Apple vẫn kiên trì bí mật phát triển công cụ tìm kiếm của riêng mình, Google còn 4 năm để chuẩn bị
(Tổ Quốc) - Theo báo cáo mới từ The Information, Apple vẫn bí mật phát triển một công cụ tìm kiếm cho iPhone để cạnh tranh trực tiếp với công cụ của Google.
Hai gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon, Apple và Google, từ lâu đã vừa là đối thủ vừa là đối tác của nhau trong lĩnh vực tìm kiếm và Google được biết là đã trả cho Apple từ 18 đến 20 tỷ USD mỗi năm để đảm bảo công cụ của mình là tùy chọn tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của Apple. Nhưng thỏa thuận này đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các quy định chống độc quyền.
Đây cũng được cho là một phần lý do tại sao Apple đã mua lại một công ty khởi nghiệp về tin tức trí tuệ nhân tạo có tên là Laserlike vào năm 2018. Các nhân viên cốt lõi của công ty đã làm việc tại Google và tham gia vào các công việc liên quan đến công cụ tìm kiếm.
Mặc dù người sáng lập Laserlike hiện đã quay trở lại làm việc cho Google, nhưng trong nhiệm kỳ làm giám đốc cấp cao cho nhóm phát triển công cụ tìm kiếm của Apple, ông đã quản lý ít nhất 200 nhân viên và mở rộng quy mô nhóm này lên con số đáng kể, trong đó tập trung vào việc thuê một số lượng lớn nhân viên từng lại việc tại Google.
Tuy nhiên theo các ước tính, ít nhất 4 năm nữa Apple mới tung ra công cụ tìm kiếm có thể thay thế Google.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển công cụ tìm kiếm của riêng mình, Apple có thể đạt được thỏa thuận mới với công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft tương tự như thỏa thuận của Apple và Google, từ đó giúp tăng doanh thu của chính mình.
Trên thực tế theo các chuyên gia trong ngành, việc Apple tự phát triển công cụ tìm kiếm của riêng mình chỉ là chuyện sớm muộn.
Từ trước tới nay, đế chế của Apple chủ yếu dựa vào doanh số bán phần cứng và hãng đã làm rất tốt việc thu hút người tiêu dùng vào hệ sinh thái của mình bằng một loạt các sản phẩm bao gồm máy Mac, iPhone, iPad, Apple Watch… và giữ chân họ ở đó.
Nhưng mô hình kinh doanh tập trung vào thiết bị đã dần thay đổi trong những năm qua. Phần mềm và các doanh thu khác không gắn liền với việc bán thiết bị - gọi chung là mảng dịch vụ - đã đạt doanh thu 19,6 tỷ USD trong quý 3 của năm tài chính 2022. Đó là mức tăng trưởng 12% so với năm trước và chiếm gần 24% tổng doanh thu, khiến dịch vụ trở thành phân khúc phát triển nhanh nhất của Apple.
Còn Google của Alphabet thì đứng ở phía ngược lại. Đó là một doanh nghiệp phần mềm và kiếm tiền chủ yếu thông qua quảng cáo. Nhưng nó đang dần lấn sân sang lĩnh vực phần cứng, dù quảng cáo vẫn là động lực chính cho hoạt động kinh doanh trên internet. Việc truy cập vào cơ sở thiết bị được cài đặt toàn cầu của Apple hiện đang được sử dụng (khoảng trên 2 tỷ thiết bị đang hoạt động, phần lớn trong số đó là iPhone) là một vấn đề lớn đối với Google. Các báo cáo cho thấy tập đoàn này đã phải trả cho Apple hàng tỷ USD mỗi năm để được quyền trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của đối tác.
Cả Apple và Google đều không thực sự tiết lộ những gì Google trả cho Apple để đổi lấy các đặc quyền tìm kiếm trên internet. Nhưng ước tính chỉ ra rằng con số đó là 15 tỷ USD vào năm 2021, sẽ tăng lên khoảng 18 đến 20 tỷ USD vào năm 2022. Nói cách khác, một lượng tăng trưởng đáng kể trong các dịch vụ của Apple (và một phần khá lớn trong phân khúc doanh thu đó nói chung) đến từ quảng cáo tìm kiếm trên Internet.
Vì Apple luôn muốn kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái các thiết bị của mình, câu hỏi đặt ra là tại sao nó lại không sử dụng những khoản thanh toán khổng lồ đó từ Google để xây dựng công cụ tìm kiếm của riêng mình và cuối cùng loại bỏ Google hoàn toàn?
Bởi rốt cuộc, hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google tạo ra lợi nhuận khá tốt, tới mức họ sẵn sàng chi trả một số tiền lớn cho Apple để được tiếp tục kiếm tiền từ đó. Riêng trong quý 2 năm 2022, mảng dịch vụ của chính Google (chủ yếu bao gồm lĩnh vực quảng cáo) đã tạo ra lợi nhuận hoạt động là 22,8 tỷ USD, với tỷ suất lợi nhuận là 36%.
Apple đã kiếm tiền từ tìm kiếm thông qua quảng cáo trong nhiều năm trên App Store của mình. Các nhà phát triển phần mềm có thể trả tiền cho Apple để quảng cáo ứng dụng của họ, cho phép nó tiếp cận nhiều người dùng Apple hơn.
Nhưng sau đó, tính năng minh bạch trong theo dõi hoạt động (ATT) được Apple đưa ra. Đó là lời nhắc Apple gửi cho người dùng, hỏi họ xem có muốn cho một ứng dụng cụ thể nào đó theo dõi hoạt động sử dụng thiết bị của họ hay không. Apple đã quảng cáo tính năng này như một bằng chứng về việc họ quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng như thế nào. Tuy nhiên, nhiều nhà phát triển và nhà tiếp thị khẳng định Apple đang sử dụng ATT để hạn chế quyền truy cập của các công ty bên ngoài vào dữ liệu của người dùng và thúc đẩy các kênh quảng cáo của riêng mình (thứ có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng một cách thoải mái). Do việc bán các thiết bị nói chung đã chậm lại trong những năm qua và việc Apple ngày càng chú trọng vào mảng dịch vụ, nền quá trình xây dựng đế chế quảng cáo của riêng mình trở nên ngày càng có ý nghĩa hơn từ quan điểm tài chính.
Trên thực tế, các báo cáo cho thấy Apple đang tích cực tăng cường tuyển dụng cho mảng quảng cáo nội bộ của riêng mình. Phân khúc quảng cáo của Apple có thể đã chuyển hướng hàng tỷ USD mỗi năm cho việc quảng cáo nhắm mục tiêu nội bộ với sự trợ giúp của ATT, đồng thời gây khó khăn hơn cho Google, Meta và những đối thủ khác trong việc bán các quảng cáo được nhắm mục tiêu, cũng là loại có lợi nhuận cao nhất. Nếu các tuyên bố là đúng, Apple sẽ làm suy yếu khả năng bán quảng cáo cho iPhone của các nhà tiếp thị khác trong khi đồng thời cố gắng quảng bá các kênh quảng cáo được nhắm mục tiêu của riêng mình.
Nhưng bản thân việc lập danh mục Internet để vận hành công cụ tìm kiểm là một nhiệm vụ lớn, đòi hỏi khả năng thu thập và xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ. Google sở hữu vài chục trung tâm dữ liệu trên khắp thế giới và cũng thuê nhiều máy chủ của các bên thứ ba để vận hành cỗ máy tìm kiếm của mình. Và ngay cả đối với gã khổng lồ công nghệ Apple, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho một dịch vụ tìm kiếm trên internet vẫn sẽ là một thách thức lớn. Con số 20 tỷ USD mỗi năm từ Google sẽ chẳng thấm vào đâu, khi nói tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng internet mới, chưa kể đến số lượng lớn các nhân viên và phần mềm cần thiết.
Đó là lý do hầu hết đều tin rằng Google sẽ vẫn là công cụ tìm kiếm mặc định của Apple trong tương lai gần, trừ khi các yếu tố liên quan đến pháp luật để can thiệp có hiệu lực. Apple sẽ vẫn rất vui khi thu được hàng chục tỷ USD hàng năm từ Google, và ngược lại, bởi cả hai đều thoải mái về mặt tài chính. Nhưng đằng sau cái bắt tay tươi cười là việc Apple sẽ không ngừng tìm cách thay thế đối tác, và Google cũng sẽ không dậm chân tại chỗ để các đối thủ có cơ hội vượt mặt trên sân nhà của chính mình.
Tham khảo The Information, MacRumors