Ba chìa khóa giải quyết "cuộc chiến" nuôi cháu
Ba từ cần cho mối quan hệ ông bà – cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con cháu là nhất quán, ấm áp và tôn trọng nhau.
Gia đình – một kết cấu bền chặt – hoàn toàn có thể xuất hiện thêm xung đột khi một thành viên mới chào đời. Ông bà chiều cháu, cho đi ăn rong, xem tivi, chơi điện thoại…, còn bố mẹ lại có quan điểm trái ngược. Nhiều quan điểm không giống nhau trong việc nuôi dạy con cháu giữa ông bà và bố mẹ. Theo thời gian, những khác biệt này có thể trở thành mâu thuẫn không dễ giải quyết trong mỗi gia đình, thậm chí trở thành một cuộc chiến.
Chuyện mẹ chồng – nàng dâu xưa nay rất nhiều. Thế nhưng, mâu thuẫn giữa hai thế hệ trong việc chăm con trẻ dường như bộc lộ hơn. Bởi mỗi đứa trẻ trong gia đình đều là điều quý giá, ai cũng muốn chăm lo, dạy dỗ. Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý cho rằng việc ông bà, cha mẹ giành quyền kiểm soát trong việc nuôi dạy trẻ một phần xuất phát từ mong muốn thể hiện vai trò, sức ảnh hưởng của mình trong gia đình.
"Mục tiêu chung là để những đứa cháu phát triển lành mạnh, vì vậy cả ông bà và bố mẹ đừng để cái tôi cá nhân lấn át, gây ra mâu thuẫn. Nhiều vụ việc xảy ra từ mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, dẫn đến không mang con về với ông bà, thậm chí mâu thuẫn với cả chồng. Ba từ cần cho mối quan hệ ông bà – cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con cháu là nhất quán, ấm áp và tôn trọng nhau trong cách thức hành xử với nhau và cách thức hành xử trước mặt trẻ ", PGS.TS Trần Thành Nam – Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Khi không tìm được tiếng nói chung, một số ông bố, bà mẹ phớt lờ ý kiến của ông bà, tự chăm con. Nhưng ngược lại, có nhiều người phó thác việc chăm con cho ông bà, để ông bà tự quyết định. Ông bà người Việt trẻ nuôi con, già nuôi cháu. Gần như không có thời gian để sống cuộc đời của mình, họ sống bằng chính cuộc đời của con cháu. Sự quan tâm, chăm sóc của ông bà dành cho con cháu là điều trân quý.
Trong xã hội hiện nay, các ông bố, bà mẹ có thể chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu thêm về các kiến thức khoa học, để có phương pháp phù hợp chăm sóc, nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, kinh nghiệm của ông bà cũng rất đáng quý nếu được phát huy đúng lúc. Điều quan trọng là mỗi thành viên trong gia đình đều mong muốn những điều tốt nhất cho con trẻ. Mâu thuẫn chỉ là do các thành viên trong gia đình chưa hiểu vai trò thực sự của mỗi người ở đâu.
Xá hội hiện đại, diện mạo đời sống nhiều đổi thay, gia đình cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Giữa những thế hệ với nhau sẽ có quan điểm và tư duy mới nên việc hòa hợp cần thời gian và nỗ lực. Tuy nhiên, nếu biết đặt bản thân vào vị trí của nhau, cố gắng thấu hiểu và yêu thương nhiều hơn thì mọi chuyện sẽ trở lên tốt đẹp.
Theo một nghiên cứu mới, việc nuôi dạy con quá nghiêm khắc hoặc khắc nghiệt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm của trẻ sau này.