Armenia thông báo thỏa thuận ngừng bắn sau cuộc đụng độ mới với Azerbaijan
Armenia và Azerbaijan đã đàm phán về việc ngừng bắn để chấm dứt bùng phát giao tranh khiến 155 binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng.
Đây là thông tin do một quan chức cấp cao của Armenia đưa ra vào sáng sớm 15/9 (theo giờ địa phương).
Armen Grigoryan, Thư ký Hội đồng An ninh Armenia, đã công bố thỏa thuận ngừng bắn trên truyền hình, nói rằng thỏa thuận này có hiệu lực vài giờ trước đó, vào lúc 20h ngày 14/9 (tức 16h theo giờ GMT).
Vài giờ trước thông báo của ông Grigoryan, Bộ Quốc phòng Armenia báo cáo rằng các cuộc pháo kích đã ngừng diễn ra nhưng không đề cập đến thỏa thuận ngừng bắn.
Không có bình luận ngay lập tức từ phía Chính phủ Azerbaijan.
Tuyên bố ngừng bắn được đưa ra sau hai ngày giao tranh ác liệt giữa binh sĩ hai nước, đánh dấu sự bùng phát xung đột lớn nhất giữa Armenia và Azerbaijan trong gần hai năm qua.
Vào tối 14/9, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô của Armenia, cáo buộc Thủ tướng Nikol Pashinyan phản bội đất nước bằng cách cố gắng xoa dịu Azerbaijan và yêu cầu ông từ chức.
Armenia và Azerbaijan đổ lỗi cho nhau thực hiện các hành động thù địch, trong đó giới chức Armenia cáo buộc Baku gây hấn vô cớ và chính quyền Azerbaijan nói rằng đất nước của họ đang đáp trả các cuộc pháo kích của Armenia.
Thủ tướng Armenia Pashinyan cho biết, 105 binh sĩ nước này đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra vào đầu ngày 13/9, trong khi Azerbaijan nói rằng họ mất 50 người. Chính quyền Azerbaijan cho biết, nước này sẵn sàng đơn phương bàn giao thi thể của tối đa 100 binh sĩ Armenia.
Hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ này đã chìm trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ về Nagorno-Karabakh , một phần lãnh thổ của Azerbaijan nhưng nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Armenia do Armenia hậu thuẫn kể từ khi cuộc chiến tranh ly khai ở đó kết thúc vào năm 1994.
Trong cuộc chiến kéo dài 6 tuần vào năm 2020, Azerbaijan đã giành lại các vùng đất rộng lớn ở Nagorno-Karabakh và các vùng lãnh thổ lân cận do quân Armenia nắm giữ.
Hơn 6.700 người đã chết trong cuộc giao tranh, kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian. Moscow đã triển khai khoảng 2.000 binh sĩ tới khu vực này để làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo thỏa thuận.
Ngày 14/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết, các lực lượng Azerbaijan đã chiếm 10km² (gần 4 dặm vuông) lãnh thổ của Armenia kể từ khi cuộc giao tranh bắt đầu diễn ra.
Theo ông Pashinyan, Chính phủ Armenia đã yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự theo hiệp ước hữu nghị giữa hai nước, đồng thời đề nghị sự hỗ trợ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể.
Ngày 13/9, Armenia và Azerbaijan cho biết, các cuộc đụng độ biên giới quy mô lớn giữa hai nước này khiến binh sĩ Azerbaijan bị thiệt hại nặng nề trong vụ việc mới nhất.