AstraZeneca cam kết đầu tư phát triển bền vững
Mới đây, Tập đoàn AstraZeneca và Chính phủ Việt Nam đã thống nhất chủ trương hợp tác chiến lược dài hạn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện đối với người dân Việt Nam.
Cuộc gặp và làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca - ông Pascal Soriot, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao vào ngày 31-5 vừa qua tại Văn phòng Chính phủ đã tái khẳng định cam kết lâu dài của AstraZeneca tại Việt Nam.
Nhân sự kiện này, phóng viên báo Tuổi Trẻ có cuộc phỏng vấn Tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca PASCAL SORIOT về câu chuyện phát triển hệ thống y tế bền vững của AstraZeneca tại Việt Nam.
* Chào mừng ông đã đến Việt Nam! Ông đã từng ghé thăm Việt Nam bao giờ chưa? Mục đích chính cho lần viếng thăm này của ông là gì?
- Tôi đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào cuối những năm 1990. Đất nước và con người nơi đây đã để lại trong tôi một ấn tượng đầu tiên vô cùng sâu đậm, và tất cả những chuyến thăm Việt Nam sau đó đều mang lại cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời. Thật khó để tưởng tượng rằng một ngày tôi sẽ trở lại đây theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Lần đầu tiên tôi và Thủ tướng gặp nhau là tại Glasgow, bên lề Hội nghị COP26. Chúng tôi đã trao đổi về chương trình phòng chống COVID-19 đầy hiệu quả của Việt Nam cũng như vai trò quan trọng mà AstraZeneca có thể tiếp tục đóng góp trong chiến lược này.
Tuần vừa qua, tôi thực sự vinh dự khi được gặp lại các vị lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc sống đã quay lại bình thường mới. Chúng tôi đã bày tỏ cam kết sẽ hợp tác song phương lâu dài nhằm tiến tới mục tiêu chung là giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt thông qua việc tăng cường tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế.
Đứng trước những thách thức do đại dịch COVID-19 và sự cấp thiết của việc giảm phát thải cacbon, các giải pháp phát triển bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhằm đảm bảo cho tương lai của các thế hệ trẻ trên hành tinh này.
Ông Pascal Soriot (tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca)
Ưu tiên tính bền vững
* Từ sau đại dịch COVID-19, tính bền vững trong y tế đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển của nhiều tổ chức chăm sóc sức khỏe. AstraZeneca có đóng góp gì cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam?
- Từ góc nhìn của một tập đoàn dược phẩm toàn cầu, chúng tôi có hai động lực chính để đặt ưu tiên vào tính bền vững.
Thứ nhất, một hệ thống y tế có tính bền vững và sức chống chịu cao sẽ giúp chúng ta ứng phó tốt hơn với dịch bệnh trong tương lai. Dịch COVID-19 đã cướp đi hàng triệu sinh mạng, xóa tan nỗ lực tăng trưởng kinh tế vài năm qua và tàn phá sinh kế của hàng trăm triệu người.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong kiểm soát dịch bệnh, chúng ta vẫn có thể ngăn ngừa những rủi ro tương lai tốt hơn bằng cách tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Một giải pháp thiết thực chính là xây dựng một ngành dược phẩm trong nước vững mạnh, giúp đảm bảo tự chủ về các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh.
AstraZeneca cam kết hỗ trợ Việt Nam không chỉ qua việc cung ứng vắc xin, kháng thể đơn dòng và các loại thuốc tiên tiến mà còn đầu tư 600 tỉ đồng cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và thử nghiệm lâm sàng cho đến năm 2024, bên cạnh khoản đầu tư 2.000 tỉ đồng cho chuyển giao công nghệ và sản xuất gia công thuốc tại Việt Nam từ nay đến năm 2030.
Chúng tôi cũng đã hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời giúp nền kinh tế và ngành du lịch mở cửa trở lại. Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca là vắc xin đầu tiên được cấp phép và sử dụng tại Việt Nam với hơn 72 triệu liều đã được cung ứng trực tiếp hoặc trao tặng cho đến nay.
Bên cạnh đó, trước tình hình các bệnh không lây nhiễm chiếm đến hơn 75% gánh nặng bệnh tật trong năm 2019 và đang có xu hướng gia tăng, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh đầu tư, hợp tác với Bộ Y tế và các đối tác trong ngành để tổ chức nhiều chương trình nâng cao nhận thức về phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị sớm các bệnh không lây nhiễm.
Thứ hai, phát triển bền vững là một ưu tiên cấp thiết nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điều này đã được khẳng định qua cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 của Việt Nam.
COVID-19 là thách thức về y tế lớn nhất trong thế hệ chúng ta, nhưng tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu hiện nay lại có khả năng tác động nặng nề hơn nữa và gây ra những tổn thất không thể đảo ngược. Biến đổi khí hậu cũng chính là một khủng hoảng về y tế công cộng mà chúng ta chưa tạo ra được vắc xin phòng ngừa, một đại dịch mà không ai có thể được miễn dịch.
Tác động của biến đổi khí hậu là rõ ràng, dù là ở dạng thời tiết khắc nghiệt hay mất an ninh lương thực và thiếu nước sạch đều đang làm gia tăng mức độ bệnh tật và gây gián đoạn nền kinh tế. Giảm phát thải cacbon là vô cùng cấp thiết, nếu chúng ta muốn các thế hệ tương lai có thể tiếp tục sinh sống trên hành tinh này.
Hiện nay, hơn 4% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu đến từ ngành y tế, và vì vậy chúng ta cần phải hành động nhiều hơn. AstraZeneca đang tiên phong thúc đẩy thay đổi thông qua chương trình "Tham vọng Không cacbon", với mục tiêu từ năm 2025 sẽ không có phát thải cacbon từ hoạt động vận hành của tập đoàn trên toàn thế giới, và từ năm 2030 tất cả chuỗi giá trị của tập đoàn sẽ âm cacbon.
Tôi hiện cũng đang là đồng chủ tịch Hội đồng về hệ thống y tế thuộc chương trình Sáng kiến Thị trường bền vững (SMI) do Thái tử Charles - Hoàng gia Anh khởi xướng. Chương trình này quy tụ nhiều lãnh đạo từ các ngành nhằm giúp khối doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi bền vững.
Xây dựng hệ thống y tế bền vững
* Những ưu tiên lớn nhất trong tương lai gần của AstraZeneca là gì? Ngoài ra, ông có chia sẻ gì muốn gửi đến người dân tại Việt Nam?
- Hướng về tương lai, hơn 500 nhân viên của AstraZeneca tại Việt Nam, cùng với nhiều đồng nghiệp trên khắp thế giới, giữ vững cam kết sẽ cống hiến hết mình để hỗ trợ giảm thiểu gánh nặng kép của các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, bảo vệ các nhóm người yếu thế và có nguy cơ cao trong đại dịch và tăng cường hợp tác để giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống y tế và tương lai bền vững.
Tôi tin rằng cùng nhau chúng ta sẽ vượt qua cả thách thức về y tế công cộng lẫn tình trạng biến đổi khí hậu, vì lợi ích cho người dân, cho toàn xã hội và hành tinh này. Tôi hy vọng sẽ sớm được thăm lại đất nước xinh đẹp của các bạn.
Phát biểu tại buổi họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các thành quả trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế của Việt Nam có sự đóng góp thiết thực của nhiều quốc gia, tổ chức, trong đó có AstraZeneca. Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới sẽ nâng tầm quan hệ với AstraZeneca hướng tới hợp tác chiến lược trong sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải khí cacbon đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 31-5, Tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot cam kết giúp Việt Nam nâng cao năng lực y tế và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xanh bằng những dự án trồng rừng.