Bà Man Thiện: Người tạo nền tảng cho cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Dân gian cho rằng bà Man Thiện chính là người đã tổ chức cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán. Khi lực lượng khởi nghĩa càng ngày càng mạnh, bà mới chuyển quyền lãnh đạo khởi nghĩa cho hai con gái, nhưng vẫn tham gia bàn chuyện cơ mật với các con.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã quy tụ được tất cả các cuộc khởi nghĩa khác trong nước, đánh bại nhà Hán và lập ra nước Lĩnh Nam. Và theo dân gian thì người tạo ra nền tảng vững chắc cho cuộc khởi nghĩa này là bà Man Thiện.
“Việt Nam danh nhân tự điển” của Nguyễn Huyền Anh ghi rằng quê bà Man Thiện ở tổng Cam Giá, trấn Sơn Tây. Bà có tên thật là Trần Thị Đoan, sinh được người con trai đầu lòng nhưng không may mất sớm, sau lại sinh được hai người con gái đặt tên là Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Sau khi chồng mất, bà Man Thiện nuôi con khôn lớn, mời hai vợ chồng ông Đỗ Năng Tế về nhà dạy dỗ cho hai con. Trưng Trắc lớn lên, kết duyên cùng với Thi Sách.
Năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng hiệu triệu các cuộc khởi nghĩa khác, các bộ người Việt hưởng ứng kéo đến hợp nhất với quân của Hai Bà Trưng. Cũng năm đó Hai Bà Trưng cùng các tưỡng lĩnh của mình đánh bại quân Hán, giành lại được Giang Sơn Xã Tắc. Trưng Trắc lên ngôi Vua.
Sử gia Lê Văn Hưu nhận xét rằng: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng. Việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết tình thế đất Việt ta có thể dựng được nghiệp bá vương”.
Tuy Trưng Trắc lên ngôi Vua, nhưng bà Man Thiện không ở kinh đô cùng các con mà đến làng Nam Nguyễn (nay thuộc Cam Thượng, Ba Vì), chiêu mộ thêm binh sĩ, lập đồn trấn giữ nơi đây.
Năm 42 sau công nguyên, Mã Viện đem binh sang đánh Lĩnh Nam. Trước sức mạnh của quân Hán, bà Man Thiện rút quân về An Hát (tức Phúc Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay), chiêu mộ thêm binh sĩ phòng thủ.
Quân Hán tiến đánh kinh đô Mê Linh, quân Hai Bà Trưng phải rút về căn cứ ở Cấm Khê nhưng bị đuổi theo rất sát. Bà Man Thiện đưa toàn quân đến chặn quân Hán để Hai Bà Trưng chạy thoát về căn cứ Cấm Khê.
Quân Hán với số lượng đông hơn đã đánh bại quân của bà Man Thiện. Dân gian truyền rằng bà đã nhảy xuống nơi là dòng sông Hồng ngày nay để tự vẫn. Xác bà trôi về bến Cốc làng Nam Nguyễn, người dân nơi đây thương tiếc vớt lên rồi lập miếu thờ.
Mộ bà Man Thiện được đặt trên gò đất cao, nơi trước kia là quân doanh của bà, gọi là Mả Dạ. Miếu thờ bà cách đó không xa, gọi là Miếu Mèn.
Trần Hưng
Dấu tích chiến công của các tướng Lĩnh Nam tại Trung Quốc
Mời xem video :