Bà con mất việc lũ lượt về quê trong đêm, ai cũng thở dài trầm tư

Chia sẻ Facebook
16/11/2022 15:08:10

Cảnh tượng công nhân Bình Dương mất việc kéo nhau ra đón xe về quê khiến nhiều người ngỡ ngàng, bởi thông thường chỉ dịp cận Tết mới đông người hồi hương đến thế.

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Tết nhưng rất nhiều công nhân ở Bình Dương vẫn bị mất việc khiến cuộc sống lao đao. Giữa bế tắc không biết làm thế nào, đa phần họ đều chọn cách rời khu công nghiệp, về quê kiếm kế sinh nhai.

Báo Vietnamnet đăng tải, Bình Dương vốn là một trong những địa phương có khu công nghiệp lớn với số lượng công nhân đông đúc. Thế nhưng những ngày gần đây khung cảnh ảm đạm diễn ra ở nhiều công ty, nhà máy, còn ở trên các tuyến quốc lộ, bến xe, lượng người đổ về bắt xe đi các tỉnh lại khá đông. Đó đa phần đều là công nhân bị cắt giảm việc làm.

Lượng công nhân ở Bình Dương là cực lớn. (Ảnh: Lao Động)

Đa phần công nhân đều phải thuê trọ để ở. (Ảnh: Lao Động)

Anh T.V.H., sinh năm 1993, quê Đắk Lắk hòa trong dòng người chờ xe trên quốc lộ 13, đoạn qua TP. Thủ Dầu Một tâm sự, sau 4 năm qua anh làm việc cho một công ty may mặc, anh đã bị tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. Lý do là bởi công ty không có đơn hàng, gặp khó khăn về tài chính.

Tuyến quốc lộ ở Bình Dương có rất đông người bắt xe về "ăn Tết sớm" dù trời đã khuya. (Ảnh: Vietnamnet)

Anh H. kể, trước đây, anh có thu nhập khá ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng. Thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, công ty bị ảnh hưởng ít nhiều, đơn hàng giảm đi nên buộc phải làm giảm giờ làm của công nhân. Dù vậy, mức lương vẫn đủ để anh duy trì cuộc sống. Tuy nhiên lần này thì khác, không thể cầm cự thêm nên anh đành về quê, coi như nghỉ Tết sớm.

Chung hoàn cảnh giống như anh H., nhiều người cũng chọn về nhà. Họ nối đuôi nhau đứng bắt xe ở các tuyến đường dù trời đã khuya. Cảnh tượng này khiến một người dân trú tại quốc lộ 13 tỏ ra bất ngờ. Theo bà, chỉ có dịp cận Tết thì tuyến quốc lộ này mới đông người đón xe như vậy, và không khí cũng có phần vui vẻ, phấn khởi chứ không im ắng, mang nét trầm tư như hiện nay.

Nhiều công nhân cố gắng đi tìm cơ hội việc làm mới. (Ảnh: Vietnamnet/Người Lao Động)

Bên cạnh những người chọn về quê thì cũng có những gia đình công nhân cố gắng bám trụ, chờ đợi cơ hội mới. Chẳng hạn như vợ chồng anh T.V.S. và chị P.T.P. (cùng 46 tuổi, quê Sóc Trăng).

Có nhiều người chọn ở lại thành phố, đi kiếm việc làm khác. (Ảnh: Lao Động)

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, chị P. cho biết anh chị phải gửi 2 con ở nhà cho ông bà chăm để lên Bình Dương làm việc. Hơn 10 năm gắn bó với công ty, thu nhập của anh chị đủ chi tiêu trên thành phố và gửi về quê nuôi con ăn học, chăm cha mẹ già.

Vợ chồng chị P. trong căn phòng trọ nhỏ. (Ảnh: Thanh Niên)

Thế nhưng mới đây cả 2 anh chị đều mất việc, họ thẫn thờ không biết sẽ phải làm gì những ngày sắp tới. Chị P. nghẹn ngào cho biết, những ngày qua, đi đâu chị cũng hỏi thăm xem có chỗ nào tuyển công nhân không, nhưng khổ nỗi, hai vợ chồng đều không còn trẻ, lại không có xe máy nên càng bế tắc.

Nhắc đến chuyện về quê, anh S. thở dài cho hay nội ngoại hai bên đều không có đất để dựng nhà, kinh tế cũng khó khăn nên anh chẳng dám về.

Dãy trọ nhà cấp 4, nơi vợ chồng chị P. thuê ở. (Ảnh: Thanh Niên)


“Ở đây tôi hỏi mấy nơi ai cũng nói cận Tết rồi, không tuyển. Mà giờ về quê thì làm gì, đâu có đất đai gì đâu. Tưởng đâu xin được ở công ty này là ổn định cuộc sống rồi, không dư dả gì nhưng đủ ăn và lo được cho con đi học. Sắp tới không có tiền là nhà trọ cũng không có mà ở, chứ nói gì chuyện ăn uống”, chị P. nghẹn ngào.

Người phụ nữ U50 rơi nước mắt khi nghĩ về tương lai. (Ảnh: Thanh Niên)

Cuộc sống công nhân là vậy, bấp bênh và chẳng thể biết trước tương lai. Chỉ mong, bà con sẽ sớm tìm được việc làm mới để sớm ổn định cuộc sống.


Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !

Người công nhân vốn đối mặt với nhiều vất vả nhưng thu nhập lại không phải quá dư dả, chỉ đủ duy trì cuộc sống. Hơn nữa, đa phần những người làm công nhân đều phải mang trên vai nhiều gánh nặng, lo cho gia đình, người thân ở quê. Họ phải là những người vô cùng mạnh mẽ, dũng cảm mới có thể vượt qua nỗi nhớ nhung và mệt nhọc ấy để làm việc nơi xứ người.

Một cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, hy vọng mọi người sẽ giữ tinh thần để tìm cơ hội mới.


Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook