Bà mẹ "KỲ QUẶC" ở Bắc Giang gom rác về dạy con, bị chê "mẹ đồng nát" nhưng thành quả sau đó khiến ai nấy ngưỡng mộ
Chị Ngân cho rằng, làm điều gì cũng cần kiên trì, mưa dầm thấm lâu nên nếu có bị phản đối cũng đừng nản, cứ đi từ từ rồi sẽ thấy kết quả.
Ngày nay, thật dễ dàng để bố mẹ có thể chọn cho con một món đồ chơi với đa dạng giá tiền, thể loại. Tuy nhiên, với chị Hoàng Ngân (Bắc Giang), nhân viên văn phòng, mẹ của em bé Anh Tuấn (Soo) thì từ lâu nay, việc mua cho con một món đồ có sẵn đã trở thành điều... xa xỉ. Không phải vấn đề chi phí, đơn giản hơn, theo chị, đó là nhờ bản thân nhận ra rằng, giáo dục con không phải cần những món đồ chơi đắt tiền, chuẩn xịn.
"Khi mẹ hiểu các giai đoạn của con, nắm được thời kì nhạy cảm của con thì nhìn xung quanh có rất nhiều món học liệu 0 đồng cũng đem lại đa mục tiêu và nó sẽ trở thành học liệu vô giá. Học liệu quan trọng nhưng cách khai thác học liệu đa mục tiêu còn quan trọng hơn. Thật ra thì mình biến rác thành học liệu vàng chứ không phải tiếc của mà gom nhặt lại đâu, tất cả đều có lý do đấy. Vậy là từ đó "mẹ đồng nát" trở thành tên gọi của mình"
Những loại "rác" được chị Ngân tích trữ dùng dần có thể là hộp bìa carton; vỏ trứng; xốp nổ gói hàng; sỏi đá; lõi giấy vệ sinh; vỏ hộp sữa chua; chai nhựa, nắp chai cho đến cành củi khô, hoa lá rụng,... Chị Ngân cho rằng, việc "tái chế" rác thành đồ chơi cho con không chỉ là chuyện tiết kiệm chi phí, giúp con vận động tinh thô, sáng tạo, học hỏi kĩ năng thực hành mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, hành trình đem rác về dạy con của chị Ngân không phải lúc nào đều "xuôi chèo mát mái".
"Ban đầu mẹ mình cũng nói là nhiều đồ thế, chật cả nhà, với có lắm thì bày nhiều đó. Nhưng sau mình và con làm học liệu và con chơi vui vẻ, hợp tác thì ông bà cũng muốn chơi cùng cháu. Còn chồng mình thì ở xa nên lần nào về cũng bảo chồng làm cho những cái khó, cần sức đàn ông tay khỏe là chồng mình ok liền. Có lần mình nói muốn ăn canh ngao thì anh ý đi mua xong vợ đi làm về đã thấy nấu luôn rồi, định hỏi chồng vỏ ngao anh bỏ đi hả thì anh ý cười nên mình hiểu ý nhìn xem đã thấy rửa sẵn phơi ra rổ cho rồi".
Một món đồ chơi - con học được trăm điều hữu ích
Với mỗi món học liệu, chị Ngân lại tạo ra các hoạt động khác nhau cho con chơi tùy thuộc vào thời kì nhạy cảm, sở thích, mục đích lồng vào mà đem lại rất nhiều mục tiêu đa dạng khác nhau như: Giúp con Sáng tạo nghệ thuật; giúp con học hình khối; giúp con học màu sắc; giúp con học Toán số và lượng; giúp con học chữ/chữ cái; sáng tạo trò chơi tư duy, xếp hình; chơi các trò kích hoạt não phải....
"Chẳng hạn với bảng gia phả của mình làm cho Soo sẽ tận dụng để có nhiều cách chơi khác nhau. Mục đích đầu tiên là con nhớ các thành viên gia đình từ cụ trở xuống là 4 đời, rồi nhà có những ai, dù những người đã đi lấy chồng/vợ thì vẫn nói để cho con biết để phát triển nhận thức của con, kết nối với các trò chơi ghi nhớ, thấu thị, học chữ,… các bé nhỏ hơn thì có thể học màu sắc,…
Hay những vỏ ngao màu sắc thì cũng có nhiều cách chơi lắm, 2 mẹ con tô màu lên cho bắt mắt. Con trẻ đang trong giai đoạn phát triển não phải thì việc có màu sắc đẹp rất kích thích não bộ của con, bé nhỏ thì được học về màu sắc, bé lớn như nhà mình thì lồng ghép số/lượng, chữ/chữ cái,… để con ghi nhớ hơn, học mà chơi – chơi mà học mà. Trẻ con được học thông qua sự sắp đặt vô tình của người lớn để đỡ bị khô khan mà vẫn đa mục tiêu".
Có những học liệu kì công mất nhiều thời gian nhưng chủ yếu chị Ngân làm khá đơn giản đề con cùng tham gia vào làm giúp mẹ. Những khoản tô màu, bóc, dán, bóp keo, cắt thì chị thường nhờ Soo làm, tuy không được trọn vẹn nhưng cứ rủ con làm chung. Tô màu có thể lem nhem nhưng cứ để con tô rồi mẹ sửa sau cho đẹp, vừa được giúp mẹ mà bé còn được vận động tinh, rèn thêm kĩ năng và biết giúp đỡ mẹ.
Với mỗi món đồ chơi tự làm, ngoài sự háo hức chờ đợi để được khám phá đồ chơi mới, con còn học được sự kiên nhẫn chứ không thể nôn nóng hấp tấp. Bản thân con cũng cùng làm nên con sẽ muốn nhìn sản phẩm khi hoàn thiện. Con có trí tưởng tượng, liên tưởng và sáng tạo tốt, từ những viên sỏi bỏ đó con liên tưởng ra hình dạng đồ vật như ô tô, quả bầu, quả trứng, bàn chân, giọt mưa,…
"Nhiều khi mẹ lười định bỏ đồ đi thì con lại bảo rửa để làm đồ chơi cho Soo, có hôm ăn hạt điều thì con bóc vỏ mẹ định đổ vỏ đi còn kêu giữ lại để Soo làm bông hoa, hay vỏ trứng cũng rửa giúp mẹ bảo để viết số cho Soo đập"
Không phải đồ chơi xịn, điều con cần là thời gian của bố mẹ
Do công việc khá bận nên 1 ngày chị Ngân cũng không dành được quá nhiều thời gian cho con. Nhưng chị luôn nỗ lực và kiên trì hoạt động đều với con mỗi ngày. Việc không có nhiều thời gian chơi với con vừa là bất lợi, vừa là động lực để nhắc chị luôn nỗ lực học tập để "nâng cấp" bản thân mỗi ngày, trở nên thông thái để dành thời gian dù ít nhưng vẫn phải chất lượng với con.
"Có mẹ nói với mình: "Mình chưa sáng tạo được như mẹ, chưa nghĩ ra được những cái như vậy" nhưng không sao các mẹ ạ, cái gì cũng cần có cả quá trình. Khi các mẹ tích góp đồ bỏ đi thì hãy biến chúng thành món đồ đa mục tiêu để có thể chơi được nhiều lần, nhiều cách mẹ sẽ tiết kiệm thời gian làm học liệu mà con cũng biết quý trọng để không làm hư hỏng.
Mình muốn gửi thông điệp đến các mẹ là nên dành thời gian đồng hành với con. Con không cần quá nhiều đồ chơi xịn, con không cần gì hết, cái con cần là thời gian của mẹ, cần chìa khóa để khai mở các tiềm năng của não phải, kích hoạt những khả năng của não phải cả về dải băng tần ngôn ngữ, Toán não phải tốc độ cao và tiếng Anh não phải nữa
Theo Hiểu Đan
Phụ nữ Việt Nam