Bà bầu mất ngủ có thể dùng nhuỵ nghệ tây?
Nghiên cứu chỉ ra rằng các thành phần trong nhuỵ nghệ tây có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi và gây ra một số dị tật phôi thai…
Mới có bầu 4 tuần, Lan Hương (22 tuổi, Thanh Xuân) không chỉ nghén mà còn mất ngủ. Việc không thể ăn nổi gì vì nghén cộng với tình trạng mất ngủ khiến bà mẹ trẻ luôn trong tình trạng mệt mỏi.
Nghe bạn bè mách uống saffron (nhuỵ nghệ tây) vừa làm đẹp lại tốt cho giấc ngủ, Lan Hương cũng mua về dùng. Tuy nhiên, khi đi khám thai, cô bị bác sĩ “mắng cho tơi tả” vì… ngang uống thuốc phá thai.
Tương tự, chị Ngọc Anh (28 tuổi, đang sinh sống tại TP HCM) có thai 8 tuần, cũng tìm gặp Ths. BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện phụ sản Trung ương) để được tư vấn.
Người phụ nữ này cho biết do mang thai lần đầu nên hai vợ chồng rất cẩn thận và muốn mọi điều tốt nhất cho con.
“Dạo gần đây, tôi cảm thấy cơ thể uể oải và thường xuyên ngủ không ngon. Tôi nghe nói có thể dùng saffron để cải thiện giấc ngủ nên cũng muốn thử xem sao”, chị Ngọc Anh cho biết.
Việc có thai là sự kiện vô cùng quan trọng, đặc biệt với người phụ nữ. Vì vậy, điều dễ hiểu là phái đẹp luôn cố gắng chăm sóc cho bản thân bằng những dưỡng chất tốt nhất. Trong đó có không ít thai phụ lựa chọn saffron như một thực phẩm hỗ trợ. Tuy nhiên, theo BS Thành việc sử dụng saffron là không được khuyến khích.
Saffron có nguồn gốc từ cây nghệ tây được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm làm đẹp và gia vị chế biến món ăn. Trong đó, crocin và safranal là hai thành phần chính của loại cây này. Do quá trình trồng và thu hoạch tốn nhiều công sức nên đây được coi là loại gia vị đắt nhất thế giới.
“Sở dĩ saffron được nhiều người yêu thích là nhờ hàng loạt các lợi ích tốt cho sức khoẻ. Một số nghiên cứu bao gồm một số thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng nghệ tây có thể gúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt, chẳng hạn như chuột rút.
Với đặc tính chống oxy hoá cao, saffron cũng giúp chống lại stress oxy hoá (nguồn gốc phát triển của các bệnh ung thư và bệnh tim)”, BS Phan Chí Thành chia sẻ.
Không thể phủ nhận những lợi ích nổi bật của loại thảo dược này, thế nhưng với chuyên môn về sản phụ khoa, BS Thành cho biết, bồi dưỡng không đúng chỗ, bổ mấy cũng thành hại.
“Một nghiên cứu về tác động của việc sử dụng crocin và safranal trong quá trình hình thành phôi thai đã được thực hiện trên chuột. Cụ thể tất cả các nhóm thực nghiệm đều gây ra sự giảm sút đáng kể về chiều dài và trọng lượng của thai nhi, cũng như bộc lộ các dị tật như dị tật xương nhe, dị tật đồi mồi và chậm lớn.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng thông tin thêm, trước đây saffron từng được sử dụng ở một số nước đang phát triển để phá thai. Theo nhiều bằng chứng khoa học, việc sử dụng chiết xuất cây nghệ tây trong nước làm giảm nồng độ estradiol (gắn liền với chu kỳ kinh nguyệt và mang thai của phụ nữ) trong giai đoạn đầu và cuối thai kỳ.
Liều cao chiết xuất nghệ tây trong giai đoạn giữa và cuối thai kỳ và crocin trong giai đoạn cuối của thai kỳ sẽ làm tăng nồng độ FSH (hormone kích thích nang trừng) trong huyết thanh. Nồng độ FHS cao có thể khiến việc mang thai trở nên khó khăn hơn.
“Chiết xuất nghệ tây trong giai đoạn đầu và crocin trong giai đoạn cuối của thai kỳ còn làm tăng nồng độ LH (hormone tuyến sinh dục). Sự tăng LH quá mức có thể dẫn đến nguy cơ mắc buồng trứng đa năng hoặc là dấu hiệu cảnh báo vô sinh”, BS Phan Chí Thành lý giải.
Nhiều tài liệu y khoa cũng đề cập, Saffron có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, gây co bóp tử cung mạnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai hoặc nguy cơ sảy thai cao trong 3 tháng đầu.
“Vì thế, Saffron không được khuyến khích sử dụng với những trường hợp sức khoẻ đã sẵn sàng cho kế hạch mang thai hoặc mới mang thai. Thậm chí, nghệ tây uống còn làm chín muồi cổ tử cung của phụ nữ mang thai đủ tháng, gây sinh non”, BS Chí Thành nhấn mạnh.
Bác sĩ cho biết, đến thời điểm này vẫn còn nhiều tác hại của việc sử dụng Saffron đối với thai phụ đang được nghiên cứu. Do đó, các mẹ bầu không nên tự ý bổ sung Saffron cho cơ thể mà không thông qua sự tư vấn của bác sĩ sản phụ khoa.
“Quan trọng, hãy nhớ sức khoẻ của thai nhi là quá trình kết hợp nhiều phương pháp khoa học chứ không phải chỉ là việc sử dụng những thực phẩm đắt tiền”, BS Phan Chí Thành nhấn mạnh.
N. Huyền