Ba Lan cảnh báo Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Nhà ngoại giao kỳ cựu được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn để giám sát các nỗ lực kiến tạo hòa bình của Bắc Kinh sẽ gặp phản ứng tương tự ở châu Âu về Ukraine.
Hòa bình ở Ukraine chỉ có thể đạt được thông qua việc Nga rút quân và trả lại “các vùng lãnh thổ bị chiếm giữ bất hợp pháp”.
Đó là thông điệp mà Warsaw gửi tới Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Lý Huy (Li Hui) hôm 19/5 khi nhà ngoại giao Trung Quốc đang dừng chân ở thủ đô Ba Lan.
Ở cả 2 thủ đô, vị Đặc phái viên Trung Quốc đã nhận được những thông điệp gần như giống hệt nhau, tập trung vào quan điểm rằng kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là cách hợp pháp duy nhất để chấm dứt cuộc chiến khốc liệt nay đã kéo dài 15 tháng.
Trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Wojciech Gerwel hôm 19/5,ông Lý cũng được cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng đối với mối quan hệ song phương giữa châu Âu và Trung Quốc” nếu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Nga – điều mà Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận.
“Chúng tôi ủng hộ kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky làm cơ sở để giải quyết xung đột”, ông Gerwel nói, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Ba Lan. “Việc Nga rút quân và trả lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm giữ trái phép là giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được để đạt được một nền hòa bình công bằng”.
Theo tuyên bố của Ba Lan, ông Lý cho biết “không có giải pháp dễ dàng nào cho cuộc chiến ở Ukraine”, đồng thời chỉ ra sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn và quay trở lại các cuộc đàm phán hòa bình. Phiên bản tiếng Trung của cuộc họp vẫn chưa có.
Ông Lý Huy – người đã có 10 năm làm Đại sứ Trung Quốc tại Nga – đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Trung Quốc đối với đề xuất hòa bình của chính họ, được công bố vào ngày kỷ niệm một năm xung đột (24/2). Các nhà phê bình ở châu Âu cho rằng đề xuất của Trung Quốc đã không phân biệt giữa kẻ gây hấn và người bị nhắm mục tiêu.
Ba Lan, một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất ở châu Âu kể từ khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia Đông Âu vào tháng 2/2022, đã gây thêm áp lực buộc phái đoàn của ông Lý phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt giao tranh.
Thứ trưởng Gerwel quan ngại về những tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ muốn tăng cường quan hệ với Nga, tuyên bố của Ba Lan cho biết. Warsaw đã yêu cầu “sự giúp đỡ cụ thể” từ Trung Quốc trong việc đảm bảo “sự vận hành an toàn của nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhzhia”.
Ông Gerwel, người từng là Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam , đã yêu cầu Trung Quốc “không bao giờ công nhận” các lãnh thổ Ukraine bị Nga sáp nhập, bao gồm cả Crimea.
Sau chặng dừng ở Ba Lan, ông Lý Huy sẽ tới Tây Âu để tham dự các cuộc họp tại Berlin, Paris và Brussels, nơi ông sẽ gặp các quan chức EU, trước khi kết thúc chuyến đi tại thủ đô Moscow của Nga.
Các quan chức cho biết, ở mỗi thủ đô Tây Âu, nhà ngoại giao Trung Quốc có thể đều gặp phải phản ứng tương tự .
Minh Đức (Theo SCMP, Reuters)