chọn tốt nhất để chấm dứt cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine vào thời điểm đó.

Theo bà Merkel, tiến trình hòa bình đã "mang lại sự bình yên" giúp Ukraine có thêm 7 năm để phát triển.

Bà Merkel nói bà dành "sự tôn trọng cao nhất" đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nỗ lực chiến đấu của lực lượng Ukraine.

Tuy nhiên, bà khẳng định không thể tránh né làm việc với ông Putin vì Nga, cũng như Trung Quốc, quá lớn để có thể phớt lờ.

"Chúng ta phải tìm cách để cùng tồn tại bất chấp mọi khác biệt giữa chúng ta", cựu thủ tướng Đức khẳng định.

Ngày 7-6, Hãng tin TASS đưa tin hơn 1.000 binh sĩ Ukraine đầu hàng tại thành phố Mariupol đã được chuyển giao về Nga để điều tra, trong khi phía Ukraine cho biết họ đã nhận lại 210 thi thể binh sĩ từ Nga.

Chia sẻ Facebook