Ba Lan không đồng ý chia sẻ khí đốt với EU, Italy tìm thấy 'giải pháp thay thế' ở rất gần

Chia sẻ Facebook
15/08/2022 11:29:52

EU đã bắt đầu triển khai kế hoạch tự nguyện cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ từ đầu tháng 8 này, với một số ngoại lệ.


Ba Lan không đồng ý chia sẻ khí đốt với EU

Đài RT đưa tin, mới đây Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa khẳng định Ủy ban châu Âu sẽ không thể buộc nước này tuân thủ kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt mới của Liên minh châu Âu (EU), và Ba Lan cũng sẽ không chia sẻ trữ lượng khí đốt của mình với các thành viên khác trong khối liên minh.

"An ninh năng lượng là thẩm quyền riêng của mỗi quốc gia, và chúng tôi sẽ không bao giờ đồng ý trao cho EU thẩm quyền này. Không ai có thể buộc chúng tôi phải điều chỉnh lượng khí đốt hay đưa ra các biện pháp hạn chế khác. Chúng tôi cũng không muốn đưa ra quyết định liên quan đến việc hạn chế [năng lượng] ở các nước khác",


Bình luận của bà Moskwa đề cập đến kế hoạch "tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ" trên toàn khối từ tháng 8/2022-3/2023. EU kỳ vọng rằng kế hoạch này sẽ giúp các quốc gia thành viên lấp đầy các kho dự trữ trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga có nguy cơ bị cắt.

Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa

Theo RT, trong cuộc phỏng vấn mới đây, bà Moskwa lưu ý rằng kế hoạch của EU không phải là bắt buộc, do đó nó nên được coi là hướng dẫn thay vì luật, và mỗi quốc gia phải được tự chủ trong quyết định của mình.

Mặc dù kế hoạch của EU không đề cập tới việc chia sẻ trữ lượng khí đốt trong nội bộ khối, nhưng bà Moskwa vẫn kiên quyết khẳng định rằng Ba Lan sẽ không làm điều đó.

"Cơ sở hạ tầng, đường ống dẫn khí đốt và lượng khí đốt đã mua là tài sản của riêng của chúng tôi và chỉ chúng tôi mới có thể quyết định cách sử dụng nó",

"Tất nhiên, nếu có các quốc gia nào đó trong EU có khả năng và cơ sở hạ tầng phù hợp, thì chúng tôi có thể hỗ trợ họ trên cơ sở một thỏa thuận song phương. Nhưng sẽ khó có chuyện Brussels áp đặt cho chúng tôi nghĩa vụ giúp đỡ nước khác".

The Guardian cho biết hầu hết các bộ trưởng năng lượng của 27 quốc gia thành viên EU đều ủng hộ kế hoạch tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa đông.

Tuy nhiên, ngoài Ba Lan, RT dẫn nguồn đài truyền hình Tây Ban Nha La Sexta cho hay Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không hài lòng về thỏa thuận này và đã đàm phán cắt giảm 7% thay vì 15%. Ngoài Cyprus, Ireland và Malta (3 quốc gia không kết nối với mạng lưới khí đốt của EU), và các quốc gia vùng Baltic cũng được miễn trừ.

Reuters cho biết Hungary cũng phản đối kế hoạch này do phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga.


Italy tìm thấy "giải pháp thay thế" ở rất gần

RT dẫn nguồn tin Bloomberg cho biết Italy có thể chuyển đổi rác thành năng lượng xanh, thay thế cho một phần khí đốt tự nhiên nhập khẩu.

Theo đó, công ty kỹ thuật và công nghệ Maire Tecnimont SpA của Italy cho biết họ đang nghiên cứu cách thu thập carbon và hydro trong các bãi chôn lấp rác thải để tổng hợp thành các hóa chất và nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Giám đốc điều hành của công ty, ông Alessandro Bernini, cho biết hàng năm có khoảng 16 triệu tấn rác thải không thể tái chế được đổ về các bãi chôn lấp rác thải của nước này: "Chúng tôi có thể xử lý chất thải thành khí tổng hợp để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài."

"Với 10 nhà máy có khả năng xử lý 600.000 tấn rác thải mỗi năm, chỉ trong thời gian 5 năm, các nhà máy này có thể sản xuất 10% lượng khí đốt cần thiết cho hệ thống sưởi và lưới điện của Italy."

Ảnh minh họa

Giống như hầu hết các quốc gia EU khác, Italy đã gấp rút tích trữ khí đốt tự nhiên trước mùa đông sau khi Nga cắt giảm nguồn cung sang khối này. Chính phủ Italy có kế hoạch lấp đầy ít nhất 90% các cơ sở dự trữ khí đốt vào tháng 11 - phù hợp với mục tiêu của toàn EU.

Italy hiện chỉ còn nhập khoảng 25% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga (trước xung đột Ukraine là khoảng 38%). Quốc gia này đang phấn đấu thoát phụ thuộc vào khí đốt Nga hoàn toàn vào mùa đông năm 2024-2025.

Trước đó, hãng tin Bloomberg cho biết Italy đã cắt giảm mạnh lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng 6 tháng qua bằng nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung./.


Nguồn: RT, Bloomberg, news.am


Theo Hồng Anh

Tổ Quốc

Chia sẻ Facebook