Ba điều nên làm để tu dưỡng đức hạnh và rời xa tai họa

Chia sẻ Facebook
12/08/2023 14:23:29

Người có thể làm được không trách móc lỗi người, không vạch chuyện riêng của người, không nhớ tội của người thì có thể dưỡng đức.


Trương Cửu Linh, thi nhân triều Đường từng nói: “Người sở dĩ tôn quý là bởi vì có danh dự và lễ độ”, tu dưỡng là phẩm chất cao quý nhất của một người. Làm thế nào để tu dưỡng? Sách “Thái Căn Đàm” viết rằng: “ Không trách móc lỗi lầm nhỏ của người, không vạch trần chuyện riêng của người, không nhớ tội của người thì có thể dưỡng đức và rời xa tai họa .

(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh đời Minh, Public Domain)

Không ghi nhớ tội lỗi của người khác


Có câu nói rằng: “Muốn biết rõ một người, hãy xem người đó ở trước mặt người khác đánh giá sao về bạn” . Một người luôn nói xấu người khác, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm quá khứ của người khác thì không đáng kết giao. Thành ngữ cổ có câu: “Kí vãng bất cữu” , nghĩa là việc đã qua thì không nên trách. Những chuyện đã qua rồi, bất luận là đúng hay sai, nếu tùy tiện nhắc lại sẽ không có ý nghĩa gì, thậm chí còn khiến mâu thuẫn xảy ra.


Trong “Tam Quốc Chí” có ghi lại rằng vợ cả của Tào Tháo là Đinh phu nhân luôn dùng thân phận cao để chèn ép Biện phu nhân. Đinh phu nhân xem thường xuất thân thấp kém của Biện thị, đối với bà không chút khoan dung độ lượng, nhưng Biện thị ngược lại luôn nhẫn nhịn khiêm cung, không hề so đo tính toán.  Khi Đinh phu nhân bị đuổi về nhà mẹ đẻ, Biện phu nhân làm chính thê, mặc dù được Tào Tháo thương yêu sủng ái nhưng bà vẫn an phận thủ thường, không vì được đắc sủng mà kiêu ngạo. Bà cũng không mảy may có ý định làm khó dễ, trả thù Đinh phu nhân. Trái lại, bà còn luôn đối xử tốt với Đinh phu nhân, khiến cho Đinh phu nhân cảm động. Điều hiếm thấy nữa là sau khi Đinh phu nhân qua đời, Biện phu nhân còn thỉnh cầu Tào Tháo tổ chức tang lễ lớn cho bà.

Giữ thù hận trong lòng hay trả thù cho hả giận chỉ là nút thắt trong bản chất của con người. Người sáng suốt sẽ dùng tấm lòng khoáng đạt rộng lượng để hóa giải oán hận, tu dưỡng đức hạnh. Làm được điều này không chỉ khiến nội tâm tự do tự tại mà còn khiến mọi người yêu quý, kính phục.

Không vạch trần chuyện riêng của người

Làm người, điều quan trọng là phải quản tốt được cái miệng của mình, không được tùy tùy tiện tiện, chuyện gì cũng nói ra, đặc biệt là những việc riêng tư của người khác.

Vào thời Bắc Tống, Phú Bật trẻ tuổi lại đầy triển vọng đã được Phạm Trọng Yêm tiến cử, sau này được thăng lên làm Tể tướng. Nhưng Phú Bật và Vương An Thạch có ý kiến bất đồng về chủ trương cải cách triều chính, giữa hai người thường xảy ra tranh chấp. Thế là Phú Bật từ chức Tể tướng, trở về cố hương ở ẩn.


Mặc dù vậy, Phú Bật chưa từng ở trước mặt người khác nói nửa lời không phải về Vương An Thạch, luôn giữ sự công chính. Ông càng không tùy tiện thể hiện ra vẻ vui mừng hay tức giận của mình. Đây chính là câu chuyện thành ngữ “Thủ khẩu như bình” (cẩn thận khi ăn nói).


Cổ ngữ nói: “Cát nhân quả ngôn ngữ, táo nhân chi từ đa” , người có đức độ thì không nói nhiều, người giảo hoạt mới dùng nhiều lời để nói. Có thể thủ giữ được chuyện riêng mà người khác tin cậy giao phó cho mình thì đó là người thành tín và coi trọng đạo đức.


Cảnh giới tốt nhất trong đời người chính là giống như nước chảy sâu mà không phát ra tiếng, trong lòng có rất nhiều điều nhưng lại không tùy tiện nói ra. Làm tốt việc của bản thân mình, quản tốt cái miệng của mình, “thủ khẩu như bình” , là một trong những tu dưỡng đức hạnh khó nhất của đời người.

Không trách móc lỗi lầm nhỏ của người

Trong cuộc sống, mỗi người đều có thể phạm sai lầm, mà có đôi khi lỗi lầm của người khác còn có thể tạo thành thương tổn cho chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tính toán chi ly thì sẽ chỉ khiến mâu thuẫn đôi bên trở nên gay gắt. Và rất có thể điều đó còn khiến cho thương tổn mà chúng ta phải chịu sẽ lớn hơn rất nhiều.


Làm người, lòng dạ phải khoáng đạt rộng rãi, nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Khi người khác nói lời mạo muội xúc phạm đến mình hay có hành vi sai trái, hãy đừng quá mức để ý trong lòng. Làm được như vậy, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng “lùi một bước biển rộng trời cao” , con đường đời sẽ càng đi càng rộng mở.


Lữ Mông Chính, tể tướng thời nhà Tống là người cởi mở rộng rãi, không thích ghi nhớ lỗi lầm của người khác. Lúc Lữ Mông Chính mới nhậm chức Tham tri chính sự, m ột lần ông vào triều tham gia bàn bạc việc triều chính, có một quan viên ở trên triều đã rất xem thường ông, thậm chí còn chỉ vào mặt ông, nói: “Tên tiểu tử này cũng tham gia chính sự sao?” Dù nghe thấy nhưng Lữ Mông Chính vẫn giả vờ như không nghe thấy gì mà bước qua.


Những người bên cạnh định nói danh tính của người kia, nhưng Lữ Mông Chính đã ngăn lại nói: “Biết để làm gì đâu! Một khi đã biết danh tính của người này thì sẽ không dễ dàng quên đi được, không biết chẳng phải là tốt hơn sao?” Mọi người nghe xong ai cũng bội phục tấm lòng độ lượng và thái độ bình thản của ông.


Cổ ngữ nói: “Nước quá trong thì không có cá, người quá xét nét thì không có người đồng hành” . Người sáng suốt, rộng lượng sẽ tìm chỗ có thể khoan dung mà khoan dung cho người. Họ sẽ không bám lấy thiếu sót của người khác mà không buông tha. Đây không chỉ là trí tuệ đối nhân xử thế mà còn là tu dưỡng.


Một người không ghi nhớ lỗi lầm của người khác, chỉ nhớ điểm tốt của người khác, biết khoan dung và tha thứ cho người khác thì nhất định sẽ được mọi người yêu quý và tôn trọng. Họ c ũng sẽ đổi được những năm tháng sống bình yên thanh tĩnh cho chính mình.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Giữ được vẻ mặt ôn hòa là giáo dưỡng cao thượng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook