Bà mẹ 8 con ở Từ Châu (2) – ‘Chồng’ nhận quyên góp, trở thành người nổi tiếng: Thách thức lương tri con người?

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 16:31:57

Lời toà soạn: ‘Bà mẹ 8 con ở Từ Châu’ là loạt bài kể về một thảm hoạ nhân quyền ở Đại lục, đồng thời đưa ra cách nhìn nhận giữa các bên, từ đó để người đọc hiểu rõ xã hội dưới sự thống trị của ĐCSTQ.

Loạt bài Bà mẹ 8 con ở Từ Châu

Bà mẹ 8 con bị ngược đãi không còn ra hình người , nhưng phản ứng của các bên không khỏi khiến những người còn chút lương tri phải giật mình.

Từ người ‘chồng’ nhận quyên góp, người nổi tiếng trên mạng tới huyện Phong để check in, cho đến sự vô lý của luật pháp Trung Quốc v.v. những điều này phải khiến cư dân mạng người Hoa phải thốt lên rằng: “Địa ngục trống rỗng, ma quỷ đầy thế gian”.


Cuối tháng Một, đầu tháng Hai năm nay, câu chuyện về Bà mẹ 8 con ở Từ Châu bị xích cổ nhận được sự quan tâm của nhiều người. Người phụ nữ ấy bị đối xử không còn ra hình người, nhưng người ‘chồng’ Đổng Chí Dân lại nhận được quyên góp từ cư dân mạng, theo báo cáo của tờ Net Ease đăng ngày 3/2.

Đổng Chí Dân nhận được rất nhiều quyên góp với gương mặt tràn ngập niềm vui, sau đó ngôi nhà diễn ra tội ác lại trở thành nơi phát sóng trực tiếp của những người nổi tiếng trên internet. Nhiều người nổi tiếng đến đó, kéo cả những đứa trẻ vào để cùng livestream. Để cho nhiều người thuận tiện đến, một số người còn san lấp mặt bằng con đường vào nhà.

‘Chồng’ bà mẹ 8 con được nhiều người đến livestream, con đường vào nhà được sửa sang lại. Các ảnh lấy từ bài viết trên trang Net Ease đăng ngày 3/2.


Từ đó Đổng Chí Dân trở thành người nổi tiếng. Cũng trong ngày 3/2, một người dùng Twitter có tên là Sinh Như Hạ Hoa (生如夏花) đã đăng một bài viết với nội dung chính là: Đổng Chí Dân trở thành người quảng cáo cho… hôn lễ. Đây là thách thức trắng trợn đối với lương tri con người.

Ngày 3/2, một người dùng mạng Twitter là Sinh Như Hạ Hoa (生如夏花) đã đăng một bài viết nói rằng Đổng Chí Dân làm người quảng cáo cho một hôn lễ.

Ở nơi ấy xảy ra tội ác chống lại loài người, nhưng Luật pháp Trung Quốc lại vô cùng xem nhẹ tội buôn bán phụ nữ.


Ngày 2/2, người dẫn chương trình Tân văn khán điểm – Lý Mộc Dương đã đăng một clip , trong đó có một luật sư nổi tiếng là La Tường đang giải thích luật cho sinh viên. Khi đó La Tường hỏi các em rằng: “Mọi người đừng đọc sách mà hãy nhìn tôi, tôi hỏi các em: nếu mua một phụ nữ sẽ bị kết án bao nhiêu năm?”.

Luật sư La Tường trong clip đăng ngày 2/2. Ảnh chụp màn hình Twitter của người dẫn chương trình Tân văn khán điểm – Lý Mộc Dương.

Một số chuyên gia phân tích rằng ít nhất phải bị kết án 10 năm. Bởi vì khi mua một phụ nữ, bạn là đồng phạm với kẻ buôn người, bởi vì bạn đã tiêu thụ ‘đồ ăn cắp’, đây là điểm thứ nhất.

Thứ hai, nếu mua phụ nữ làm vợ, điều đó nói lên rằng ở địa phương ấy nghèo, không tìm được vợ. Người ấy không có khả năng tìm kiếm một người vợ bằng học vấn, sự hấp dẫn cá nhân, tài sản, hay nhân phẩm v.v. Người đàn ông như vậy ở không có năng lực và ở dưới đáy xã hội, anh ta không thể kết hôn. Còn người phụ nữ không muốn kết hôn, mà anh ta lại cưỡng bức quan hệ, thì đây là tội cưỡng gian.

Thứ ba, người bị bắt cóc nhất định muốn bỏ trốn, anh ta không cho chạy, thì đây là tội giam giữ trái phép, hạn chế tự do cá nhân của người khác.

Thứ tư, ở một nơi kinh tế không tốt, rất nghèo nàn như vậy, người phụ nữ khẳng định phải làm những công việc rất khổ rất mệt, do đó đây là tội lao động cưỡng bức.

Thứ năm, người phụ nữ này thường xuyên bị đánh đập, mắng mỏ vì thân phận thấp kém, thì đây là tội ngược đãi phụ nữ. Hơn nữa bà mẹ 8 con bị ngược đãi nghiêm trọng, bị xích cổ, bị nhổ răng, bị đánh đập, bị cắt lưỡi, bị cưỡng gian tập thể v.v. thì đây là tội ác phản nhân loại.

Do đó từ lý luận thông thường thấy rằng, nếu một người mua phụ nữ phải bị kết án ít nhất 10 năm, thậm chí chung thân hoặc tử hình.

Nhưng khi Luật sư La Tường lật Điều 241 Bộ luật Hình sự, thì trong đó chỉ viết rằng: mua bán phụ nữ bị phạt tù không quá 3 năm, hoặc chỉ quản chế, giam giữ. Đây là điều khó có thể chấp nhận được.

Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó, Luật sư La Tường nói thêm: “Mọi người biết không, mua một con vẹt (động vật quý hiếm) lại bị kết án dưới 5 năm”.

Mua một phụ nữ bị kết án dưới 3 năm, mua một con vẹt bị kết án dưới 5 năm, thế mới thấy rằng: ở Trung Quốc Đại lục, con người rẻ rúng hơn con vật.

Pháp luật ‘đặt ra làm cảnh’, không có tính răn đe, đây là một trong những nguyên nhân khiến nạn buôn người tràn lan ở Trung Quốc.

Có người nói rằng nạn buôn bán người là do nơi ấy nghèo khó, hoặc là tập tục truyền thống địa phương. Nhưng có một người rất nổi tiếng trong giới truyền thông, xuất thân từ tờ Southern Weekend – Thường Bình đã nói một câu rất đáng để mọi người suy ngẫm với nội dung chính như sau:

Chính phủ Trung Quốc chỉ cần hạ một lệnh hoặc làm một cuộc vận động, thì những người làm nghề mại dâm biến mất chỉ trong một đêm; có thể khiến cha con trong xã hội Trung Quốc trở mặt với nhau.

Trung Quốc có truyền thống ‘tôn sư trọng đạo’, nhưng chỉ cần một cuộc vận động ĐCSTQ có thể khiến giá trị đạo đức này tan vỡ.

ĐCSTQ có thể lấy ‘bất hiếu có ba điều, không người nối dõi là tội lớn nhất’ trong văn hoá để làm chính sách kế hoạch hoá gia đình.

Sau đó Thường Bình mới chất vấn: “Có xã hội nghèo khó nào, hay tập tục truyền thống nào có thể cản trở ĐCSTQ đây?”. Nói cách khác, nếu nói ‘Tình trạng buôn bán phụ nữ, tấn công tình dục, tập tục lạc hậu…’ có thể cản được ĐCSTQ thì đây là điều vô nghĩa.

Cũng có người cho rằng: nạn nhân của buôn bán người không được giải cứu là vấn đề quan chức địa phương, chứ không phải do thể chế ĐCSTQ.

Nhưng Giáo sư Chương Thiên Lượng cho rằng bất cứ việc xấu nào xảy ra đều liên quan đến vấn đề thể chế ĐCSTQ. Tại sao như vậy?

Là người am hiểu các vấn đề xã hội, từng sống ở cả Đại lục và Mỹ quốc, Giáo sư Chương giải thích rằng: Quyền lực và trách nhiệm là đối ứng.

ĐCSTQ nắm giữ quyền lực vô hạn, cho nên đúng ra tổ chức này phải có trách nhiệm vô hạn. Bởi vì không có điều gì cản trở được ĐCSTQ, ngay cả cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là ‘Đại hội đại biểu nhân dân’ cũng phải nghe lời lãnh đạo. Vì quyền lực của ĐCSTQ là vô hạn, nên phải có trách nhiệm tương ứng.

Chúng ta thấy rằng khi ĐCSTQ làm cuộc vận động như là đấu tố, phá Tứ cựu (1), trấn áp Pháp Luân Công v.v. lan ra tận khắp ‘hang cùng ngõ hẻm’, nếu áp dụng lực lượng ấy để giải quyết vấn nạn buôn bán phụ nữ thì nhất định làm được.

Giống như Mạnh Tử giảng: “Như việc kẹp núi Thái Sơn (dưới nách) mà nhảy qua biển Bắc, và bảo người ta rằng: ‘Tôi không làm nổi’ thì quả thực không làm nổi. Còn như việc bẻ một cành cây cho bậc trưởng bối, và bảo người ta rằng: ‘Tôi không làm nổi’, thì chỉ là không chịu làm chứ không phải là không làm nổi”.

Vì vậy nếu ĐCSTQ lấy sức lực làm các cuộc vận động, thì làm sao mà không giải quyết được vấn nạn buôn người đây? Không giải quyết được là bởi vì tổ chức này không muốn làm mà thôi.

Có người nói rằng: chẳng phải nước Mỹ cũng có nạn buôn người hay sao? Tại sao không đổ lỗi cho chính phủ Mỹ?

Như đã nói ở trên: quyền lực đi kèm với trách nhiệm. Chính phủ Hoa Kỳ không có quyền lực vô hạn, quyền lực được giao từ trên xuống: Liên bang giao cho Tiểu bang, Tiểu bang giao cho Địa phương; do đó chính phủ liên bang tách biệt với chính quyền địa phương. Trị an địa phương do địa phương phụ trách, còn những vụ án vượt cấp Tiểu bang là do FBI điều tra; cho nên có lúc là trách nhiệm của địa phương, có lúc là trách nhiệm của liên bang, không thể quy tất cả cho chính phủ trung ương.

Thêm nữa, Hoa Kỳ là chính phủ giới hạn, họ không có khả năng quản lý tất cả huyết mạch của xã hội, nhưng ĐCSTQ thì có thể. ĐCSTQ có các chi bộ đảng cấp nhỏ nhất, mỗi ngóc ngách trong xã hội nó đều quản lý khống chế được. Do đó tội ác xảy ra ở bất cứ địa phương nào đều là trách nhiệm của ĐCSTQ.

Một tổ chức có quyền lực vô hạn, không bị kiềm chế giống như một tế bào ung thư, thực sự gây nguy hại cho người dân, nó còn bao che, dung túng vô độ cho tội ác phản nhân loại, thì độ tà ác đã lên đến cùng cực.

Có người nói người này hoặc người kia buôn bán phụ nữ, nhưng nếu nhìn vào lịch sử, các chuyên gia đánh giá, ĐCSTQ mới chính là tổ chức buôn người lớn nhất. Câu chuyện đó xảy ra vào những năm 50 của thế kỷ trước, 8000 cô gái Hồ Nam bị đưa đến Tân Cương làm vợ cho sĩ quan và binh lính quân đội giải phóng nhân dân.

Mà Tân Cương là địa khu rất đặc biệt, rộng 1,6 triệu km2 nhưng có tới 70% là sa mạc, đồng thời muốn thoát khỏi nơi ấy phải băng qua ngàn dặm sa mạc là điều không thể, cho nên những cô gái bị bắt hoặc là phải ‘phục tùng’ hoặc là bị bắn chết…

Rốt cuộc sự thể ra làm sao, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo với nội dung: ĐCSTQ là tổ chức buôn người lớn nhất.


Mạn Vũ

Chú thích:

(*) Hiện tại Đổng Chí Dân đã bị bắt, nhưng phần đó chúng tôi sẽ nói ở sau, chủ yếu ở đây là đưa cho quý độc giả trình tự diễn tiến của câu chuyện, từ đó thấy được xã hội Đại lục dưới sự cai quản của ĐCSTQ.


(**) Tham khảo Chính luận thiên hạ của Giáo sư Chương Thiên Lượng đăng ngày 4/2.

(1) Phá Tứ cựu: phá 4 cái cũ gồm: tư tưởng, văn hoá, phong tục, tập quán.

Chia sẻ Facebook