Argentina ghi nhận ca nhiễm viêm gan bí ẩn
Argentina đã báo cáo trường hợp đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan bí ẩn, người bệnh là một bé trai 8 tuổi.
Bệnh nhi nhập viện Nhi đồng ở thành phố Rosario, cách thủ đô Buenos Aires hơn 300 km về phía Bắc, được chẩn đoán "bị viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân" hôm 5/5 vừa qua.
Ngày 6/5, Bộ Y tế Argentina cũng ghi nhận ít nhất 8 trường hợp nghi mắc bệnh này và đang theo dõi.
Bệnh viêm gan bí ẩn có các triệu chứng vàng da, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng và trong một số trường hợp nghiêm trọng phải ghép gan.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, căn bệnh này đã khiến 4 trẻ em tử vong, trên tổng số 228 trường hợp được báo cáo cho đến ngày 1/5.
Giới chức y tế Mỹ hôm 6/5 cho biết đang điều tra 109 trường hợp trẻ em bị viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, trong đó có 5 ca tử vong.
Theo ông Jay Butler, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca trên được ghi nhận tại 24 bang và một vùng lãnh thổ trong 7 tháng qua. Trong đó, 90% trường hợp phải nhập viện, với 14% cần phẫu thuật ghép gan.
Đa số bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, ông Butler cho biết, hơn 50% trường hợp cho kết quả dương tính với adenovirus 41, một loại virus thường liên quan đến viêm loét dạ dày.
Các nhà khoa học tại Mỹ và trên thế giới vẫn đang nỗ lực xác định nguyên nhân gây bệnh. Ông Butler cho biết, adenovirus hiện đứng đầu danh sách virus được quan tâm do mối liên hệ nói trên.
Một kịch bản khác là adenovirus có thể đã phát triển thành một chủng mới và nguy hiểm hơn. Các yếu tố môi trường cũng được xem xét, như sự hiện diện của động vật trong nhà. Các nhà khoa học cũng đang tìm hiểu xem liệu những mầm bệnh khác, như COVID-19, có thể đóng vai trò nào đó hay không.
Đáng chú ý, Indonesia trong tuần này thông báo có 3 ca tử vong do bệnh này.
Trong khi đó, ngày 6/5, Anh cho biết nước này có 163 ca bệnh, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi và hiện chưa có bệnh nhân nào tử vong. Ngày 5/5, Panama ghi nhận ca đầu tiên.
WHO dự báo số, ca bệnh có thể còn tăng trước khi các nhà khoa học tìm ra được nguyên nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học của WHO không tin chỉ adenovirus là đủ gây ra bệnh viêm gan nặng nêu trên. WHO cũng cho biết, phần lớn trẻ em mắc bệnh này không tiêm vaccine ngừa COVID-19.