Bà con dân tộc thiểu số điêu đứng vì giao 'sổ đỏ' cho người mua tự tách thửa

Chia sẻ Facebook
11/04/2022 00:34:38

Sau khi nhận được một phần tiền đặt cọc bán đất nông nghiệp, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tin tưởng giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người mua để làm thủ tục tách thửa, sang tên. Tuy nhiên, sau khi cầm giấy tờ đất đai, người mua lặn mất tăm hoặc tự tách toàn bộ đất thổ cư của bà con vào sổ của mình.


Vì cần tiền chữa bệnh, gia đình chị H’Loet Kễn (buôn Sút H’luốt, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) quyết định bán bớt 1 sào đất (1000m 2 ) cho một người ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với số tiền 640 triệu đồng vào năm 2019. Sau 3 lần trả tiền, người mua còn nợ 100 triệu đồng cho đến nay vẫn chưa trả đủ. Đáng nói, người này còn cầm GCNQSDĐ của gia đình chị H’Loet để làm thủ tục tách thửa nhưng đến giờ vẫn không giao lại giấy tờ.

“Từ khi bán đất đến nay đã 3 năm nhưng nhà tôi chưa nhận đủ tiền và nhận lại giấy tờ đất. Tôi đã nhiều lần gọi điện thoại cho người mua nhưng không ai nghe máy. Tôi cũng muốn đi tìm họ nhưng không biết nơi ở cụ thể. Gia đình đã liên hệ với chính quyền để nhờ tư vấn, hướng dẫn”, chị H’Loet nói.

Gia đình chị H'Loet Kễn bán đất hơn 3 năm vẫn chưa nhận đủ tiền

Cách nhà chị H’Loet không xa, gia đình anh Y Đạt Êban cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi bán đất cho một người tên H. (ở TP. Buôn Ma Thuột).

Anh Y Đạt cho biết, năm 2020, bố mẹ anh bán cho ông H. 1 sào đất với giá 600 triệu đồng. Sau 2 lần trả tiền, ông H. còn nợ lại 200 triệu đồng và hiện cầm giữ GCNQSDĐ mà gia đình đã đưa cho ông để làm thủ tục tách thửa, sang tên. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay ông H. không quay lại trả tiền và giấy tờ đất.

Hiện, bố mẹ anh Y Đạt đã mất, để lại 3 người con. Anh Y Đạt cũng nhiều lần gọi điện thoại cho ông H. nhưng người này không nhấc máy hoặc từ chối trả lời khi bị đòi nợ.

Trước mặt PV, anh Y Đạt lấy số máy khác gọi điện cho ông H. Lúc đầu, người này nhận mình chính là H., nhưng sau khi bị đòi tiền và giấy tờ đất, người đàn ông này trả lời không phải tên H. rồi tắt máy.

Anh Y Đạt bên thửa đất đã bán cho ông H. cách đây 3 năm nhưng chưa nhận đủ tiền

Bà H’Đàn Niê (Trưởng buôn Sút H’luốt) cho biết, “sốt đất” xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương. Hầu hết những người đến mua đất của bà con không phải người địa phương. Đặc biệt, việc giao dịch đất đai giữa người dân trong buôn với người mua đã phát sinh nhiều vấn đề như: người mua đất giữ GCNQSDĐ của người dân đã nhiều năm nhưng không trả, không liên lạc được; người dân bán đất nông nghiệp, nhưng khi được giao GCNQSDĐ để làm thủ tục thì người mua lại "tách" đất thổ cư của dân vào sổ của mình.

Bảng bán đất được treo khắp đường vào xã Cư Suê


“Vừa rồi có trường hợp người mua tự ý san hết 400m 2 đất thổ cư khiến người bán bức xúc dẫn đến xô xát. Chúng tôi phải đứng ra giải quyết, bên mua hứa sẽ trả thêm tiền để mua lại phần đất thổ cư nhưng đó mới chỉ là hứa. Việc giải quyết tranh chấp này rất khó do khi bán, người dân thiếu hiểu biết, giao hết giấy tờ cho người mua đi sang nhượng mà có hợp đồng pháp lý ràng buộc” - Bà H’Đàn Niê nói.


Cán bộ thôn cũng "chỉ trỏ"

Ông Đặng Văn Hoan- Chủ tịch UBND xã Cư Suê (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết, qua nắm bắt thông tin từ cơ sở, ông có biết trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số bán đất nhưng chưa nhận đủ tiền và giấy tờ đất đai khi giao cho người mua. Tuy nhiên, vấn đề địa phương gặp khó là hầu như người dân không làm thủ tục giao dịch đất đai tại xã mà ra các văn phòng công chứng tư nhân.

Vẫn theo ông Hoan, khi làm thủ tục thủ tục mua bán, sang nhượng đất đai, nhất với đồng bào dân tộc thiểu, chính quyền địa phương còn yêu cầu có trưởng buôn xác nhận và giải thích rõ các điều khoản trong hợp đồng cho bà con hiểu để tránh rủi ro. "Dẫu vậy, một bộ phận người dân không hiểu cho rằng chúng tôi gây khó dễ”, ông Hoan chia sẻ.

Ông Đặng Văn Hoan- Chủ tịch UBND xã Cư Suê

Ông Hoan cũng thừa nhận có một bộ phận cán bộ cơ sở như trưởng buôn, ban tự quản thôn, buôn làm trung gian , giới thiệu những hộ dân có nhu cầu bán đất cho “cò đất”.

Việc này, ông Hoan cho biết đã nhắc nhở, quán triệt nhiều lần trong các cuộc họp, yêu cầu cán bộ không được tham gia môi giới bất động sản.


Huỳnh Thủy-Bảo Lâm

Tiền Phong

Chia sẻ Facebook