Australia dỡ bỏ yêu cầu cách ly, Đức điều chỉnh quy định phòng chống COVID-19 trong mùa đông

Chia sẻ Facebook
02/10/2022 08:02:29

Đến sáng 2/10, thế giới có trên 623,16 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,549 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 98,23 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,084 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.


Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 1/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,59 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 , bao gồm hơn 528.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.


Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 155.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 35,43 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 1/10, Pháp ghi nhận 46.596 ca mắc COVID-19 mới.


Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới sau Mỹ với trên 686.000 người trong tổng số hơn 34,71 triệu trường hợp mắc COVID-19, xếp thứ tư toàn cầu.


Từ ngày 1/10, Đức bắt đầu áp dụng những quy định sửa đổi về các biện pháp phòng dịch nhằm chống lại nguy cơ gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 trong mùa Đông này. Bộ quy tắc mới được đưa ra trong bối cảnh Đức đang chứng kiến sự gia tăng trở lại số ca mắc COVID-19 trong tuần, khi thời tiết trở lạnh. Các số liệu thống kê cho thấy, trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận thêm 96.367 ca mắc mới, gấp đôi so với mức ghi nhận trung bình trong một ngày của tuần trước. Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Karl Lauterbach mô tả, các quy định mới nghiêm ngặt hơn so với các nước châu Âu khác.


Theo quy định mới, tất cả những hành khách trên 14 tuổi đều phải bắt buộc đeo khẩu trang FFP2 trên các chuyến tàu đường dài, thay vì quy định đeo khẩu trang y tế ít bảo vệ hơn như hiện nay. Mặc dù quy định mới của liên bang không bắt buộc nhưng tất cả 16 bang của Đức đều nhất trí với quy định yêu cầu hành khách tham gia các phương tiện giao thông công cộng khác như xe bus, tàu điện ngầm... phải đeo ít nhất khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, những hành khách đi máy bay có thể không phải đeo khẩu trang, điều này phù hợp với thông lệ của các hãng hàng không cũng như các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Hiện khẩu trang FFP2 vẫn là bắt buộc tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão và phòng khám. Trước khi đến nhà dưỡng lão hay bệnh viện đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính và nhân viên tại các cơ sở đó cũng phải xét nghiệm vài lần một tuần.

Trong trường hợp tình hình lây nhiễm trở nên tồi tệ hơn, các bang có quyền áp dụng các biện pháp tiếp theo như yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở các khu vực trong nhà như cửa hiệu và nhà hàng. Xét nghiệm bắt buộc có thể sẽ áp đặt trở lại tại các trường học và nhà trẻ. Tại những trường học, các bang cũng có thể yêu cầu học sinh bắt buộc đeo khẩu trang nhưng chỉ dành cho trẻ em trên 11 tuổi.


Các nhà khoa học thuộc Đại học Queensland của Australia đã phát hiện ra cách thức bệnh COVID-19 gây tổn thương tim, mở ra hướng nghiên cứu về các biện pháp điều trị mới hiệu quả trong tương lai.

Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Immunology (Miễn dịch học) cho biết, mặc dù cả bệnh COVID-19 và bệnh cúm đều do virus gây bệnh về đường hô hấp nhưng 2 căn bệnh này ảnh hưởng đến các mô tim theo cách hoàn toàn khác nhau. Nghiên cứu phân tích mô tim thật của con người, thu thập trong quá trình khám nghiệm tử thi của 7 bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở Brazil, 2 người tử vong do bệnh cúm và 6 bệnh nhân đối chứng.

Kết quả phân tích, so sánh ban đầu cho thấy, bệnh COVID-19 gây tổn thương ADN trong các mô tim, trong khi hiện tượng này không được phát hiện ở các mẫu cơ tim của bệnh nhân tử vong do cúm. Giáo sư John Fraser cho biết: "Khi nghiên cứu các mẫu mô tim của bệnh nhân mắc cúm, chúng tôi nhận ra rằng bệnh cúm gây ra tình trạng viêm cơ tim quá mức. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã tấn công ADN của mô tim, có thể trực tiếp chứ không phải là một tác nhân gây viêm". Nghiên cứu cho thấy, 2 loại virus này dường như tác động đến mô tim rất khác nhau và điều này cần phải tìm hiểu thêm trong các nghiên cứu quy mô lớn hơn.

CIVID-19 ảnh hưởng đến mô tim. (Ảnh: TCTMD)


Trong khi đó, nhà nghiên cứu của Viện Diamantina thuộc Đại học Queensland, ông Arutha Kulasinghe cho biết, các chuyên gia không thể phát hiện dấu vết của virus trong mô tim của bệnh nhân COVID-19, nhưng họ nhận thấy các thay đổi mô liên quan đến việc sửa chữa và gây tổn thương ADN. Theo ông, cơ chế gây tổn thương và sửa chữa ADN thúc đẩy sự mất ổn định hệ gene và có liên quan đến các bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, bệnh động mạch vành và các rối loạn thoái hóa thần kinh.

So sánh với dịch cúm năm 2009, COVID-19 gây ra các bệnh về tim mạch nghiêm trọng và kéo dài hơn ở người bệnh sau này. Điều này đã chứng minh rõ ràng là COVID-19 không giống như bệnh cúm.

Các nhà khoa học nhấn mạnh nghiên cứu này giúp họ hiểu COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đến trái tim con người và đây là bước đầu tiên để tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả nhất các bệnh tim mạch ở bệnh nhân COVID-19.


Trong tuần này, Chính phủ Australia đã công bố kết quả đánh giá việc mua vaccine phòng COVID-19 , cho thấy quốc gia này đang dư thừa vaccine của hãng Novavax nhưng cần bổ sung vaccine từ hãng Moderna. Hiện Australia mới chỉ bảo đảm một nguồn cung giới hạn loại vaccine mới của Moderna, phiên bản đặc hiệu với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đủ dùng cho năm 2022. Bộ trưởng Bộ Y tế Australia Mark Butler nhận định, việc chuẩn bị nguồn vaccine cho năm tới là vấn đề cần được xem xét khẩn cấp.

Nội các Australia đã quyết định dỡ bỏ quy định cách ly 5 ngày đối với những những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 14/10 tới, đánh dấu sự kết thúc của một trong những biện pháp hạn chế cuối cùng ở quốc gia lớn nhất châu Đại Dương.

Cùng với quyết định trên, Nội các Australia đã nhất trí các biện pháp bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất, phải đối mặt với rủi ro cao, và tiếp tục hỗ trợ tài chính có mục tiêu cho người làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật và làm việc tại bệnh viện nếu họ phải cách ly do yêu cầu công việc. Các khoản hỗ trợ tài chính cho những người bị nhiễm COVID-19 không thuộc các lĩnh vực trên cũng sẽ chấm dứt vào ngày 14/10.


Ngày 1/10, Thái Lan chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế phòng dịch COVID-19 được ban bố hồi tháng 3/2020. Tất cả các hạn chế liên quan dịch bệnh COVID-19 đều được bãi bỏ hoặc không bắt buộc áp dụng.

Từ ngày 1/10, du khách tới Thái Lan không phải xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Việc đeo khẩu trang hay đo thân nhiệt, sát khuẩn tay không còn là điều kiện bắt buộc khi đi ra ngoài hoặc tới những nơi công cộng.

Thái Lan hạ cấp dịch COVID-19 từ "bệnh truyền nhiễm nguy hiểm" xuống mức 1 là "bệnh truyền nhiễm cần theo dõi" và sẽ duy trì mức độ này đến hết tháng 9/2023.


Liên quan vấn đề virus tiếp tục đột biến trong tương lai, Tiến sĩ Prasit Watanapa, Tưởng khoa Y tại Bệnh viện Siriraj, Đại học Mahidol, cho rằng bất kỳ biến thể mới nào cũng có thể gây lây nhiễm nhiều hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn.


Indonesia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tự sản xuất trong nước. Người đứng đầu Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia (BPOM), bà Penny Lukito ngày 30/9 khẳng định, đây là một bước tiến tới "sự tự chủ quốc gia trong việc tiếp cận với dược phẩm".

Indonesia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tự sản xuất trong nước. (Ảnh: AP)


Vaccine mang tên IndoVac, do công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma phối hợp với trường Y Baylor có trụ sở tại bang Texas (Mỹ) nghiên cứu phát triển. Theo quyết định mới, vaccine này sẽ được phép sử dụng để tiêm liều cơ bản cho những người chưa tiêm phòng, hoặc làm mũi tiêm kết hợp đối với những người trưởng thành đã tiêm bằng vaccine khác. Vaccine IndoVac cũng được cấp chứng nhận Halal, tức là có thể được sử dụng cho những người theo đạo Hồi tại quốc gia có đa số là người Hồi giáo này.


Trước đó cùng ngày, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia đã thông báo việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine mRNA của Walvax Biotechnology (Trung Quốc), được phát triển trong hơn hai năm qua và nhắm vào chủng virus SARS-CoV-2 gốc. Như vậy, Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên, trước cả Trung Quốc, phê duyệt loại vaccine công nghệ mRNA này.


Hơn 63% dân số nước này đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản. Chuyên gia y tế trên khắp thế giới hiện cũng đang khuyến nghị sử dụng các vaccine cải biến nhằm vào biến thể Omicron hơn là các vaccine ngừa chủng gốc.

Các nhà chức trách Hàn Quốc ngày 30/9 thông báo việc loại bỏ quy định xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đối với du khách trong vòng 24 giờ đầu tiên sau nhập cảnh. Điều chỉnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10.


Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành các bước nới lỏng biện pháp chống dịch COVID-19 trong bối cảnh làn sóng dịch ở quốc gia này đã qua giai đoạn đỉnh điểm và dần được kiểm soát ổn định. Hồi đầu tháng 9, Chính phủ Hàn Quốc đã loại bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 bắt buộc trước khi khởi hành đối với khách du lịch trong nước. Ngày 26/9, Thủ tướng Han Duck-soo thông báo việc dỡ bỏ hoàn toàn quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong các sự kiện lớn ngoài trời như sự kiện thể thao, hòa nhạc và các cuộc tụ tập nhóm.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc tiếp tục duy trì xu hướng giảm. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 1/10 thông báo đã ghi nhận 26.913 ca mắc mới và 39 người tử vong vì căn bệnh này trong 24 giờ qua.


Bộ Văn hóa Du lịch Trung Quốc cấm các công ty du lịch và các nền tảng đặt tour trên mạng tổ chức tour du lịch theo đoàn xuyên tỉnh, cấm đến các khu vực có nguy cơ dịch trung bình và cao, các thành phố biên giới; tăng cường quản lý chặt những sự kiện văn hóa và du lịch. Người làm ngành du lịch được xét nghiệm 2 ngày/lần. Theo nền tảng du lịch Tuniu, có đến 2/3 số người chọn du lịch gần, du lịch ngắn ngày, nhất là người dân các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu…

Hiện nay, dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã giảm mạnh, mỗi ngày chỉ còn vài trăm ca. Tuy nhiên, do đến giữa tháng 10 Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng nên hầu hết các địa phương đều siết chặt quản lý dịch nghiêm ngặt, khiến ngành dịch vụ khách sạn - tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng.

Bộ Giao thông Trung Quốc tính toán, trong 7 ngày nghỉ lễ sẽ có 210 triệu lượt chuyến đi, giảm mạnh đến 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Chia sẻ Facebook