Ba chương trình giúp cắt giảm CO2 trong chuỗi giá trị của Unilever

Chia sẻ Facebook
30/05/2022 23:16:57

Tiếp nối thành công của hội nghị “Chuỗi giá trị không phát thải khí nhà kính”, Unilever Việt Nam chia sẻ về các chương trình cụ thể nhằm triển khai các giải pháp cắt giảm khí nhà kính trong toàn chuỗi giá trị.


Hợp tác vì môi trường tương lai

Phần lớn lượng khí thải carbon của Unilever xuất phát trong toàn bộ chuỗi giá trị: từ nguyên liệu thô đầu vào, vận chuyển nguyên liệu, đến các hoạt động sản xuất của nhà máy, sau đó là quá trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, Unilever Việt Nam không thể thực hiện mục tiêu toàn bộ chuỗi giá trị đạt lượng phát thải bằng "0" một mình, mà cần đến sự hợp tác, chung tay của tất cả các đối tác, nhà cung cấp trong toàn chuỗi giá trị để cùng phát triển và thực hiện các giải pháp cắt giảm khí nhà kính.

"Hơn 75% ‘dấu chân’ carbon trong chuỗi cung ứng của Unilever Việt Nam đến từ nguyên vật liệu đầu vào và các hoạt động bên ngoài hàng rào của doanh nghiệp. Vì vậy, để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng ‘0’, không còn cách nào khác là chúng ta phải hành động cùng nhau. Thực tế cho thấy, có những giải pháp mà từng đơn vị, doanh nghiệp thực hiện sẽ không khả thi trừ phi chúng ta hợp tác cùng triển khai. Và đây cũng chính là thông điệp mà chúng tôi mong muốn gửi gắm để có sự đồng thuận tham gia của tất cả các đơn vị đối tác, các đơn vị cung cấp giải pháp của Unilever Việt Nam", ông Phạm Mạnh Trí – Phó Chủ tịch phụ trách Chuỗi Cung ứng, Unilever Việt Nam chia sẻ tại hội nghị "Chuỗi giá trị không phát thải khí nhà kính" do Unilever tổ chức vào ngày 25/5 vừa qua.

Tính đến thời điểm hiện tại, Unilever đã đạt một số kết quả tích cực bước đầu trong quá trình hợp tác giảm phát thải cùng các đối tác trong chuỗi giá trị.

Đơn vị đã giảm 100% phát thải CO2 và giảm 100% rác thải là bìa carton cho hoạt động vận chuyển bao bì từ nhà cung cấp bao bì công ty Dynaplast.

Tiếp đến, Unilever Việt Nam đã chuyển đổi sang sử dụng 100% xe nâng điện, góp phần giảm 1.999 tấn CO2 phát thải tại các trung tâm phân phối vào cuối năm 2021 so với năm 2020.

Xe nâng điện được ứng dụng hiệu quả trong quá trình vận hành và sắp xếp sản phẩm tại nhà máy của Unilever.

Đồng thời, doanh nghiệp đã triển khai và hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc quản lý rác thải nhựa, pallet hỏng, thùng carton...; biến rác thải trở thành nguồn năng lượng và phân bón lành mạnh, trở lại phục vụ cho hoạt động sản xuất.

Đây là nền tảng giúp Unilever Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác cùng các đối tác, nhà cung cấp trong chuỗi giá trị. Tại hội nghị, Unilever Việt Nam đã bước đầu thực hiện ký kết chương trình hành động cụ thể cùng các đối tác Crown, Dynaplast, Green Yellow, Linfox, Lix và VinFast, cùng với sự đồng hành và cam kết của gần 100 đối tác khác nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hướng bền vững, hướng đến đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" đến năm 2039.

Unilever cùng hơn 100 đối tác tham gia tại hội nghị.


Tiên phong hành động và kết nối

Sau hội nghị, Unilever Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong và đồng hành cùng các đối tác để cùng phát triển và thực hiện các giải pháp cắt giảm khí nhà kính với những chương trình cụ thể.

Đầu tiên, Unilever Việt Nam sẽ giúp kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc chia sẻ và nhân rộng các giải pháp quản lý, kỹ thuật, tài chính đã và đang được thực hiện thành công tại Unilever và một số đối tác.

Bên cạnh đó, Unilever Việt Nam sẽ phối hợp cùng các đối tác trong chuỗi giá trị nghiên cứu cơ chế tiếp cận nguồn năng lượng xanh, cụ thể là năng lượng mặt trời và năng lượng gió với sự ủng hộ, định hướng từ Chính phủ.

Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững, Bộ Công Thương tham gia hội nghị với những chia sẻ liên quan đến môi trường.

Đồng thời, Unilever Việt Nam sẽ trở thành cầu nối để các đối tác có thể tìm thấy cơ hội trở thành các mắt xích trong chuỗi giá trị của nhau, cùng nhau tạo lập nền kinh tế tuần hoàn giữa các doanh nghiệp, vừa bảo vệ môi trường và vừa mang lại hiệu quả kinh tế.

"Chúng tôi mong muốn sẽ có được sự hỗ trợ và đồng hành từ Chính phủ và các cơ quan bộ ngành thông qua các chiến lược và khuôn khổ chính sách về giảm carbon để Unilever Việt Nam và các doanh nghiệp cùng chí hướng có thể tự tin tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào một tương lai ‘không phát thải carbon’. Đồng thời, sự đồng hành của Chính phủ cũng sẽ tạo thêm động lực để nâng cao nhận thức của cộng đồng, truyền cảm hứng và kêu gọi hành động của người tiêu dùng, từ đó tạo ra tác động và thay đổi tích cực trong toàn xã hội", bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam nhấn mạnh tại hội nghị.

Riêng phạm vi thuộc chuỗi vận hành của doanh nghiệp, Unilever Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu không phát thải ròng carbon từ năm 2021 - trước thời hạn cam kết của tập đoàn 9 năm.

Chia sẻ Facebook