Australia phục hồi rừng tảo bẹ khổng lồ đang dần bị biến mất
Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Biển và Nam cực (IMAS) của Australia đã triển khai dự án phục hồi các rừng tảo bẹ khổng lồ ở ngoài khơi bờ biển phía Nam của nước này.
Tháng 10 vừa qua, các nhà nghiên cứu thuộc IMAS đã bắt đầu trồng tảo bẹ khổng lồ dọc bán đảo Tasman sau 4 năm nghiên cứu các biện pháp khác nhau để triển khai dự án quy mô lớn này.
Tảo bẹ khổng lồ là loại tảo biển lớn nhất, có thể cao đến 40 mét. Hơn 95% rừng tảo bẹ khổng lồ ở ngoài khơi bờ biển bang Tasmania đã biến mất kể từ những năm 1970 do nhiệt độ đại dương tăng lên.
Nhà sinh thái biển Cayne Layton cho rằng "các rừng tảo bẹ thực sự là môi trường sống quan trọng giống như cây cối trên đất liền và nhiều động vật cũng ăn tảo bẹ, do đó chúng là nền tảng của môi trường sống đó". Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết biến đổi khí hậu đã làm thay đổi môi trường đại dương, nước biển ấm hơn và ít chất dinh dưỡng hơn khiến các rừng tảo bẹ khổng lồ dần biến mất.
Nhóm nghiên cứu trên hy vọng rằng thực hiện dự án này có thể giúp họ nhân giống được 7.000 m2 tảo bẹ non ở khu vực ngoài khơi bờ biển bang Tasmanian. Họ cũng hy vọng khi các rừng tảo bẹ khổng lồ phát triển trở lại sẽ giúp phục hồi các loài sống dựa vào môi trường sống như bào ngư và tôm.
Nếu việc trồng tảo bẹ khổng lồ vào mùa xuân này không thành công, nhóm nhà khoa học trên sẽ tiến hành trồng thêm vào mùa thu năm sau sau khi điều kiện mùa hè không phù hợp.