Ba Lan và Bulgaria nhận khí đốt EU: 'Kỷ nguyên năng lượng hóa thạch của Nga ở châu Âu sắp kết thúc'

Chia sẻ Facebook
28/04/2022 09:57:37

Ba Lan và Bulgaria đang nhận khí đốt từ các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu (EU), sau khi hai nước này nhận thông báo về việc ngừng cấp khí đốt từ Công ty năng lượng Gazprom của Nga.

Một trạm phân phối khí đốt tại làng Gustorzyn, miền trung Ba Lan - Ảnh: REUTERS


"Chúng tôi sẽ đảm bảo quyết định của Gazprom gây ra ít tác động nhất cho người tiêu dùng châu Âu", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết.

"Hôm nay (27-4), Điện Kremlin lại thất bại lần nữa trong nỗ lực chia rẽ các nước thành viên (EU). Kỷ nguyên năng lượng hóa thạch của Nga tại châu Âu sắp kết thúc", bà von der Leyen nói thêm.

Theo Hãng tin AFP, người đứng đầu EC cũng cảnh báo các nhà nhập khẩu năng lượng rằng ngoại trừ các hợp đồng quy định thanh toán bằng đồng rúp, tất cả những nhượng bộ Điện Kremlin và thanh toán bằng đồng rúp sẽ vi phạm lệnh trừng phạt.

Bà von der Leyen thông tin thêm rằng "khoảng 97%" trong tất cả hợp đồng của EU quy định thanh toán bằng đồng euro hoặc USD.


Trong khi đó, phát biểu tại Chile, ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, cho biết động thái của Gazprom là "hành động gây hấn" và sẽ "chỉ đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng xanh của châu Âu, vốn không có sự phụ thuộc nào".

Trước đó cùng ngày, Ba Lan và Bulgaria cho biết họ nhận được thông báo từ Gazprom về quyết định ngừng chuyển khí đốt cho hai nước này sau khi công ty năng lượng Nga không nhận được thanh toán bằng đồng rúp như yêu cầu.

Theo AFP, các bộ trưởng năng lượng của các nước thành viên EU sẽ gặp nhau để thảo luận về tình hình vào ngày 2-5 tới.

Tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các nước EU thanh toán khí đốt bằng đồng rúp thay vì đồng USD, để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chiến dịch đặc biệt của Matxcơva tại Ukraine.

Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cho rằng, việc Nga cảnh báo sẽ dừng cấp khí đốt cho Bulgaria do liên quan các yêu cầu thay đổi phương thức thanh toán là vi phạm nghiêm trọng các hợp đồng hiện tại.

Chia sẻ Facebook