Ba bước nhìn người, thấu hiểu người khác

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 04:50:42

Nhận định một người không dễ, nhưng sách Luận Ngữ lại đề xuất ba bước nhìn thấu một người như sau: “Nhìn việc họ làm, xem nguyên nhân họ...


Có câu: “Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương, biết người biết mặt chẳng biết lòng”. Nhận định một người không dễ, sách Luận Ngữ lại đề xuất ba bước nhìn thấu một người như sau: “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an. Nhân yên sưu tai? Nhân yên sưu tai?” nghĩa là “Nhìn việc họ làm, xem nguyên nhân họ làm, xét việc khiến họ an vui, thì sẽ biết họ là người như thế nào. Là người như thế nào làm sao mà giấu được? Làm sao mà giấu được?”

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Thị kỳ sở dĩ – Nhìn việc người làm

Đối với một người, trước tiên là xem họ làm những gì, điều thể hiện ra trên bề mặt là việc thiện hay việc ác. Tức là nhìn người thì đầu tiên không nên xét đoán động cơ của họ, mà cần xem xét kết quả luân lý của bản thân hành động đó.


Cổ ngữ có câu: “Thủ nhân chi thiện, đương cứ kỳ tích, bất tất thâm cứu kỳ tâm” , ý rằng xem việc thiện của người, thì dựa vào dấu tích kết quả, chứ không cần xét kỹ tới tâm. Nguyên nhân của việc này nằm ở chỗ tâm tình của con người thường là bất ổn, thậm chí thiện ác khó phân. Hơn nữa mang tâm tốt mà kết quả hóa ra lại xấu, sẽ dễ khiến người ta đồng cảm tha thứ, nhưng kỳ thực điều này cũng không phù hợp với nguyên tắc đạo đức ngay chính nhất.

Bởi vậy nhìn người thì việc đầu tiên là xem xét kết quả bề mặt trong các hành vi của họ.

Quan kỳ sở do – Xem nguyên nhân người làm

Hành vi thiện có thể xuất phát từ sự ngụy trang, hành vi ác có thể xuất phát từ những sai sót. Đây chính là bước vào tầng thứ hai, quan sát động cơ của những hành vi ấy. Con người khi làm một việc nào đó thì đều có nguyên nhân, mà phần lớn là nguyên nhân xuất phát từ bản thân người ấy. Có vì lợi, có vì danh, có vì tình, có vì truy cầu được công nhận, có vì muốn thể hiện bản thân mình… rất hiếm khi là vô tư vô ngã. Đây là nguyên nhân thứ nhất cần xem xét.


“Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” , người quân tử cũng yêu thích lợi ích, nhưng phải dùng đạo lý mà đạt được. Xuất phát điểm là từ cá nhân, tuy nhiên bởi vì đạo nghĩa mà hành vi là khác biệt. Vì thế cần xem trong quá trình làm việc, người ta có vì đạo nghĩa mà lựa chọn hành vi của mình. Đây là nguyên nhân thứ hai cần xem xét.

Đối với việc có kết quả không như ý, nhưng có động cơ thiện hoặc do sai sót mà thành, thì rõ ràng cần chịu trách nhiệm. Sai sót của người quân tử như mặt trăng, mặt trời bị khuyết, ai nấy đều nhìn thấy. Con người chẳng thể không phạm sai lầm, điều quan trọng là sau khi phạm sai lầm có thể kịp thời quy chính.

Trong khi làm việc thiện thì lại có mấy loại nguyên nhân, thực tâm hành thiện, giả vờ hành thiện hay nhẫn chịu mà hành thiện. Nếu là chân thiện thì không cần bàn luận. Nếu là ngụy thiện ắt trong lòng có ý đồ khác, bản thân việc ngụy trang đã hạ thấp giá trị của mình. Hành thiện mà so đo tính toán thì không có giá trị đạo đức trong đó. Còn về nhẫn chịu mà hành thiện thì nên đối đãi thế nào? Điều này được giải thích ở bước thứ ba.

Sát kỳ sơ an – Xét việc khiến người an vui


Quan sát xem họ thấy an vui vì đâu là bước cuối cùng để hiểu được tâm thái một người. Đây là lời giải đáp cho việc “nhẫn chịu mà hành thiện” , tức là cũng làm việc thiện, động cơ cũng thuần chính, nhưng bản thân lại không vui vẻ khi làm việc này.

Có thể lấy ví dụ, khi quyên góp ủng hộ thiên tai, mọi người đều quyên góp, thì mình cũng quyên góp, nhưng là thuận theo thời thế, trong tâm không hề cảm thấy vui vẻ hay phản cảm khi làm vậy. Tâm từ thiện này không nhất quán, người làm không “an” với việc đó.


“Sát kỳ sở an” tức là cần phân định rõ ràng xem tâm một người ruốt cuộc đặt ở nơi nào. Quan sát xem một người cảm thấy tâm an hay không, thực tế là nhìn xem điều gì chứa đựng trong tâm khiến họ cảm thấy vui vẻ. Có người hàng ngày đi làm đều nỗ lực hết mình, tràn đầy tráng khí, vì hy vọng tương lai bản thân sẽ có thành tựu. Cũng có người lại thích cuộc sống tĩnh lặng, truy cầu sự thư nhàn, tự tại. Vậy nên mỗi người sẽ truy cầu những cuộc sống khác nhau. Trong mỗi hành vi cũng là như thế.


Có câu “Vật họp theo loài, người phân theo nhóm” , những người khác nhau rất khó có thể chung sống bền lâu. Vậy nên quan sát một người, thông thường chúng ta có thể thông qua những người bạn mà họ thích chơi, để biết được tâm họ ký thác ở nơi nào. Dùng cách này để nhận định một người, độ tin cậy cũng cao hơn rất nhiều.


Vậy nên có thể từ hành vi, động cơ và niềm vui mà lần lượt quan sát một người, ắt có thể thấu hiểu người ấy. Mọi người trên thế gian đều truy cầu một chữ “An” . An ở nơi đâu sẽ quyết định bạn trở thành người như thế nào.


Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Đạo kinh doanh của cổ nhân: Tài sinh từ đạo, lợi nhận từ nghĩa


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook