Ba Lan có thể sẽ chuyển giao hệ thống phòng thủ bờ biển với tên lửa hành trình NSM cho Ukraine
Ba Lan có thể chuyển giao hệ thống phòng thủ bờ biển, sử dụng tên lửa NSM do công ty Phòng thủ & Hàng không vũ trụ Kongsberg (KDA) của Na Uy cho Ukraine.
Naval News dẫn nguồn tin từ các phương tiện truyền thông địa phương Ba Lan cho biết, Warsaw và Kyiv đang có những cuộc đàm phán liên quan đến khả năng chuyển giao các thành phần của hệ thống phòng thủ bờ biển tên lửa NSM (CDS) thuộc Đơn vị tên lửa hàng hải của Hải quân Ba Lan (MJR – Morska Jednostka Rakietowa).
Hãng truyền thông quốc phòng Ba Lan Defence24 đã công bố thông tin về việc Ba Lan sẽ chuyển giao hệ thống phòng thủ bờ biển tên lửa cho Ukraine. Hiện vẫn chưa rõ, những thành phần nào của hệ thống CDS sẽ đến Ukraine. Không chính thức, có thể là một khẩu đội với 3 bệ phóng tự hành MLV với tổng cộng 12 tên lửa NSM) hoặc lớn hơn là một trung đoàn (2 khẩu đội với 24 tên lửa NSM). Một khẩu đội trong cấu hình của quân đội Ba Lan bao gồm:
Một xe chỉ huy khẩu đội (BCV), Ba xe vận tải phóng tên lửa (MLV), Một xe thông tin liên lạc (MCC) Một xe radar di động (MRV), trang bị các radar TRS-15C Odra-C 3D. Các radar được sử dụng để giám sát không gian chiến trường và và vùng nước ven biển.
Kế hoạch chuyển giao liên quan đến lô thiết bị đầu tiên Ba Lan mua từ Na Uy vào năm 2009 (trong tình trạng hoạt động tính đến tháng 6/2013). Kinh phí cho hoạt động mua sắm của Ukraine sẽ được cung cấp từ Liên minh châu Âu, hoặc các quỹ hỗ trợ an ninh của Ucraina. Nếu kế hoạch thành công, Ukraine sẽ có hệ thống tên lửa hành trình thứ 2 của phương Tây, sau hệ thống tên lửa hành trình phóng từ trên không MBDA Storm Shadow/Scalp EG của Anh.
Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển (CDS) của Ba Lan sử dụng tên lửa Phòng thủ & Hàng không vũ trụ Kongsberg NSM (Tên lửa tấn công hải quân) Block 1. Các tên lửa sử dụng động cơ tua-bin phản lực cung cấp tốc độ cận âm cao và tầm hoạt động “hơn 200 km”. NSM di chuyển ở độ cao thấp dọc theo tuyến đường được lập trình sẵn với các điểm ngoặt đổi hướng bay.
Đến khu vực mục tiêu, tên lửa bay theo theo chỉ dẫn của hệ thống dẫn đường quán tính, hiệu chỉnh tọa độ bằng định vị vệ tinh GPS. Trong giai đoạn xác định mục tiêu và tấn công, hệ thống dẫn đường sử dụng camera hồng ngoại để xác định đối tượng tấn công. NSM có thể tiêu diệt các tàu nổi và các mục tiêu trên bộ khi xác định được tọa độ mục tiêu. Nhược điểm lớn nhất của tên lửa NSM là trọng lượng đầu đạn tương đối thấp (khoảng 120-130 kg). Nhưng tên lửa có thể tấn công các chiến hạm mặt nước với cấp độ phòng thủ yếu hiệu quả.
Theo các phương tiện truyền thông Ukraine, sử dụng NSM của Ba Lan, hải quân Ukraine có thể tấn công hiệu quả các chiến hạm của Nga trên Biển Đen. Trong giai đoạn đầu cuộc xung đột, Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển RK-360MC Neptune (được cho là đã đánh chìm tàu tuần dương tên lửa Moskva của Nga ) và các tên lửa chống hạm Harpoon do Boeing sản xuất, được chuyển giao từ Đan Mạch. Đến thời điểm này, tình trạng thực tế của các hệ thống này đều không được biết (Ukraine có thể đã hết tên lửa Neptune và tên lửa Harpoon có thể đã bị phá hủy trong kho trong các cuộc không kích của Nga).
So với 2 loại tên lửa chống hạm nói trên, NSM linh hoạt hơn và Ukraine cũng có thể sử dụng NSM để tấn công các mục tiêu cố định như các tàu neo đậu, nhà kho, kho nhiên liệu và đạn dược ở khu vực Sevastopol. Loại vũ khí này sẽ cho phép Ukraine đa dạng hóa phương án sử dụng các tên lửa hành trình của phương Tây và tiết kiệm tên lửa hành trình Storm Shadow/Scalp EG, được phóng từ máy bay ném bom Su-24 cho các mục tiêu cần đầu đạn lớn hơn.
Ba Lan là quốc gia nước ngoài đầu tiên sử dụng NSM và là quốc gia đầu tiên sử dụng hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển phương Tây. Hiện các giải pháp phòng thủ bờ biển tương tự đã được Mỹ, Romania và Latvia đặt hàng. CDS có tính cơ động cao, được chứng minh thông qua các chuyến diễn tập quân sự nước ngoài của MJR (được sử dụng thử nghiệm ở Mỹ và Na Uy và các cuộc diễn tập trận ở Estonia, Romania). Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển được di chuyển bằng nhiều phương tiện mang như máy bay An-124 Ruslan, tàu đổ bộ và độc lập cơ động di chuyển.
Nếu Ba Lan quyết định chuyển giao hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển (CDS) cho Ukraine, quốc gia này sẽ không có hệ thống tên lửa phòng thủ. Nhưng Ba Lan đã quyết định mua trung đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển thứ ba. CDC sẽ sử dụng tên lửa NSM Block 1A mới (có tầm bắn hơn 250 km và hệ thống dẫn đường được hiện đại hóa), các xe chỉ huy khẩu đội sẽ nhận được bảng điều khiển đa chức năng mới, có nguồn gốc từ bảng điều khiển tàu ngầm Type 212CD do KTA Naval Systems thuộc tập đoàn Kongsberg sản xuất và hệ thống radar hiện đại hóa sâu.
Theo Naval News