Ba Lan bị trúng tên lửa nghi của Nga, điều 4 NATO được xem xét

Chia sẻ Facebook
16/11/2022 14:10:23

Khu vực giáp giới Ukraine - Ba Lan trở thành tâm điểm chú ý sau khi bị trúng tên lửa. Mỹ, NATO cùng các đồng minh phương Tây và Nga đều nhanh chóng phản ứng.


Mỹ và các đồng minh phương Tây cho biết họ đang điều tra nhưng không thể xác nhận một báo cáo hôm 15/11 rằng một vụ nổ ở lãnh thổ Ba Lan – một thành viên NATO – là do tên lửa Nga đi lạc, trong khi Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận điều đó, hãng thông tấn Reuters đưa tin.

Hai người thiệt mạng trong một vụ nổ ở Przewodow, một ngôi làng ở miền Đông Ba Lan, cách biên giới với Ukraine khoảng 6 km, lực lượng cứu hỏa cho biết. Các báo cáo trên phương tiện truyền thông cho biết vụ việc xảy ra tại một cơ sở sấy khô ngũ cốc.

Các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết phòng thủ tập thể, vì vậy nếu vụ nổ được chứng minh là do tên lửa Nga gây ra trên lãnh thổ Ba Lan có thể có nguy cơ làm gia tăng xung đột Nga-Ukraine.

Một quan chức NATO cho biết liên minh đang xem xét báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Ba Lan.

Ba Lan đang tăng cường khả năng sẵn sàng của một số đơn vị quân đội và xác định xem có nên yêu cầu tham vấn với các đồng minh theo Điều 4 của hiệp ước NATO hay không, người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Muller cho biết. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang thảo luận vấn đề.

Ông Muller cũng đã kêu gọi công chúng và giới truyền thông “không đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng” và cho biết sẽ không trả lời thêm bất kỳ câu hỏi nào về vụ việc cho đến khi có thông báo mới, Đài RT cho biết.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, 30 thành viên của khối đang “tham khảo ý kiến” về vụ việc ở Ba Lan và rằng tất cả các sự thật cần phải được xác minh.

Một miệng hố nghi do tên lửa tạo ra hôm 15/11/2022 ở làng Przewodów, quận Hrubieszów, Ba Lan, cách biên giới Ukraine 6 km. Ảnh: The Guardian

Theo RT, các bức ảnh và video từ ngôi làng do truyền thông Ba Lan công bố cho thấy các mảnh tên lửa không có ký hiệu. Nhiều phương tiện truyền thông đã xác định chúng là mảnh vỡ của tên lửa phòng không S-300 đang phục vụ trong quân đội Ukraine, nhưng vẫn chưa có điều gì được xác nhận chính thức.

Hãng tin AP trước đó dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết vụ nổ là do tên lửa của Nga gây ra.

Đài phát thanh ZET của Ba Lan cho rằng vụ nổ là do 2 tên lửa đi lạc nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Nhưng tại Washington, Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không thể chứng thực các báo cáo truyền thông và đang làm việc với chính phủ Ba Lan để thu thập thêm thông tin.

Đức và Canada cho biết họ đang theo dõi tình hình, còn Liên minh châu Âu (EU), Hà Lan và Na Uy cho biết họ đang tìm kiếm thêm thông tin chi tiết. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra lệnh nỗ lực xác minh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho rằng các tên lửa của Nga đã tấn công Ba Lan, và đây là một “sự leo thang đáng kể” của cuộc xung đột. Nhưng nhà lãnh đạo Ukraine không cung cấp bằng chứng về cuộc tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận thông tin tên lửa Nga tấn công lãnh thổ Ba Lan, mô tả các báo cáo là “một hành động khiêu khích có chủ ý nhằm leo thang tình hình”.

Trong một tuyên bố, Bộ này cho biết, các mảnh tên lửa mà truyền thông Ba Lan đăng tải “không liên quan gì đến vũ khí của Nga”.

“Không có cuộc tấn công nào vào các mục tiêu gần biên giới quốc gia Ukraine-Ba Lan được thực hiện bởi các phương tiện hủy diệt của Nga”, tuyên bố của phía Nga cho biết thêm.

Điện Kremlin đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Bản đồ cho thấy địa điểm xảy ra vụ nổ nghi do tên lửa hôm 15/11/2022, cách rất gần biên giới Ba Lan-Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang tiếp diễn. Ảnh: The Guardian

Cảnh sát tập trung bên ngoài hiện trường xảy ra vụ việc hôm 15/11/2022. Ảnh: The Guardian

Các thành phố trên khắp Ukraine đã bị tấn công bằng tên lửa hôm 15/11. Đất nước Đông Âu gọi đây là đợt tấn công tên lửa nặng nề nhất trong gần 9 tháng giao tranh. Một số tên lửa đánh trúng Lviv, một thành phố ở miền Tây Ukraine, cách biên giới với Ba Lan 80 km (50 dặm).

Ông Fabrice Pothier, cựu trưởng phòng hoạch định chính sách tại Văn phòng Tổng Thư ký NATO, nói với Sky TV rằng còn quá sớm để nói liệu sự việc là cố ý hay vô tình.

Nhưng các sự kiện đã đủ để kích hoạt Điều 4 của NATO, theo đó Ba Lan sẽ kêu gọi một cuộc họp của NATO “để tham khảo ý kiến lẫn nhau, đánh giá mối đe dọa và đưa ra hành động cụ thể”, ông Pothier nói. Các đại sứ NATO dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp thường kỳ hàng tuần ngay trong ngày 16/11.


Điều 4 là một cơ chế được viện dẫn trong trường hợp một thành viên NATO cảm thấy bị đe dọa, đòi hỏi phải tham vấn với 29 quốc gia thành viên khác và đưa ra quyết định đồng thuận về bước tiếp theo. Nó khác với Điều 5 quy định khối phải bảo vệ một thành viên bị tấn công từ bên ngoài .


Minh Đức (Theo Reuters, RT)

Chia sẻ Facebook