Bà mẹ vùng cao đẻ 6 con ở nhà, lần đầu đi viện đã sinh ngay quý tử
Với quan niệm “sinh thì nuôi”, dù nhà đông con nhưng anh chị Nùng vẫn cố gắng cho tất cả các bé được đến trường. Tuy nhiên, thỉnh thoảng họ vẫn quên tên con vì quá nhiều.
Trong xã hội thời nay, các gia đình thường chỉ sinh 2 - 3 con để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng thật tốt. Tuy nhiên, ở một vài huyện vùng cao, một số gia đình vẫn cho rằng sinh nhiều con để phụ bố mẹ làm việc,... Vì vậy, những đứa trẻ vẫn cứ lần lượt ra đời, có gia đình 6-7 người con.
Xuất hiện trên kênh Pheng Pheng Vlog, vợ chồng anh Nùng, sinh năm 1986 đến nay đã có với nhau 7 người con. Tại bản làng xa xôi này, nhà anh Nùng là gia đình đông người nhất, với 6 bé gái và 1 bé trai út. Hiện tại, con gái cả của anh chị đang đi làm công nhân ở Bắc Ninh, 5 người con còn lại thì đang ở nhà cùng bố mẹ.
Vợ anh Nùng là chị Nùng hơn chồng 2 tuổi, vừa sinh được “quý tử” cho gia đình cách đây 2 năm. Vợ chồng anh chị dù ở vùng sâu, vùng xa lại gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng chung sống rất hòa thuận.
Chị Nùng nói, biết là đẻ nhiều cũng được cán bộ xã tuyên truyền về việc kế hoạch hóa gia đình nhưng ở huyện núi nghèo, người dân còn thiếu hiểu biết, chưa có biện pháp phòng ngừa nên vẫn “nhỡ nhàng”.
Bà mẹ 8x cũng cho hay, ở bản nơi vợ chồng chị sống, nhà nào cũng đẻ 3 đến 4 đứa con để đi hái củi, làm nương rẫy để phụ giúp gia đình. Sinh con rồi thì đứa nào cũng thương, nuôi được thì cứ nuôi thôi. Sau này khi anh chị nhiều tuổi, vẫn sẽ có các con bên cạnh chăm sóc và nuôi dưỡng bố mẹ già.
Và quả thật, dù là dân tộc thiểu số, gia cảnh lại khó khăn nhưng anh chị vẫn cố gắng cho các con được đi học. Anh Nùng tâm sự, sở dĩ anh chị luôn mong các con được “đèn sách” đầy đủ là vì chỉ có con chữ mới giúp thế hệ sau như các con anh thoát ra được cảnh nghèo đói, tiếp thu được những tri thức của xã hội hiện đại.
Ở bản, vì con đường đến trường còn gian nan, nhiều gia đình chỉ cho con học đến lớp 5. Nhưng nhà anh Nùng thì khác, 6 đứa con ai cũng chăm chỉ học hành. Thấu hiểu những vất vả và mong ước của bố mẹ, các con gái của anh đến trường đều nhận được giấy khen, nói tiếng Kinh sành sỏi. Đây là động lực giúp anh chị chăm chỉ làm nương rẫy, nuôi con khôn lớn.
Song, năm nay khí hậu khắc nghiệt, nhà anh Nùng lại ít ruộng đất nên anh chị phải ăn tạm mèn mén qua bữa, còn các con thì được ăn cơm với rau. Mỗi tuần, vì không có tiền mua thịt nên anh chị chỉ dám mua ít mỡ lợn để các con ăn đổi bữa. May thay, sức khỏe các bé vẫn ổn, lớn đều đều.
Thêm vào đó, con gái lớn đang đi làm ở dưới xuôi nên kinh tế nhà anh chị cũng có thể gọi là đỡ được phần nào. Dù cô bé chưa học lên đến cấp 3, nhưng một người biết tiếng Kinh, lại được tiếp thu kiến thức đến lớp 9 thì quả thật là điều hiếm có ở vùng hẻo lánh này.
Chia sẻ về tên của tất cả các con, anh Nùng tự hào kể, 6 đứa con gái đều là tên anh chị tự đặt với hy vọng các con có một tương lai sáng ngời hơn. Tên các con lần lượt là: Sùng Thị Ly, Sùng Thị Hoa, Sùng Thị Phương, Sùng Thị Yên, Sùng Nguyệt Linh, Sùng Thanh Xuân. Còn bé út là Sùng Thành Công, tên do bác sĩ đặt cho.
“6 đứa con gái, mình sinh ở nhà thôi. Đến lần thứ 7 mới đi bệnh viện, được bác sĩ đỡ cho. Khi con chào đời, bác sĩ đã đặt tên luôn là Thành Công với hàm ý 7 người con là thành công rồi, không nên đẻ nữa” , chị Nùng thổ lộ.
Qua câu chuyện của vợ chồng anh Nùng, có thể nói, việc sinh đông con là do quyết định của mỗi cặp vợ chồng, không ai ngăn cản và trách móc được. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng cũng nên cân nhắc, khi sinh một đứa trẻ phải đảm bảo sao cho các con được lớn lên đủ đầy, có điều kiện phát triển tốt nhất.
Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN!
Sinh con được xem như thiên chức của người phụ nữ nhưng mỗi lần sinh lại khiến sức khỏe của các bà mẹ giảm đi. Đối với nhiều cặp vợ chồng, họ thường sẽ sinh 1-2 con để tập trung nuôi nấng, chăm sóc một cách chu đáo nhất. Trước khi quyết định sinh nhiều con, các cặp vợ chồng cần ổn định cả về sức khỏe, thời gian và đặc biệt là tài chính.