Aukus: Mỹ, Anh và Úc thông qua dự án tàu ngầm hạt nhân

Chia sẻ Facebook
18/03/2023 00:24:44

Theo thỏa thuận Aukus (được ghép từ tên ba nước, Australia-UK-US), trước tiên Úc sẽ nhận ít nhất ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại quân cảng ở San Diego, Mỹ ngày 13/3

Tác giả, Kathryn Armstrong Vai trò, BBC News 14 tháng 3 2023

Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Úc đã công bố những chi tiết mới về kế hoạch thành lập một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ tiếp theo.

Các đồng minh cũng sẽ cùng phối hợp để tạo ra một hạm đội mới sử dụng công nghệ tiên tiến, bao gồm các động cơ do Rolls-Royce sản xuất tại Anh.

Hiệp ước này nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phát biểu cùng hai nhà lãnh đạo Anh và Úc tại San Diego, California, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng các tàu này sẽ không mang vũ khí hạt nhân và sẽ không ảnh hưởng đến cam kết trở thành một quốc gia không có vũ khí hạt nhân của Úc.

Theo thỏa thuận được đưa ra vào hôm 13/03, các thành viên của Hải quân Hoàng gia Úc (RAN) sẽ đến các căn cứ tàu ngầm của Mỹ và Anh từ năm nay để được đào tạo các kỹ năng cần thiết để vận hành tàu ngầm.

Từ năm 2027, Mỹ và Anh sẽ triển khai một số lượng nhỏ tàu ngầm hạt nhân tại căn cứ RAN ở Perth, Tây Úc, trước khi Úc mua ba tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ vào đầu những năm 2030 – và mua thêm hai chiếc khác nữa.

Tàu ngầm mang khả năng tấn công này sẽ được chế tạo ở Anh và Úc theo thiết kế của Anh, nhưng sử dụng công nghệ của cả ba nước.

Những chiếc tàu ngầm tạm thời và trong tương lai của Úc có thể di chuyển xa hơn và nhanh hơn so với hạm đội hiện có của nước này, với tên lửa hành trình có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Một chiếc tàu ngầm xuất hiện tại cuộc gặp của ba nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc ở San Diego, Mỹ ngày 13/3


Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một tàu ngầm xuất hiện tại cuộc gặp của ba nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc ở San Diego, Mỹ ngày 13/03

Tổng thống Biden cho biết cả ba quốc gia đều cam kết đảm bảo vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ vẫn tự do và rộng mở. Đứng hai bên của ông Biden trong cuộc gặp là Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

“Củng cố quan hệ đối tác mới này, chúng ta đang một lần nữa minh chứng rằng các nền dân chủ có thể mang đến nền an ninh và sự thịnh vượng của chính chúng ta... không chỉ cho chúng ta mà còn cho toàn thế giới”, ông Biden phát biểu.

Cũng trong thông báo hôm 13/03, Mỹ đã cam kết chi tổng cộng 4,6 tỷ USD trong vài năm tới để xây dựng năng lực công nghiệp đóng tàu ngầm và cải thiện việc bảo trì các tàu ngầm lớp Virginia.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết thỏa thuận tàu ngầm sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm mới và đánh dấu "khoản đầu tư lớn nhất vào khả năng phòng thủ của Úc trong lịch sử nước này".

“Đây sẽ là một năng lực chủ quyền của Úc, do hải quân hoàng gia Úc chỉ huy và – được duy trì bởi các công nhân Úc tại các xưởng đóng tàu của Úc, với việc xây dựng sẽ bắt đầu trong thập kỷ này”, ông Albanese cho biết.

Thủ tướng Úc cũng lưu ý rằng thỏa thuận này đánh dấu lần đầu tiên sau 65 năm và là lần thứ hai trong lịch sử Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân của mình.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết trong vòng 18 tháng kể từ khi hiệp ước được công bố, những thách thức đối với sự ổn định toàn cầu ngày càng tăng.

"Cuộc xâm lược phi pháp của Nga nhằm vào Ukraine, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, hành vi gây bất ổn của Iran và Bắc Hàn - tất cả đều đe dọa tạo ra một thế giới bị định hình bởi sự nguy hiểm, rối loạn và chia rẽ."

Trong chuyến công du tới Mỹ, ông Sunak cũng đã cam kết tăng mức ngân sách quốc phòng lên gần 6 tỷ USD trong hai năm tới để chống lại các mối đe dọa từ các quốc gia đối địch.

Hiệp ước Aukus đã nhiều lần vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh tuần trước đã nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng hiệp ước này có nguy cơ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang và "phá hoại nền hòa bình và sự ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ, Anh và Úc từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và trò chơi có tổng bằng không, trung thực thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình và hành động nhiều hơn nữa để đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực”, bà Mao Ninh nói.

Đề cập đến mối lo ngại về việc phương Tây tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Washington không có ý định thành lập một liên minh mới kiểu Nato.

Mặc dù cả ba nhà lãnh đạo đều muốn nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ củng cố sự hợp tác của họ và đóng góp vào sự ổn định toàn cầu như thế nào, nhưng cũng không tránh khỏi gây ra những hậu quả chính trị xấu.

Vào năm 2021, Úc đã hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm trị giá hàng triệu USD với Pháp để chuyển sang thỏa thuận ba bên - gây nên rạn nứt chính trị với Paris.

Phóng viên Phil Mercer của BBC tại Sydney cho biết thỏa thuận này khiến quân đội Úc liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ và Anh hơn bao giờ hết.

Chính phủ Úc đang ca ngợi tầm quan trọng chiến lược của thỏa thuận cũng như thực tế là nó sẽ mang lại hàng nghìn việc làm.

Nhưng Canberra cũng phải đối mặt với một nền ngoại giao rất mong manh trong tương lai, nhà báo Phil Mercer cho biết thêm.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Úc, và câu hỏi đặt ra là liệu Úc có thể vừa tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ, vừa thúc đẩy quan hệ thương mại lớn hơn với Bắc Kinh hay không.

Aukus sẽ khiến Úc tiêu tốn tới 368 tỷ AUD trong ba thập kỷ tới, chính phủ nước này cho biết.

Không có quyết định nào được đưa ra về một căn cứ tàu ngầm trong tương lai ở bờ biển phía đông, mặc dù Cảng Kembla gần Wollongong, cách Sydney 100 km về phía nam, được cho là một địa điểm khả dĩ.

Một quan chức địa phương cho hay cộng đồng dân cư lo lắng về khả năng có một căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở gần đó.

Cath Blakey, Ủy viên hội đồng đảng Greens, nói với đài Australian Broadcasting Corporation (ABC): “Điều này mang tính chất báo động vì chúng tôi có thể bị trở thành mục tiêu quân sự”.

"Tôi nghĩ rằng có rủi ro tiềm ẩn đối với nước Úc khi chúng tôi càng xích lại gần hơn với Mỹ và Anh."

Chia sẻ Facebook