Apple làm Fintech có khiến các đối thủ như PayPal lo ngại?

Chia sẻ Facebook
23/05/2023 15:31:37

VietTimes – Các ngân hàng Mỹ mất gần 1.000 tỉ USD tiền gửi trong năm ngoái khi dòng tiền đổ vào các quỹ thị trường tiền tệ lợi suất cao hơn, trong đó có dịch vụ tài chính của Apple.

Apple đang lấn sân sang lĩnh vực Fintech, gây sức ép lớn cho các đối thủ truyền thống trong ngành (Ảnh: Barron's)

Tham vọng mới của Apple

Nhà sản xuất iPhone mới đây đã cho ra mắt tài khoản tiết kiệm với lãi suất 4,15%, cao gấp 10 lần lãi suất trung bình của các ngân hàng.


“Chúng tôi rất hài lòng với phản ứng ban đầu của khách hàng”, CEO Apple Tim Cook nói với các chuyên gia phân tích vào đầu tháng 5.


Hãng sản xuất iPhone không phải là một ngân hàng nhưng đang tích cực lấn sân mảng dịch vụ tài chính (Fintech), với mục tiêu là tạo thêm thu nhập và cùng lúc giữ chân hơn 1 tỉ người dùng iPhone trong hệ sinh thái của Apple .

Táo khuyết đang mở rộng hoạt động thanh toán bằng dịch vụ Apple Pay. Công ty cũng xây dựng mảng kinh doanh thẻ tín dụng cùng với Goldman Sachs Group (GS), đối tác trong của họ trong lĩnh vực tài khoản tiết kiệm. Công ty cũng đang lấn sân sang lĩnh vực “mua trước, trả sau” (BNPL), cạnh tranh với các công ty như Affirm, Block và Paypal Holdings.

Theo ước tính, Apple sẽ đạt doanh thu 391 tỉ USD và thu nhập ròng 96 tỉ USD trong năm nay. Các dịch vụ bao gồm cloud, âm nhạc và video đang trở thành động lực thúc đẩy doanh thu của họ khi chiếm tới 20% tổng doanh thu.


Apple hưởng 30% doanh thu bán ứng dụng và một phần doanh thu từ game, âm nhạc và video. Việc xây dựng các dịch vụ thanh toán sẽ giúp Apple có thêm nguồn doanh thu và thêm một lý do để người tiêu dùng tiếp tục gắn chặt với chiếc iPhone của họ cho tới chu kỳ cập nhật tiếp theo.

Xét về dài hạn, nếu Apple thành công trong việc xây dựng một ví kỹ thuật số với đầy đủ chức năng, nó có thể trở thành một “ứng dụng sát thủ” (killer app) được cài đặt trên 2 tỉ thiết bị của công ty này, khiến cho người tiêu dùng tiếp tục mua thêm phần cứng, phần mềm và các dịch vụ khác thông qua sự tiện lợi tuyệt đối khi có tất cả trong một.

Tất cả những kế hoạch này khiến cho PayPal, Block cùng nhiều đối thủ trong lĩnh vực Fintech đứng ngồi không yên. “Rất nhiều công ty trong lĩnh vực Fintech vừa là bạn vừa là thù, nhưng mọi người chơi đều coi Apple như một mối đe dọa”, một chuyên gia phân tích giấu tên nói.

Logo ứng dụng ví kỹ thuật số của Apple (ảnh: Apple Insider)

Lấn sân Fintech

Nhà sản xuất iPhone đã bỏ ra gần một thập kỷ để lấn sân Fintech. Công ty cho ra mắt Apple Pay, dịch vụ thanh toán di động không tiếp xúc, vào năm 2014 và dần dần bổ sung các tính năng, trong đó có thanh toán ngang hàng (P2P) vào năm 2016 và thẻ tín dụng do Goldman Sachs cấp vào năm 2019.

Trong năm 2016, chỉ có 10% tổng số thiết bị iPhones kích hoạt Apple Pay. Nhưng làn sóng mua sắm trực tuyến giai đoạn đại dịch COVID-19 đã đẩy con số này lên 55% vào năm 2020, và khoảng 78% ở hiện tại, theo dữ liệu từ hãng Deepwater Asset Management.

“Yếu tố quen thuộc của Apple đã có từ lâu”, Lisa Ellis, chuyên gia phân tích Fintech đến từ hãng MoffettNathanson, cho hay. Theo dữ liệu từ kênh của bà, trong vòng 18 tháng qua, lưu lượng sử dụng Apple Pay đã tăng tốc, trong đó có đợt “chuyển biến đáng chú ý” trong 6 tháng qua.

Apple đã mở rộng ví kỹ thuật số của mình trong 2 lĩnh vực chính trong năm nay. Trong tháng 3, họ ra mắt Apple Pay Later, một dịch vụ BNPL trực tiếp cạnh tranh với Affirm, Afterpay, PayPal và Klarna. BNPL đã trở thành một hình thức tín dụng phổ biến trong một vài năm trở lại đây nhờ tích hợp được sự tiện lợi của một tấm thẻ tín dụng với cấu trúc đặt cọc. Thay vì mua hàng bằng thẻ tín dụng, người mua hàng thường chia khoản thanh toán thành 4 khoản bằng nhau và chi trả trong vòng 2 tháng với lãi suất 0%.


Các tài khoản tiết kiệm, được vận hành bởi Goldman Sachs, nhờ có lãi suất cao nên thu hút nhiều khách hàng sử dụng Apple Wallet - ví điện tử hỗ trợ các loại thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ do Apple phát hành riêng. Những phần thưởng có được trên thẻ này sẽ tự động được chuyển vào tài khoản tiết kiệm, có thể lên tới 250.000 USD.

Các công ty thanh toán như PayPal đang chịu sức ép từ Apple (Ảnh: CMC)

Các công ty thanh toán chịu sức ép lớn

Các nhà đầu tư dường như xem khát vọng Fintech của Apple là một lý do nữa để mua cổ phiếu thanh toán mặc dù cổ phiếu của PayPal, Block và Affirn đều sụt hơn 75% từ mức cao năm 2021. PayPal được giao dịch ở mức giá trị tương đương 11,6 lần doanh thu trong 12 tháng, chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình là 33 lần. Block được giao dịch ở mức 28 lần, giảm so với mức trung bình là 98. Con số này của Affirm là 2,4 lần, giảm so với mức trung bình là 17.

Một số nhà phân tích vẫn nhận thấy tiềm năng của các mã cổ phiếu thanh toán vì họ cho rằng Apple không cạnh tranh ở một số lĩnh vực chủ chốt. Ví dụ, PayPal đã đạt thành công lớn với công ty Braintree - một “ngăn xếp” xử lý dành cho người bán cho phép họ chấp nhận các loại thẻ tín dụng, PayPal và tín dụng PayPal thông qua một nền tảng tích hợp.

Theo chuyên gia phân tích Amit Daryanani đến từ hãng Everscore ISI, PayPal cũng có lợi thế lớn như tỷ lệ chấp nhận cao trong cộng đồng các nhà bán lẻ trực tuyến, nếu so với Apple Pay.

Bộ ứng dụng Square dành cho người bán của Block có thể quản lý nhiều thứ, như bán hàng, hóa đơn, bảng lương và lượt đăng ký. Công ty này cũng đang xây dựng ứng dụng Cash thành một ví kỹ thuật số đầy đủ chức năng. Dưới thời của người đồng sáng lập Jack Dorsey, Block cũng là một bên thân thiện với Bitcoin, tạo ra nhiều dịch vụ về tiền mã hóa và Blockchain, thứ mà Apple chưa cung cấp.

Tuy nhiên, Affirm lại dễ bị tổn thương hơn, không chỉ bởi sức ép từ Apple. BNPL hiện giờ là một dịch vụ được cung cấp bởi những ngân hàng và Fintech cỡ bự; người tiêu dùng có thể trả tiền mua hàng bằng thẻ tín dụng có BNPL của JPMorgan Chase hay American Express. Affirm cho hay họ đang có 16 triệu người dùng, tăng từ 12,7 triệu trước đó một năm, và đang mở rộng cơ sở người tiêu dùng và bên bán. Nhưng các chuyên gia phân tích đã nhận thấy sức ép mà Affirm phải gánh chịu; bởi vậy đã hạ các con số ước tính, mục tiêu giá và xếp hạng của công ty này.

Ngồi trên đống tiền lớn, Apple có thể trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty thanh toán (Ảnh: ComputerWorld)

Đối thủ nặng ký

Apple hiện tại vẫn chưa phải một “gã khổng lồ” Fintech. Rất nhiều người vẫn đang ưa chuộng Venmo và PayPal để thanh toán, hoặc dùng Square để hưởng các dịch vụ thương nhân. Dịch vụ BNPL và tài khoản tiết kiệm của Apple mới đang trong giai đoạn sơ khai.

Tuy nhiên, Apple đang lao vào một trò chơi dài hơi nhờ vào sức mạnh tài chính đồ sộ của họ, bao gồm 56 tỉ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền trong bảng cân đối kế toán. Họ cũng có lợi thế lớn trong việc kiểm soát cả phần cứng và phần mềm thông qua các thiết bị iOS – trong khi không có công ty thanh toán nào có. Các thiết bị Android chạy hệ điều hành của Google cũng đang xây dựng dịch vụ thanh toán tương tự, nhưng không thể tích hợp đầy đủ như Apple.

Sức ép sẽ buộc các công ty thanh toán phải nỗ lực hơn để “ngăn chặn mối đe dọa đến từ Apple”, một chuyên gia phân tích fintech cho biết. Và hành động đó có thể khiến họ mất nhiều tiền.

Trong năm tài khóa 2022, Apple đã chi 26 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D), trong khi PayPal chỉ chi 1,7 tỉ USD. Apple có thể chi mạnh tay hơn nhiều so với PayPal trong khi vẫn tích lũy được nhiều tiền mặt để phát triển những thiết bị khác như tai nghe thực tế ảo, nội dung video, và các tính năng mới cho Apple Watch, iPhone, iPad và Mac.

Apple đang sở hữu cả mẫu smartphone bán chạy nhất và cả một đống tiền mặt khổng lồ. Điều này có thể biến họ thành một đối thủ nặng ký.


Theo Barron's

Chia sẻ Facebook