Ba Lan phàn nàn lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả

Chia sẻ Facebook
03/04/2022 23:37:32

Thủ tướng Ba Lan Morawiecki nói rằng các lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả như kỳ vọng khi đồng ruble đang tăng giá.

"Các lệnh trừng phạt mà chúng ta áp đặt với Nga đến nay không có tác dụng. Điều này được thể hiện qua việc tỷ giá đồng ruble đang trở lại như mức trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các hành động của chúng ta đã không tạo ra tác dụng như mong muốn của các lãnh đạo châu Âu", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói hôm 2/4.

Thủ tướng Ba Lan cho biết thêm một số lãnh đạo châu Âu đang chịu sức ép từ các doanh nghiệp thúc giục họ trở lại tình trạng bình thường. Ông Morawiecki kêu gọi châu Âu áp dụng "các biện pháp trừng phạt thực tế hơn" với Nga.

"Chúng ta phải thống nhất về các hành động kiên quyết chống lại Nga. Chúng ta phải tịch thu tài sản của họ, đó là một nguồn tiền mới. Tôi đã nhắc tới nguồn thu này trong nhiều tuần", Thủ tướng Ba Lan nói. Ông nhấn mạnh rằng châu Âu không nên chỉ đóng băng mà phải thu giữ "hàng trăm tỷ USD đang nằm trong các ngân hàng châu Âu, ngân hàng trung ương và của các nhà tài phiệt".

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tại Brussels, Bỉ, hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters.


Reuters cuối tháng trước cho biết đồng ruble của Nga đã tăng mạnh trở lại trong nhiều phiên giao dịch liên tiếp, lên mức 83 ruble đổi 1 USD hôm 31/3. Trước đó, tỷ giá đồng ruble hôm 23/2, một ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự, là 81 ruble đổi 1 USD. Tỷ giá từng giảm mạnh xuống mức 150 ruble đổi 1 USD hôm 7/3.

Mỹ và các đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt lên Nga như bỏ quy chế tối huệ quốc, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga hay loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Một số nước đã thu giữ du thuyền và các tài sản khác của những nhà tài phiệt Nga.


Moskva nhiều lần khẳng định Nga sẽ thích ứng được tình hình mới và các lệnh trừng phạt không khiến họ thay đổi lập trường. Nga đã đáp trả phương Tây bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev đầu tháng này cảnh báo Moskva có thể chỉ xuất khẩu nông sản tới các quốc gia thân thiện trong tương lai.


Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu các nước không thân thiện phải mua khí đốt Nga bằng đồng ruble. Đây là những nước áp đặt cấm vận Nga, trong đó có Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.

Với yêu cầu này, châu Âu sẽ phải mua lượng ruble trị giá hàng trăm triệu euro mỗi ngày. Với Nga, việc đó sẽ cung cấp cho họ dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble.


Ngọc Ánh (Theo NEXTA )

Chia sẻ Facebook